Lịch sử đã ghi nhận nhiều trường hợp các mẫu máy bay chiến đấu của Mỹ được nghiên cứu, chế tạo và đưa vào thử nghiệm nhưng không bao giờ đi vào phục vụ. F-20 là một ví dụ điển hình trong số đó. Theo cựu sĩ quan Không quân Mỹ Christian Orr, chiếc máy bay tuyệt hảo này đã không bao giờ vượt qua được giai đoạn thử nghiệm dù nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
F-20 Tigershark là mẫu máy bay phản lực siêu thanh thời Chiến tranh Lạnh có kiểu dáng đẹp mắt. Nó đã được phi công Charles Edward Chuck Yeager [người đầu tiên lái chiếc máy bay thử nghiệm vượt qua tốc độ âm thanh] mô tả trong cuốn tự truyện bán chạy nhất năm 1986 của mình là "chiếc máy bay đẹp nhất trên thế giới" vào thời đó.
Có được sự tán dương và xác nhận từ một phi công nổi tiếng, F-20 Tigershark đứng trước tương lai xán lạn, thế nhưng cuối cùng, nó đã không leo được tới đỉnh vinh quang. Lý do 'con cá mập đường không' này không thể sống sót là gì?
F-20 Tigershark được đánh giá là máy bay chiến đấu 'đẹp nhất thế giới' vào thời điểm nó ra đời. Ảnh: Không quân Mỹ
"Cá mập bay"
F-20 bắt đầu được phát triển vào năm 1975. Ban đầu nó mang định danh là F-5G, một biến thể của mẫu Northrop F-5E Tiger II AKA "Freedom Fighter" đã được Mỹ bán cho các đồng minh trên toàn cầu (từ Brazil, Ethiopia, cho tới Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Đài Loan). Không chỉ có giá rẻ, F-5E còn nổi tiếng ở Hollywood sau khi được sơn lại để đóng giả "MiG-28" hư cấu trong phim Top Gun năm 1986.
Chương trình F-5G được thúc đẩy thêm bởi dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ mang tên "FX", do chính quyền cựu Tổng thống Carter chỉ đạo nhằm bán các thiết kế máy bay chiến đấu kém tiên tiến hơn cho các đồng minh của Washington. Mục đích của Mỹ là muốn hạn chế nguy cơ công nghệ hàng đầu của họ rơi vào tay Liên Xô. Northrop ban đầu coi Đài Loan là khách hàng triển vọng nhất đối với mẫu máy bay mới này.
Một nghiên cứu của công ty tư vấn RAND vào tháng 6/1987 nhận định: "Quyết định chế tạo mẫu Tigershark của Northrop là hợp lý. Vào thời điểm đó, đã có hai luồng tranh luận nổi lên xoay quanh mẫu máy bay F-5 mới, nhưng cả hai đều mang tính ủng hộ dự án.
Luồng thứ nhất cho rằng mẫu máy bay mới rất cần thiết để tiếp tục giữ vững thị trường máy bay F-5 đã có. Luồng thứ hai nêu quan điểm rằng, sự xuất hiện của các công nghệ mới cho thấy Mỹ cần phải có một mẫu chiến đấu cơ tiên tiến hơn. Kết quả, Tigershark đã được thiết kế để đáp ứng tất cả những nhu cầu này".
Hai nguyên mẫu F-20 Tigershark. Ảnh: Wiki
Đội ngũ thiết kế của Northrop, gồm Welko E. Gasich, Robert Sandusky và Đại tá Không quân về hưu Everest "Rich" Riccione, đã đưa ra thiết kế Tigershark lấy cảm hứng từ ý tưởng 'cơ động năng lượng' mang tính biểu tượng của Đại tá John Boyd (một huyền thoại của Không quân Mỹ). F-5G sớm được đổi tên thành F-20A.
Tigershark được cải tiến dựa trên F-5E Tiger II, động cơ mới cho phép máy bay đạt tốc độ lớn hơn (Mach 2.1). Máy bay được tăng cường khả năng tác chiến không-đối-không ngoài tầm nhìn và bổ sung hệ thống tác chiến không-đối-không có thể triển khai hầu hết các loại vũ khí phù hợp của Mỹ.
Gói vũ khí tiêu chuẩn bao gồm 2 pháo tự động Pontiac M39A2 20mm với cơ số đạn 280 viên mỗi khẩu, 2 tên lửa không-đối-không AIM-9 Sidewinder. Tổng cộng đã có 3 nguyên mẫu Tigershark được chế tạo.
Tigershark thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/8/1982 do phi công thử nghiệm Russ Scott điều khiển từ căn cứ không quân Edwards, California. Phi công Russ đã lái chiếc máy bay nguyên mẫu trong vòng 40 phút, đạt độ cao 12.000m và tốc độ Mach 1.04.
Với năng lực bứt phá, F-20 Tigershark sớm được coi là đối thủ cạnh tranh với các thiết kế máy bay chiến đấu đương đại như General Dynamics F-16/79 (phiên bản sửa đổi hướng tới xuất khẩu của F-16A/B, được thiết kế với động cơ phản lực General Electric J79 đã lỗi thời). Lợi thế của nó nằm ở giá cả và chi phí vận hành thấp hơn.
Thành công của Tigershark đáng lẽ bắt đầu từ đó, nhưng đã nhanh chóng sụp đổ và 'cháy rụi' theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khi con cá bị lôi lên khỏi mặt nước
Yếu tố chính trị đóng một vai trò quan trọng trong cái kết buồn của Tigershark. Sau khi ông Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Mỹ, chương trình FX dần dần không còn được ưa chuộng do chính quyền mới của Washington bắt đầu nới lỏng các hạn chế xuất khẩu.
Sau đó, quyết định ký kết Thông cáo chung giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề mua bán vũ khí đã ngăn chặn việc Washington cung cấp F-20 Tigershark cho Đài Loan. Cơ hội dành cho F-20 ở các thị trường khác cũng trở nên xấu đi, Không quân Mỹ đã 'đổ thêm dầu vào lửa' khi nói rằng tăng cường xuất khẩu mẫu F-16 ra nước ngoài sẽ giúp chi phí sản xuất tổng của chương trình F-16 dành cho Không quân Mỹ giảm xuống.
F-20 Tigershark là mẫu máy bay tuyệt hảo nhưng ra đời sai thời điểm. Ảnh: Wiki
Vận đen tiếp tục đeo bám khi 2 tai nạn chết người xảy ra với F-20. Thảm kịch đầu tiên được ghi nhận trong chuyến bay trình diễn tại căn cứ Không quân Suwon, Hàn Quốc ngày 10/10/1984, cướp đi sinh mạng của phi công thử nghiệm Darrell E. Cornell. Thảm kịch thứ hai xảy ra vào ngày 14/5/1985 tại Vịnh Goose, Newfoundland, Canada.
Trong cả 2 trường hợp, kết quả điều tra đã loại bỏ khả năng F-20A phát sinh lỗi thiết kế hoặc kỹ thuật bởi các phi công đều trải qua một hiện tượng hàng không được gọi là Mất ý thức do Lực G gây nên (G-LOC).
Tuy nhiên, số phận của Tigershark đã bị 'phong ấn'. F-20A Tigershark rất nhanh, cơ động, dễ bay và bảo trì nhưng Northrop không bao giờ có thể cạnh tranh lại với F-16 về chi phí. Cuối cùng, dự án Tigershark đã thất bại vì cố làm quá nhiều thứ. Nó quá nặng để trở thành một mẫu máy bay hạng nhẹ và thiếu các đặc tình tàng hình, trong khi lại quá nhẹ để trở thành một mẫu máy bay tráng kiện và sừng sỏ như F-15E Strike Eagle.
Dù có những đặc tính xuất chúng nhưng F-20A Tigershark là một mẫu máy bay tuyệt hảo ra đời sai thời điểm. Chiếc F-20A Tigershark duy nhất còn sót lại hiện được trưng bày tại Trung tâm Khoa học California ở Los Angeles, đánh dấu một cái kết buồn cho mẫu máy bay chiến đấu đẹp nhất thế giới.