Tại Hà Nội, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 3 ngày, nhu cầu về quê, đi du lịch trong dịp này của người dân cũng có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, vừa qua đợt đỉnh dịch Covid-19 nên nhiều người lựa chọn đi du lịch hoặc cùng gia đình vui chơi, tham quan quanh Hà Nội. Do vậy, lượng hành khách tại các bến xe cũng không qua đông đúc.
Đường phố Hà Nội đông nghẹt trong ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ
Khoảng 16h30 chiều 8/4, Bến xe Giáp Bát thưa thớt người dân đi du lịch, về quê nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương
Anh Hùng, chủ xe khách Hà Nội - Hà Nam than vãn đợi từ sáng nhưng khách “nhỏ giọt”. Xe xuất bến chỉ lác đác một vài khách.
“Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, mở cửa du lịch nhưng tình hình với những nhà xe như chúng tôi vẫn khá ế ẩm. Hi vọng, dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới sẽ khởi sắc hơn”, anh Hùng nói.
Mỹ Quỳnh, 25 tuổi, tranh thủ sau giờ làm việc, chạy ra bến xe Giáp Bát. Không còn cảnh tấp nập, hối hả như mấy năm trước dịch, bến xe thưa thớt nên Quỳnh mua vé và lên xe thuận tiện. “Mình tranh thủ 3 ngày nghỉ lễ về quê nghỉ ngơi, tiện thu xếp một vài công việc cá nhân”, Quỳnh chia sẻ.
Khá nhiều người ngồi chờ đến chuyến xe của mình
Hầu hết người dân đều tuân thủ thực hiện quy tắc phòng chống dịch bệnh
Trong khi đó, tại Bến xe Gia Lâm, Thuỳ Linh, 27 tuổi, hớt hải bắt kịp chuyển xe khách về Hải Phòng sau một chuỗi “kinh hoàng”.
Linh kể, dịp nghỉ lễ này, vừa kết hợp về quê nghỉ ngơi vừa du lịch. Chủ quan nghĩ rằng có 2 phương án: tàu hoả và xe khách, nên cô không đặt vé trước.
15h ngày 8/4, Linh đi xe máy ra ga Gia Lâm, choáng ngợp trước cảnh đông đúc và xếp hàng. Sau 15 phút, cô được thông báo hết vé, kể cả vé phụ (giảm 50% so với vé chính).
“Không còn cách nào, mình đành gửi lại xe máy ở ga và đi bộ ra bến xe khách Gia Lâm cách đó 500m. Đến nơi, khách ngồi kín phòng chờ, chật vật mãi mới mua được vé”, Linh chia sẻ.
Cô cho hay, nhiều người bạn không đặt được vé tàu hoả, phải dời lịch sang hôm sau. Rút kinh nghiệm, cô đã đặt trước vé tàu về lại Hà Nội tránh trường hợp hết vé.
Một số người dân di chuyển về quê sau khi kết thúc giờ làm việc buổi chiều nên mật độ phương tiện tại nhiều tuyến đường cũng tăng cao hơn
Khu vực đường Khuất Duy Tiến bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc
Khoảng 18h khu vực hầm chui Khuất Duy Tiến bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc, các phương tiện di chuyển chậm
Các phương tiện cũng chen chúc, di chuyển chậm
Tuyến đường cửa ngõ mật độ phương tiện lưu thông vẫn đông đúc, nhiều người tranh thủ về quê ngay trong tối thứ Sáu (8/4)
Tại TP.HCM, tại các bến xe cũng không quá đông đúc, nhiều người dân lựa chọn di chuyển về quê bằng phương tiện cá nhân.
Không chỉ tại bến xe Giáp Bát, một số bến xe lớn tại TP.HCM là bến xe Miền Tây và bến xe Miền Đông cũng không quá đông đúc
Tại bến xe miền Tây, không có cảnh chen chúc mua vé diễn ra như các dịp lễ, Tết trước, các quầy vé đều thông thoáng
Tương tự, ghi nhận trên tuyến quốc lộ 1A hướng về các tỉnh miền Tây, người và phương tiện lưu thông một cách dễ dàng, lực lượng CSGT cũng túc trực tại các giao điểm để điều tiết giao thông
Ghi nhận lúc 17h ngày 8/4 tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khách đến mua vé dịp nghỉ Lễ giổ Tổ Hùng Vương nhộn nhịp hơn chút so với ngày thường chứ không quá đông
Các quầy vé về các tỉnh miền Trung như từ Bình Định trở vào đến Bình Thuận có tăng nhưng không cao. Các hành khách tranh thủ 3 ngày nghỉ lễ về thăm quê, rất ít hành khách đi du lịch do họ chọn đi du lịch dịp Lễ 30/4 sắp tới vì được nghỉ nhiều ngày hơn
Trong khi đó các tuyến cự ly ngắn như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước hành khách cũng không khác mấy so với ngày thường. Các tuyến này đa phần hành khách tự túc đi xe cá nhân trong dịp nghỉ Lễ
Dịp nghỉ Lễ này, hành khách chủ yếu là các bạn sinh viên tranh thủ về quê thăm gia đình
Lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết, dịp Giỗ tổ Hùng Vương không điều chỉnh tăng để quay đầu giải tỏa khách, bù chi phí chiều về không khách. Theo đơn vị này, năm nay lượng khách đi lại dịp Lễ không tăng so với năm ngoái, thậm chí là giảm