Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng, cả nước có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư là 218,4 triệu USD; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 111,8 triệu USD.
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 330 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 8 lượt dự án điều chỉnh tính riêng trong tháng 8, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm) đạt hơn 77 triệu USD, tăng hơn 2,5 lần so với tháng trước.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoại trong 13 lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 10 dự án cấp mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, đạt 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư.
Xếp thứ 2 là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, với tổng vốn đăng ký 39,6 triệu USD, chiếm 12%. Theo sau là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.
Bên cạnh đó, có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Đức là quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam với 4 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư trong 8 tháng đầu năm.
Theo sau là Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Myanmar với 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ với 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%,...
Mặc dù vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng đầu năm tăng mạnh, nhưng phần vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng lại có dấu hiện giảm đáng kể.
Tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 4 năm gần đây.