Cách đây vài năm, khi Hương Giang chuyển giới và xuất hiện trước truyền thông, cộng đồng mạng đã “ném đá” tới tấp cô hoa hậu chuyển giới, dùng những ngôn từ nặng nề xúc phạm. Những tưởng sau sự kiện đó, cái nhìn của nhiều người đã cởi mở hơn, bớt thiên kiến hơn với những người thuộc cộng đồng LGBT, đặc biệt là nhóm người chuyển giới. Tuy nhiên, khi câu chuyện Lynk Lee bị một bộ phận anti xúc phạm, tấn công trên mạng xã hội, người ta chợt nhận ra rằng sự công nhận hoàn toàn vẫn còn là điều khó với người LGBT.
Nghệ thuật tẩy chay hay nói xấu nếu vẫn chứa những ngôn ngữ dung tục thì tính thuyết phục đi lùi lại cả thập kỷ. Nhân câu chuyện Lynk Lee đi hát tại Hà Nội và bị antifan vào xúc xiểm, tôi xin phép “giải ngố” cho một vài thắc mắc, bình luận điển hình giữa hàng trăm nghìn bình luận. Nếu ví những người chuyển giới, nhóm yếu thế như những người da màu đang đấu tranh vì sự công bằng và tự do thì cộng đồng antifan có xu hướng phân biệt đối xử chính là tầng lớp thượng đẳng muốn thể hiện vị thế của mình trong xã hội.
Nhưng khó, hoặc cần nỗ lực hơn. Rất nhiều.
“Thời buổi gì toàn bê đê, chuyển giới, gay les các kiểu được tung hô”
Chính xác đó là thời buổi của sự bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng, dù trên thực tế sự “tung hô” này vẫn có những điều chưa chuẩn mực nhưng phần nào đã giúp tăng sự hiện diện của các cộng đồng thiểu số (thiểu số ở đây là nhắc tới số lượng) trong xã hội. Đây là một điều cần thiết cho xã hội và trong hầu hết các hoàn cảnh. Ví dụ như trong nhiều công ty lớn như Google, Facebook, sự đa dạng về các cộng đồng người là một điều gần như bắt buộc trong chính sách tuyển dụng. Nếu không xét tới vấn đề quy định, tính đa dạng cũng sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, tăng cường sự khoan dung, thấu hiểu, hiểu biết trên nhiều vấn đề.
Showbiz không phải là nơi duy nhất có sự đa dạng, tất cả lĩnh vực đều cần tới sự đa dạng. Thế giới sau Thế chiến thứ II đã nổi lên làn sóng nữ quyền để tăng cường sự hiện diện phụ nữ; công ước quốc tế về chống phân biệt chủng tộc ra đời năm 1965 mở ra nhiều cơ hội cho người dân từ mọi sắc tộc. Cộng đồng LGBT cũng đang tăng dần sự hiện diện của mình, lắp ghép vào bức tranh đa dạng toàn cầu. Và tất nhiên, họ được tung hô không phải vì là gay, les hay chuyển giới mà vì những câu chuyện nỗ lực phía sau để vượt lên rào cản cuộc sống.
Trẻ nhỏ khi học về sinh thái đã biết thế giới là một quần thể đa dạng cực lớn, vậy các bạn anti còn chưa biết sao?
“Không biết khu giải trí đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng được chưa?”
Câu hỏi này dường như có liên quan tới vấn đề phẫu thuật chuyển đổi giới và quan điểm về phụ nữ. Tuy nhiên bạn thân mến, khi dùng từ “Khu giải trí”, bạn đã ngầm định phụ nữ là một thứ để cho nam giới chơi bời, một công cụ tình dục như cách người ta nói phụ nữ bị “vật thể hóa” (objectified). Bỏ lối suy nghĩ đó đi rồi tôi trả lời tiếp cho bạn. Trẻ nhỏ được học cách tôn trọng phụ nữ chứ không ai cư xử như vậy.
Lynk Lee hoàn toàn có thể coi mình là phụ nữ nếu Lynk Lee NGHĨ mình là phụ nữ. Việc ai đó là phụ nữ không phụ thuộc vào cơ quan sinh dục (giới tính sinh học) mà phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận bản thân (bản dạng giới). Nói một cách dễ hiểu và khoa học, nó giống như việc bạn dùng não để nhìn nhận một vấn đề, chứ không phải dùng cơ quan sinh dục để suy xét.
Và Lynk Lee cũng không nhất thiết phải “hoàn thiện khu giải trí” để coi mình là phụ nữ. Người chuyển giới có thể lựa chọn phẫu thuật can thiệp hoặc sử dụng biện pháp y tế; hoặc không. Cái đó là tùy ở họ, ở Lynk Lee.
“Bình đẳng như vậy chưa đủ à mà đòi cưỡi lên đầu người khác mới là bình đẳng”
Những người không phải đấu tranh cho bình đẳng sẽ mặc định cho là thế giới này bình đẳng vì đơn giản, thế giới phóng chiếu từ mắt họ chứ không phải từ điểm nhìn của người khác. Vậy nên mới có câu nhận định 1 điểm về chỗ như thế này.
Theo số liệu từ trang Stonewall.uk tổng hợp từ nhiều báo cáo liên quan tới vấn đề LGBT tại Anh và một số nước, đây là những điều người ta thấy.
Cứ 8 người LGBT thì có 1 người tại Anh phải nhận sự chăm sóc bất công từ nhân viên y tế vì họ là người LGBT.
Cứ 1 trong 5 người LGBT tại Anh trải qua một giai đoạn vô gia cư trong cuộc đời.
Cứ 1 trong 8 người chuyển giới từng bị tấn công thể xác bởi đồng nghiệp/khách hàng tại Anh trong năm 2017 vì là người chuyển giới.
Một nửa số học sinh là người LGBT phải nghe những lời kỳ thị trong trường học.
Có 72 quốc gia hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới.
Bạn nói thử cho chúng tôi biết xem bình đẳng là ở đâu? “bình đẳng như vậy” là như thế nào? Đa phần các số liệu trên được trích dẫn từ các báo cáo của Anh, một quốc gia phát triển. Bạn có hình dung tình hình nghiêm trọng hơn như thế nào ở các quốc gia đang phát triển hay kém phát triển không? Tôi nghĩ bạn sẽ không hiểu vì trên thực tế, những người như bạn có xu hướng coi người LGBT là “công dân hạng hai” để các “Công dân hạng nhất” có thể ban phát quyền và lợi ích cho.
Hãy nhìn gần hơn tại Việt Nam. Nghiên cứu của Viện iSEE về sự kỳ thị của người đồng tính nam tại Việt Nam cho thấy:
1,5% cho biết đã bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính.
4,1% bị kỳ thị về vấn đề nhà ở.
4,5% cho biết từng bị tấn công và bị đánh đập vì là người đồng tính.
15,1% cho biết bị gia đình chửi mắng vì là người đồng tính.
Cộng đồng LGBT không “đòi” quyền bình đẳng như một đứa trẻ dỗi hờn xin kẹo, đó là thứ vốn thuộc về họ nhưng bị tước mất tại nhiều nước và bị cố tình lãng quên ở nhiều nước khác.
“Chẳng kỳ thị hay gì! Thấy rùng mình thôi”
Tôi cho rằng các bạn này thường có vấn đề về mặt logic và tư duy mạch lạc với vô vàn lỗi ngụy biện trong cuộc sống. Đây là cách nhận định giống kiểu “Mình không kỳ thị nhưng mình không chấp nhận”.
Để tôi nói sơ qua cho bạn về các khái niệm định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử. Định kiến là những suy nghĩ diễn ra trong đầu, kỳ thị là khi thể hiện thái độ ra bên ngoài còn phân biệt đối xử là các hành động thể hiện sự định kiến, kỳ thị và để lại hậu quả. Phân biệt đối xử được hình thành khi có đầy đủ 3 yếu tố: Có hành động, liên quan tới một căn cứ cụ thể và để lại hậu quả.
Với những bạn đã tỏ thái độ ra bên ngoài mà không còn chỉ giữ suy nghĩ trong đầu, đó đã là một sự kỳ thị. Các bạn không chỉ kỳ thị mà còn ở mức cao hơn là phân biệt đối xử: Hành động phân biệt những người như Lynk Lee với lời lẽ xúc phạm như “rùng mình” hay “không muốn tiếp xúc”, căn cứ đưa ra dựa vào xu hướng tính dục và giới tính; và điều này sẽ để lại hậu quả là giảm sự thừa nhận với người LGBT, lâu dài ảnh hưởng tới quyền của họ. Đây mới là điều quan trọng khi chúng ta vẫn đang tiếp tục vận động để bộ luật về người chuyển giới được ban hành sớm.
“Quái thai”, “tởm lợm”...
Sách Đạo Đức cấp một luôn dạy trẻ nhỏ những bài học vỡ lòng về tôn trọng người khác, về nói lời hay ý đẹp không làm tổn thương mọi người xung quanh. Tôi tin một đứa trẻ có thiên lương hơn những kẻ phát ngôn như vậy về một con người.
Thiết nghĩ, tôi sẽ bỏ qua những người này, như một cơ chế để mỗi người tự gạn lọc những thứ độc hại đáng sợ ra khỏi cuộc sống mà không phải mất công giải thích, thuyết phục. Về cơ bản, họ không phải là người có tiếng nói trong việc câu chuyện này về cuộc đời của một người khác. Tôi thích cách nhiều phụ nữ trong các cuộc tranh luận về vấn đề phá thai lên tiếng khi cánh nam giới muốn can thiệp: Bạn không đẻ, đừng ý kiến nhiều. Dù không biết đó là ủng hộ hay phản đối nhưng hãy để quyết định chính được đưa ra bởi những người phụ nữ.
Câu chuyện của Lynk Lee cũng vậy; không ai có thể đánh giá, dạy người khác cách để trở thành phụ nữ, nhất là với một bộ phận nam giới vốn quen “định nghĩa” phụ nữ qua lăng kính tình dục. Sự phản ứng dữ dội của họ là cơ chế để bảo vệ sự nam tính độc hại: Thông qua việc dạy người khác cách làm phụ nữ để tô vẽ cho “cách làm đàn ông thực thụ” và sự sợ hãi thế giới đa dạng khi nam giới không còn ở vị trí độc tôn.
Tôi nói vậy, phỏng có đúng không thưa các anh?
Lynk Lee đã có chia sẻ sau sự vụ rùm beng rằng mình từng không màng tính mạng để phẫu thuật nên mấy lời tiêu cực không còn xi-nhê. Mong các antifan của Lynk Lee, của cộng đồng LGBT hay bất cứ nhóm yếu thế khác hiểu rằng, thế giới không đứng yên để các anh có thể khua bàn phím định giá trị một con người.
Tôi xin nhấn mạnh, Một Con Người.