EU nhất trí cấm vận một phần với dầu Nga
Theo Guardian (Anh), Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm vận đối với một phần dầu Nga nhập khẩu, thuộc gói trừng phạt thứ 6, sau cuộc hội đàm vào đêm muộn tại hội nghị thượng đỉnh bất thường ở Brussels vào ngày 30/5.
"Thống nhất cấm nhập khẩu dầu Nga sang EU. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng tới hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga", Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Charles Michel thông báo và ca ngợi thỏa thuận này là một "thành tựu nổi bật".
Như vậy, gói trừng phạt thứ 6 này của EU mới chỉ tập trung vào dầu Nga nhập khẩu bằng đường biển, tạm thời chưa áp đặt lệnh cấm với dầu Nga nhập khẩu bằng đường ống.
Ngoài ra, EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank ra khỏi hệ thống tài chính SWIFT hay cấm thêm 3 đài truyền hình thuộc sở hữu nhà nước của Nga v.v...
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận về gói trừng phạt thứ sáu là "một bước tiến quan trọng" và cho biết khối đã đồng ý "đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo" để bù đắp cho việc đa dạng hóa dầu Nga.
Tờ New York Times (Mỹ) cho rằng, việc EU miễn trừ cấm vận với dầu Nga cung cấp qua đường ống chắc chắn là một thỏa hiệp cho phép các nước như Hungary chấp nhận các lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga. Hungary vốn được biết đến là quốc gia có quan điểm cứng rắn trong việc ngăn chặn EU cấm nhập dầu Nga. Nói về vấn đề này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định, "đây là một giải pháp tốt”.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel (trái) trò chuyện với Thủ tướng Hungary Viktor Mihaly Orban và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) trước hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Getty
Tại sao EU nỗ lực thống nhất cấm dầu Nga?
Hãng tin Reuter (Anh) cho hay, điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận là đề xuất của EC từ ngày 4/5 về vòng trừng phạt thứ sáu và cứng rắn nhất của EU đối với Nga, bao gồm dầu được vận chuyển qua đường biển, đường ống và các sản phẩm dầu tinh chế.
Lệnh cấm vận dầu sẽ tước đi nguồn thu chính của Moscow mà theo EU, nguồn thu này giúp Điện Kremlin đổ vào cuộc xung đột nóng nhất hiện nay.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng/ngày xuất khẩu dầu thô của Nga là sang EU. EU phụ thuộc vào Nga với 26% lượng dầu nhập khẩu vào năm 2020, cùng với khoảng 40% lượng khí đốt.
Tuy nhiên, do các nước thành viên EU có sự phụ thuộc khác nhau vào dầu Nga và khả năng tìm kiếm nguồn cung khác nhau nên EU phải vật lộn để tìm ra một gói trừng phạt mà tất cả các quốc gia đều chấp nhận.
Hungary - Vướng mắc chính
27 nước thành viên của EU phải nhất trí về các biện pháp trừng phạt thì gói trừng phạt mới được thông qua. Hungary chính là vướng mắc lớn nhất trong sự vụ lần này của khối. Nước này cho rằng, việc ngừng nhập khẩu dầu Nga sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia không giáp biển như họ. Bởi họ không có cảng biển nên không thể dễ dàng lấy dầu từ nơi khác.
Tương tự, Slovakia và Cộng hòa Séc, những quốc gia không giáp biển, cũng bày tỏ lo ngại chung. Giống như Hungary, họ dựa vào đường ống Druzhba nối với Nga để nhập dầu.
Do đó, ba nước đã được ưu tiên tiến trình dài hơn để cắt giảm nhu cầu nhập khẩu dầu Nga. Sắp tới, EU sẽ tài trợ 2 tỷ euro nâng cấp các cơ sở hạ tầng dự trữ dầu, nhằm đẩy nhanh quá trình xóa bỏ sự phụ thuộc vào dầu Nga của các nước này.
Theo Reuters, dù vậy điều đó cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được Hungary, quốc gia này cho biết họ cần tài chính để nâng cấp một đường ống dẫn dầu từ Croatia và chuyển các nhà máy lọc dầu sang xử lý dầu không phải của Nga. Tuy nhiên, Hungary không thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn EU đề xuất do bất đồng ý kiến với một số thành viên của khối.
Hungary, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin hơn các nước khác trong khối - đã nhận hơn một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm dầu nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái, theo IEA.
Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna Mikhail Ulyanov. Ảnh: TASS
Cạnh tranh trong khối
Sau khi áp đặt 5 vòng trừng phạt đối với Moscow, Brussels đang cố gắng tránh một cuộc tranh cãi công khai về các lệnh trừng phạt dầu mỏ có thể làm suy yếu sự thống nhất chống lại Nga từ trước đến nay của các nước EU.
Để được một thỏa thuận, các nước đã thảo luận về phương án chỉ cấm dầu của Nga được vận chuyển đến EU bằng đường biển, miễn trừ tạm thời đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường ống.
Như vậy, dầu Nga được vận chuyển bằng đường ống North Druzhba tới Ba Lan và Đức cũng sẽ được miễn trừ.
Nhưng một số nhà ngoại giao EU cảnh báo rằng điều đó sẽ giảm sức nặng của các lệnh trừng phạt và việc miễn trừ dầu Nga cung ứng qua đường ống North Druzhba là không cần thiết, vì Đức cam kết sẽ sẵn sàng thực hiện lệnh cấm cho đến cuối năm nay còn Ba Lan từ lâu đã ủng hộ việc xoá bỏ sự phụ thuộc vào dầu Nga.
Giờ đây, khi đạt được thống nhất về lệnh cấm dầu Nga, EU lại đối mặt với một thách thức khác: Bất công bằng trong giá dầu. Ví dụ, việc miễn trừ áp dụng lệnh cấm đối với dầu vận chuyển bằng đường ống có thể tạo ra các vấn đề cạnh tranh trong EU, vì các nước kết nối với đường ống sẽ được cung ứng dầu Nga rẻ hơn, trong khi các nước khác sẽ cần chuyển sang dầu thô Brent đắt hơn.
Theo tổ chức tư vấn Bruegel, 3/4 lượng dầu của Nga ở châu Âu được vận chuyển bằng tàu chở dầu, trong khi 1/4 được vận chuyển bằng đường ống, vì vậy lệnh cấm vận đối với việc giao hàng bằng đường biển sẽ vẫn có tác động lớn.
Nga lên tiếng về gói trừng phạt thứ 6 của EU
Hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết, bình luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, bao gồm cấm vận một phần đối với dầu Nga, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna Mikhail Ulyanov cho biết, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.
"Như bà [Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen] đã nói vào ngày hôm qua, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác. Đáng chú ý là bây giờ bà ấy mâu thuẫn với tuyên bố của chính mình vào ngày hôm qua. Sự thay đổi quan điểm nhanh chóng cho thấy EU đang không có trạng thái tốt", ông Ulyanov cho biết trên Twitter hôm 31/5, đáp lại tuyên bố của bà von der Leyen về lệnh cấm vận một phần dầu mỏ Nga.
Trước đó, bà Ursula von der Leyen cho biết, EU hy vọng sẽ có thể áp đặt lệnh cấm với khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga trước cuối năm nay.