Đứa trẻ 6 tuổi bỗng chốc thành lang thang, cơ nhỡ
Nguyễn Văn Dũng (hiện gần 30 tuổi, đang sống ở Long Thành, Đồng Nai) lạc nhà từ năm 6 tuổi.
Ngày 26/3/1999, một ngày sau khi Dũng theo cha từ quê lên nhà bà nội Thủ Đức, TP. HCM chơi. Buổi sáng hôm ấy, Dũng ra khỏi con ngõ nhà bà nội rồi đi lạc. Một người phụ nữ đã dẫn Dũng tới đồn công an. Chú công an hỏi tên, nhưng có lẽ vì quá hoảng hốt nên lúc đó Dũng không nhớ được tên mình. Cái tên Nguyễn Văn Dũng là do chú công an đặt cho lúc ấy.
Dũng không nhớ được địa danh nào, chỉ nhớ trước thềm nhà bà nội có cây dâm bụt, còn quê thì ở gần biển, có nhiều thuyền thúng. Không tìm được thân nhân, Dũng lần lượt ở hai mái ấm, một ngôi chùa tại TP.HCM trước khi về trung tâm nuôi dưỡng trẻ lang thang cơ nhỡ ở Long Thành, Đồng Nai và ở đến tận bây giờ. Hiện tại, Dũng mở một cửa hàng cắt tóc nam nho nhỏ, làm kế sinh nhai.
Năm 2010, Dũng từng gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ tìm kiếm gia đình. Nhưng sau đó, Dũng lại không có ý định tìm nữa. Nói về điều này, chàng trai trẻ bộc bạch: “Thời điểm gửi thư là em đang học cấp 2, rất cần có sự yêu thương của gia đình. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó thì em cũng quen dần với cuộc sống, cảm giác nhớ đến gia đình đã phai dần và bắt đầu chấp nhận sự thật.
Nhưng gần đây, em lại gửi thư nhờ chương trình tìm cha mẹ, anh chị em giúp. Bởi đợt dịch Covid-19, em đi trực ở mấy bệnh viện dã chiến, thấy người ta đi 4 người mà chỉ về được có 2 người. Lúc đó em cảm nhận được giá trị tình thân, cảm nhận được sự mất mát, thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết nó gần quá. Và em muốn tìm được cha mẹ.
Bao nhiêu năm qua, em thiếu nhất là cảm giác đi đâu đó rồi được về với ngôi nhà của mình. Nhưng em thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Em là trẻ đi lạc, còn nhiều người khác bị bỏ rơi”.
Mẹ vẫn giữ tên con trong hộ khẩu, mong con mạnh giỏi trở về
Năm ấy, Dũng bốc chốc thành trẻ lang thang cơ nhỡ, thì ở một nơi khác, gia đình cũng vô cùng đau khổ vì thất lạc một đứa con.
Chuyện ông Võ Phải (ở làng chài Xuân Hải, thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) dẫn con trai là Võ Cường vào TP.HCM thăm bà nội rồi để con đi lạc cả thôn đều biết. Bà nội Cường khi đó mới chuyển vào TP.HCM chưa lâu. Ông Phải vào thăm mẹ, dẫn theo đứa con mà ông yêu quý nhất.
Lúc ông Phải về báo tin con đi lạc, vợ ông - bà Lê Thị Cách tưởng ông nói đùa, giấu con đi đâu nên bà chạy tìm quanh thôn. Không thấy con, bà ngất xỉu ngã ra đất.
Ông Phải cầm tấm hình của Cường lên thành phố để báo Công an. Còn bà Cách vội bán miếng đất mà mẹ chồng cho chưa lâu để đi tìm con, nhưng không có kết quả. Từ ngày mất con, ông Phải buồn bã, suy sụp. Bà Cách thì không ngừng nghĩ đến con. Đến tận bây giờ bà vẫn còn tủi, còn khóc, chưa khi nào nguôi ngoai. Không biết bây giờ con mình ở nơi đâu, sống sung sướng hay phải chịu cực khổ là những câu hỏi cứ đau đáu trong lòng bà.
Gia đình ông bà cũng gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ tìm con. Trong thư, ông Phải có viết câu: “Ngàn lần tha lỗi cho sự sơ suất này của cha”. Không lâu sau, năm 2019 ông Phải qua đời. Khi ông mất, bà Cách đi làm lại sổ hộ khẩu, bỏ tên ông nhưng nhất quyết giữ lại tên Võ Cường. Bà vẫn hy vọng một ngày nào đó, con trai sẽ mạnh giỏi trở về.
Và mong ước của bà đã thành sự thật. Dũng chính là Võ Cường, cậu con trai của bà Cách đã trở về sau 23 năm xa nhà.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly