Thụy Điển, Phần Lan tham gia NATO và động thái từ Nga

Mạnh Kiên | 18-04-2022 - 19:29 PM

(Tổ Quốc) - Không ai ngờ rằng, việc NATO có thêm 2 thành viên lại là điều có thể bức Nga vào bước đường cùng như vậy. Tờ CNA nhận định, đó là sự báo hiệu cho một kỷ nguyên mới rất nguy hiểm.

NATO mở rộng quy mô sang vùng Scandinavia có thể khiến cho căng thẳng với Nga gia tăng. Áp lực quân sự từ NATO có thể khiến Moscow coi đây là một mối đe dọa hiện hữu và phải chuyển sang một phản ứng rắn chưa từng có, theo CNA.

Thụy Điển và Phần Lan gần đây đã thể hiện ý định gia nhập NATO một cách rõ ràng sau những diễn biến căng thẳng ở Ukraine.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, đất nước có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga này sẽ quyết định có tham gia liên minh hay không trong "vài tuần tới chứ không phải đợi trong nhiều tháng".

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều là các quốc gia không liên kết trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Nhưng trong vòng chưa đầy một tháng, những thay đổi chính sách của hai nước về các vấn đề an ninh đã cộng hưởng cùng những thay đổi tương tự trên khắp châu Âu - bao gồm cả sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng do Đức đề xuất.

Sự xoay trục sang phương Tây của hai cường quốc trung lập, cùng với ý định cải cách ở Đức đã gạt sự cẩn trọng quân sự truyền thống sang một bên, báo hiệu một kỷ nguyên mới nhiều.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc gia nhập NATO mang lại rủi ro cho cả hai quốc gia, vốn đã duy trì sự cân bằng mong manh khi ngồi cùng bàn với phương Tây trong khi không gây ra những tình huống tranh cãi với nước láng giềng hùng mạnh là Nga.

Trên thực tế, hai quốc gia Scandinavia gia nhập NATO sẽ gây ra nhiều tình huống khó xử về an ninh hơn là mang đến giải pháp an ninh.

Khái niệm về một "tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh" được học giả về Chiến tranh Lạnh John người Mỹ Herz xác định vào năm 1951.

Theo đó, khi các quốc gia yếu hơn tìm cách tăng cường sức mạnh để cân bằng với một quốc gia mạnh hơn, như người Scandinavi đang lên kế hoạch gia nhập NATO, quốc gia mạnh hơn (Nga trong trường hợp này) có thể sẽ coi đây là một mối đe dọa và sau đó sẽ có phản ứng tương xứng.

Do đó, không ngạc nhiên khi Điện Kremlin đã có những cảnh báo sắt đá. Ngoài tuyên bố của cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev về viễn cảnh một Baltic phi hạt nhân hoá sẽ không còn, phát ngôn viên Dmitry Peskov gần đây đã mô tả NATO là "một công cụ hướng tới đối đầu", cảnh báo rằng Phần Lan và Thụy Điển tham gia "sẽ không mang lại sự ổn định cho lục địa châu Âu".

Đụng vào trái cấm, NATO bức Nga vào đường cùng: TT Putin chỉ còn 1 lựa chọn khủng khiếp? - Ảnh 2.

Lỗi không phải do Nga?

Về lý thuyết quyền lực chính trị, tình thế tiến thoái lưỡng nan này cho Nga hai lựa chọn. Nước này có thể tìm cách tăng cường sức mạnh của mình thông qua chạy đua vũ trang hoặc khắc chế mối đe dọa thông qua hành động quân sự - bao gồm khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào NATO.

Trong Chiến tranh Lạnh, hòa bình được duy trì bởi kho vũ khí hạt nhân của hai bên, đây là một yếu tố đủ sức răn đe để ngăn chặn đối đầu trực tiếp.

Kết quả là một cuộc chạy đua vũ trang - đặc biệt là về vũ khí hạt nhân cũng được cả hai liên minh theo đuổi, cả hai đều không cho phép bên kia có lợi thế hơn mình, cũng như mỗi bên sẽ cố gắng đặt tên lửa gần lãnh thổ của bên kia hơn, trước khi thực hiện hành động xoa dịu tình hình.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 từng đưa hai bên đến bờ vực của một cuộc đối đầu hạt nhân đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc tránh mọi hành động phá vỡ sự cân bằng này.

Sự mở rộng của NATO và việc Nga không có khả năng cân bằng quyền lực thông qua một cuộc chạy đua vũ trang thông thường hoặc thông qua liên minh, ít nhất là một phần lý do dẫn đến xung đột ở Ukraine.

Với chi phí thời gian và tiền bạc để cố gắng chạy theo sức mạnh của NATO trong khi liên minh phương Tây ngày càng tiến sát ngưỡng cửa, tất cả lý do này sẽ khiến Tổng thống Putin có thể coi rằng một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu là lựa chọn duy nhất của ông, CNA nhận định.

Nhà lãnh đạo Nga từng báo hiệu hạt nhân là lựa chọn mà ông sẽ sử dụng nếu đối mặt với mối đe dọa mà ông không thể hoá giải bằng các biện pháp khác. Sự phát triển gần đây của Nga về tên lửa hành trình siêu vượt âm có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi quan trọng trong cách nhìn nhận này.

Các chuyên gia cho rằng NATO vẫn chưa phát triển một hệ thống phát hiện quỹ đạo và tốc độ của tên lửa hành trình siêu vượt âm một cách hiệu quả.

Do đó, ông Putin có thể tin rằng một cuộc tấn công phủ đầu vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của phương Tây nên được Nga tiến hành trước. Điều này sẽ mang lại cho Nga cơ hội sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân - ít nhất là ở trạng thái tốt hơn phương Tây.

Mặc dù thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 70 năm qua, nhưng tư duy chiến lược khai nguyên cho NATO vào năm 1949 vẫn chưa theo kịp thời thế.

Đã có nhiều lời khuyên ngừng mở rộng đối với liên minh này, bao gồm cả tiếng nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, cùng với John Mearsheimer, chuyên gia chính sách đối ngoại nổi tiếng Mỹ, người gần đây đã cảnh báo rằng đây là lý do góp phần kích hoạt chiến dịch hiện nay ở Ukraine.

Về mặt lịch sử, không liên kết có tức là đứng ngoài bất kỳ cuộc đối đầu nào và bảo vệ các lợi ích quốc gia cụ thể khỏi những ảnh hưởng lớn từ sân chơi toàn cầu. Tình trạng đó đã cho phép Thụy Điển và Phần Lan, cũng như các quốc gia như Áo, độc lập một cách thực sự.

Từ bỏ lập trường đó sẽ thay đổi bản chất vùng Scandinavia và đưa NATO tiến gần hơn đến cuộc đối đầu với Nga.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM