AirTag, bên cạnh bộ đôi iPad Pro 2021 là sản phẩm được nhiều người dùng quan tâm nhất trong loạt thiết bị được Apple ra mắt trong sự kiện Spring Loaded vừa qua.
Được giới thiệu là sản phẩm cho phép người dùng theo dõi bất kỳ đồ vật nào mà nó được gắn kèm, AirTag đang đứng trước rất nhiều nghi hoặc về độ bảo mật, cũng như các vấn đề quyền riêng tư. Nhiều người còn cho rằng, thời đại của những "tiểu tam" cũng đã đến hồi tàn lụi vì sự "thần thánh" của AirTag.
Sự tồn tại của AirTag đã được đồn đoán cách đây 2 năm
Nhưng những người dùng này đã quên một điều rất quan trọng, Apple là một công ty nổi tiếng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Do đó, sẽ không có chuyện Tim Cook cùng đội ngũ phát triển lại tung ra thị trường một sản phẩm như AirTag mà không hề có bất kỳ tính toán gì về việc nó sẽ bị sử dụng vào các mục đích xấu và dưới đây là lý do vì sao.
AirTag hoạt động như thế nào?
Để hiểu rõ vì sao chúng ta không thể theo dõi người yêu thông qua chiếc đồng xu này, hãy hiểu phương cách hoạt động của AirTag trước đã.
Cơ bản, AirTag là một thiết bị theo dõi chống thất lạc. Đây không phải là sản phẩm có khả năng làm được điều này đầu tiên trên thị trường. Tuy nhiên, nó là sản phẩm đầu tiên được hoàn thiện về mặt tính năng để có thể được gọi là một thiết bị theo dõi thông minh.
Theo đó, AirTag sẽ hoạt động với 2 chế độ theo dõi khác nhau.
Đầu tiên là "Tìm kiếm chính xác" (Precision Finding) sẽ hoạt động dựa trên con chip U1 được tích hợp bên trong AirTag. Với "Tìm kiếm chính xác", chủ sở hữu sẽ biết được cụ thể vị trí món đồ đang được gắn kèm với AirTag, nó đang nằm ở hướng nào, cách bao xa và sẽ được chỉ dẫn cực kỳ chi tiết đến vị trí món đồ đó.
Chế độ "Tìm kiếm chính xác"
Tuy nhiên, do hoạt động hoàn toàn dựa trên công nghệ Ultra Wideband được tích hợp trên chip U1 nên chế độ "Tìm kiếm chính xác" sẽ chỉ khả dụng với những thiết bị chủ sở hữu con chip này. Cụ thể là iPhone 11 và iPhone 12 Series.
Chế độ thứ hai hoạt động thông qua ứng dụng Find My hay rộng hơn là hệ sinh thái Find My, mình sẽ gọi ngắn gọn là "Chế độ Find My". Với chế độ này, vị trí của AirTag sẽ được hiển thị chính xác trên bản đồ, cùng với đó là khoảng cách của nó với vị trí hiện tại của chủ nhân, tuy nhiên lại không thể chính xác như "Tìm kiếm chính xác".
Nhưng AirTag không phải là một thiết bị GPS mà chỉ sở hữu kết nối Bluetooth, vậy nó xác định vị trí ra sao? Câu trả lời là bằng tất cả những thiết bị iDevice đang hoạt động ngoài kia. Cụ thể, bằng sóng Bluetooth, AirTag sẽ kết nối với bất kỳ thiết bị Apple nào đang ở gần và thông qua nó để gửi thông tin vị trí lên iCloud và được cập nhật xuống thiết bị của chủ sở hữu.
Một cách thức "lạ đời" nhưng đúng là chỉ có hệ sinh thái sản phẩm của "Táo Khuyết" mới có khả năng là được chuyện này. Vào năm 2020, CEO Tim Cook đã tuyên bố với báo giới rằng trên toàn cầu đang có hơn 1 tỷ thiết bị iPhone đang hoạt động, điều này có nghĩa là với mỗi 8 người trong văn phòng công ty, sẽ có ít nhất 1 người trong số đó đang dùng iPhone và đó mới chỉ là câu chuyện của những chiếc iPhone mà thôi.
Trên thế giới hiện tại đang có khoảng 1 tỷ thiết bị iPhone đang hoạt động
Do số lượng và mật độ các thiết bị đang hoạt động khổng lồ kể trên, người dùng AirTag sẽ theo dõi được vị trí vật dụng của mình, gần như là theo thời gian thực.
Sử dụng cẩn thận không "gậy ông đập lưng ông"
Sau khi hiểu được cách thức hoạt động của AirTag. Nhiều người dùng ắt sẽ chắc mẩm rằng mình có thể sử dụng AirTag để theo dõi người khác một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Apple đã không cho phép điều này xảy ra.
Giả sử, nếu có ai đó cố tình cài AirTag vào vật dụng, iPhone của bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra "vị khách không mời" kia và thông báo cho bạn về sự xuất hiện của chiếc AirTag lạ mặt đó. Nếu "kẻ thủ ác" giấu quá kỹ, chiếc AirTag lạ này sẽ bắt đầu phát ra âm thanh để bạn có thể dễ tìm kiếm nó hơn.
Nên nhớ, mỗi chiếc AirTag khi đặt gần iPhone đều sẽ hiển thị lịch sử định vị kể từ khi chúng kết nối với nhau, điều này đúng trong cả trường hợp chiếc AirTag và chiếc iPhone không được cùng sở hữu bởi 1 người, thời gian kết nối cũng sẽ được ghi lại. Do đó, để tránh các rắc rối không đáng có, đừng dùng AirTag để theo dõi bất kỳ một ai, kẻo lại "không thấy đường về".
Toàn bộ thông tin sẽ được thông báo lên iPhone của người bị theo dõi
Vậy trong trường hợp trên xe buýt hay máy bay mà trong đó có hàng chục, thậm chí hàng trăm người cùng sử dụng AirTag thì sao? Đừng lo, sẽ không có chiếc AirTag nào "la làng lên" nếu nó vẫn nằm gần chủ nhân của chúng đâu.
Vậy AirTag thực sự phát huy tác dụng trong những trường hợp nào?
Đúng như trong bài thuyết trình ra mắt, AirTag được sinh ra để theo dõi vật dụng, không phải con người, vì thế, lý tưởng nhất là người dùng, đặc biệt là những người dùng hệ "đãng trí" nên móc AirTag vào những thứ dễ mất như chìa khoá, ví, túi xách...
Trong các chuyến du lịch, treo AirTag lên hành lý cũng là một lựa chọn không tồi để tránh những tình huống thất lạc hành lý không mong muốn.
Trên đây là nguyên lý hoạt động tương đối chi tiết của AirTag, sản phẩm được xem là thiết bị theo dõi chống thất lạc đầu tiên trên thế giới và những lý do vì sao, dù với bất kỳ lý do gì, chúng ta cũng không nên sử dụng AirTag để theo dõi người khác.
Ảnh: Internet