El Nino cổ đại trên đại dương: Có nguy cơ trỗi dậy sau 21.000 năm, giới khoa học lo lắng, vì sao?

Trang Ly | 10-05-2020 - 20:27 PM

(Tổ Quốc) - "Những sự kiện cực đoan này ngày càng mạnh hơn khi chúng ta bơm thêm CO2 vào khí quyển, và chắc chắn có tác động không bình đẳng đến các quốc gia ở vùng nhiệt đới".

Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang góp phần làm gia tăng những kiểu thời tiết cực đoan, gây tác động xấu đến sức khỏe con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu. Chưa dừng ở đó...

Nóng lên toàn cầu có nguy cơ đánh thức một kiểu El Nino của riêng Ấn Độ Dương

Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, trong bối cảnh một thế giới ngày càng nóng lên thì biến đổi khí hậu có thể đánh thức hệ thống El Nino cổ đại (từng tồn tại trong quá khứ) tại Ấn Độ Dương (vùng đại dương lớn thứ 3 trên thế giới, sau Thái Bình Dương và Đại Tây Dương). 

Hệ quả là, có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bão/siêu bão, lũ lụt và hạn hán xảy ra xung quanh Ấn Độ Dương - điều này, đổi lại có khả năng ảnh hưởng đến những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên khắp châu Phi, châu Á và Úc, Sciencealert trích dẫn thông tin từ các nhà khoa học Mỹ.

Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học bang Texas (Mỹ) cho hay, sự gia tăng nhiệt độ bề mặt nhỏ ở Ấn Độ Dương có thể thấy thời tiết liên quan của nó bắt đầu phù hợp với các kiểu El Nino mà chúng ta thấy ngày nay trên Thái Bình Dương.

Như chúng ta đã biết, El Nino một hệ thống thời tiết đặc trưng bởi nước ấm bất thường ở khu vực Thái Bình Dương (cụ thể ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương) - nó liên quan đến hạn hán ở Úc và mưa lớn ở Nam Mỹ, và hiện tượng này đã trở nên nguy hiểm hơn do biến đổi khí hậu.

Do vậy, việc El Nino xuất hiện tại Ấn Độ Dương, sinh ra các hiện tượng thời tiết chỉ thấy ở Thái Bình Dương, cho thấy điều này phù hợp với cách gió và lượng mưa ảnh hưởng đến khu vực này (Ấn Độ Dương) trong kỷ băng hà cuối cùng xảy ra khoảng 21.000 năm trước.

Nói cách khác, một loại El Nino cổ đại có thể đã thức dậy (tại Ấn Độ Dương) trong bối cảnh hành tinh của chúng ta đang trở nên nóng hơn.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng hoặc giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ vài độ sẽ khiến Ấn Độ Dương hoạt động giống hệt như các đại dương nhiệt đới khác, với nhiệt độ bề mặt nước ít đồng đều hơn trên đường xích đạo, khí hậu thay đổi thường xuyên hơn và đặc biệt là sinh ra hiện tượng El Nino của riêng vùng Ấn Độ Dương" - nhà khoa học khí hậu Pedro DiNezio từ Đại học Texas ở Austin, tác giả chính của nghiên cứu, nói.

El Nino cổ đại trên đại dương: Có nguy cơ trỗi dậy sau 21.000 năm, giới khoa học lo lắng, vì sao? - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang góp phần làm gia tăng những kiểu thời tiết cực đoan. Hình mang tính minh họa: Internet

DiNezio và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp của ông đã phân tích 36 mô hình khí hậu khác nhau được tạo ra, thuộc Dự án liên máy tính mô hình kết hợp (CMIP), chọn ra những mô hình phù hợp với điều kiện hiện tại một cách chính xác nhất. Những mô hình này sau đó được sử dụng để xem xét sự nóng lên có thể thay đổi điều kiện khí tượng xung quanh Ấn Độ Dương như thế nào.

Ngày nay, Ấn Độ Dương có rất ít thay đổi về nhiệt độ hàng năm: Hướng gió thịnh hành từ tây sang đông có xu hướng giữ cho điều kiện tại vùng biển này ổn định. Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu có nguy cơ đảo ngược những cơn gió này, các mô hình CMIP đã chỉ ra điều đó.

Nếu sự cân bằng của các kiểu thời tiết bị phá vỡ theo cách đó, tạo cho vùng biển Ấn Độ Dương một kiểu El Nino của riêng mình, sẽ gây tác động lớn hơn về sự ấm lên và làm mát đại dương trong nhiều tháng. Điều này phù hợp với cách các nhà khoa học nghĩ rằng Ấn Độ Dương đã từng có kiểu thời tiết đó trong quá khứ.

"Sự tái xuất hiện sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào tốc độ nóng lên toàn cầu, vì vậy, vấn đề cuối cùng là liệu khí thải nhà kính trên toàn cầu có được giảm bớt hay không", DiNezio nói.

"Chúng tôi chắc chắn rằng những rủi ro của những sự kiện cực đoan này ngày càng lớn hơn khi chúng ta bơm thêm CO2 vào khí quyển, và chắc chắn sẽ có tác động không bình đẳng đối với các quốc gia ở vùng nhiệt đới."

Nhà khoa học khí hậu Mỹ Pedro DiNezio

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ toàn cầu gia tăng không ngừng ngày nay đang ảnh hưởng đến Ấn Độ Dương theo cách tương tự như các sông băng đã làm hàng chục ngàn năm trước, gây ra nhiều dao động cực đoan trong điều kiện thời tiết.

Sự thay đổi tiềm ẩn này của gió có thể dẫn đến mọi thứ cực đoan: Từ lũ lụt gia tăng ở một số khu vực này đến những đợt khô hạn kéo dài ở các khu vực khác, ảnh hưởng đến những vùng đất rộng lớn trên thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu - như những vụ cháy rừng gần đây ở Úc cho thấy.

"Sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng khí nhà kính gây nên đang tạo ra một hành tinh sẽ hoàn toàn khác với những gì chúng ta biết ngày nay hoặc những gì chúng ta đã biết trong thế kỷ 20," DiNezio kết luận.

Ấn Độ Dương được biết đến là khu vực có tần suất hoạt động bão ít bậc nhất thế giới. Trong khi đó, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương là hai vùng sản sinh ra nhiều ổ bão hoạt động mạnh nhất thế giới (đọc chi tiết).

Trong diễn biến liên quan, tờ New York Times của Mỹ dẫn lời các nhà khoa học Trái Đất cho biết, có khoảng 98% khả năng năm 2020 sẽ rơi vào top 5 năm nóng nhất trong lịch sử. Mặc dù không có El Nino nhưng sự nóng lên toàn cầu bị tác động mạnh mẽ bởi khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC) đang ồ ạt tăng lên trong bầu khí quyển, gây tác động xấu đến khí hậu, thời tiết trên toàn cầu.

Trong báo cáo đa cơ quan về tình hình khí hậu thế giới công bố hồi tháng 3/2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có đề cập đến hệ lụy khôn lường của biến đổi khí hậu, trong đó có nhắc đến những ca tử vong hàng loạt của con người do sóng nhiệt, nắng nóng, hạn hán; vấn đề an ninh lương thực bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu; tị nạn khí hậu đang gây nên những khó khăn về tình hình xã hội, an sinh ở nhiều khu vực trên thế giới; không những thế, những thay đổi trong điều kiện khí hậu kể từ năm 1950 đang giúp loài muỗi Aedes dễ dàng truyền virus sốt xuất huyết, làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh.

Có thể thấy, biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang gây nên những hệ quả quy mô toàn thế giới: Thương vong, dịch bệnh, nghèo đói... Tất cả đang khiến con người phải hứng chịu từng ngày, từng năm.

Nghiên cứu được công bố trên Science Advances.

Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM