Mở đầu bài viết, tờ Sohu (Trung Quốc) đưa ra con số thống kê về tiền lương giữa bóng đá Trung Quốc và các giải đấu khác trong khu vực:
"Mới đây, LĐBĐ Trung Quốc đã đặt ra quy định giới hạn tiền lương của cầu thủ tại giải VĐQG. Cầu thủ nội nhận tối đa 5 triệu nhân dân tệ/năm (khoảng 17,7 tỷ đồng/năm), cầu thủ U21 có mức lương trần 300.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 1,06 tỷ đồng/năm) và giới hạn lương của ngoại binh là 3 triệu euro/năm (khoảng 84 tỷ đồng/năm).
Nhưng hãy nhìn vào thực tế, số tiền đầu tư mà các CLB Trung Quốc chi ra gấp 3 lần so với Nhật Bản và 10 lần so với Hàn Quốc. Mức lương cầu thủ tại giải VĐQG Trung Quốc hiện gấp 5,8 lần so với J-League và gấp tới 11,7 lần K-League. Không chỉ mời các HLV đẳng cấp thế giới, chúng ta cũng xây dựng những trung tâm đào tạo tầm cỡ. Vậy nhưng gần 20 năm nay, Trung Quốc không thể giành nổi vé dự VCK World Cup".
Thành tích của các đội tuyển trẻ Trung Quốc cũng bị Sohu mô tả bằng cụm từ "một mớ hổ lốn". Tại vòng loại U19 châu Á 2020, U19 Trung Quốc không thể nằm trong nhóm các đội nhì bảng xuất sắc nhất, xếp sau nhưng Việt Nam, Lào hay Campuchia.
U19 Trung Quốc không thể giành vé lọt vào VCK U19 châu Á 2020
Phần tiếp theo, Sohu chỉ ra lý do khiến nền bóng đá Trung Quốc "suy yếu từ gốc rễ":
"Một chuyên gia bóng đá Trung Quốc từng bày tỏ sự thất vọng vì 11 cái tên được lựa chọn ra từ 1,4 tỷ dân. Nhưng từ góc nhìn chuyên môn thực thụ, 11 tuyển thủ đó chỉ được lấy ra từ 10.000 sự lựa chọn.
Tại Trung Quốc, không có nhiều người chơi bóng đá. Trẻ em từ các gia đình khá giả mới được tiếp cận với cơ sở vật chất tốt. Còn những gia đình có điều kiện khó khăn hơn thường không khuyến khích con em chơi bóng.
Chi phí để gia nhập các lò đào tạo trẻ rất đắt đỏ. Những cậu bé muốn được học bóng đá tại lò của CLB Quảng Châu Hằng Đại phải trả học phí tới 50.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 177 triệu đồng/năm). Chỉ một số rất ít gia đình giàu có mới chấp nhận chi số tiền trên và mở ra con đường bóng đá cho con cái.
Nhiều cầu thủ trẻ Trung Quốc (áo đỏ) bị chỉ trích là không đủ khát khao.
Nghịch lý ở chỗ, các cầu thủ xuất thân giàu có lại thiếu đi khát khao. Họ được trang bị đầy đủ, được lo từ A đến Z, được tập luyện, thi đấu trong môi trường chất lượng nhưng đôi khi không coi bóng đá như con đường sống còn. Nếu không thi đấu chuyên nghiệp, họ vẫn có thể chuyển hướng sang những ngành nghề khác và sống sung túc.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 1990-95, Trung Quốc có khoảng 650.000 người chơi bóng. Đến năm 2005, con số này tụt xuống còn 180.000 người. Từ đó đến nay, số người chơi bóng cứ tiếp tục giảm dần. Với 8000 cầu thủ chuyên nghiệp đăng ký thi đấu, Trung Quốc thua xa những Việt Nam (khoảng 50.000 cầu thủ sẵn sàng thi đấu). Nhật Bản (600.000 cầu thủ) hay Hàn Quốc (500.000 cầu thủ).
HLV Park Hang-seo từng cùng U22 Việt Nam đánh bại U22 Trung Quốc ngay trên sân khách.
Nền tảng vững mới có thể vươn cao. Thiếu thốn trầm trọng cầu thủ trẻ như thế, bóng đá Trung Quốc cạnh tranh bằng gì?".
Giai đoạn 2017-20, LĐBĐ Trung Quốc đặt ra 6 đại mục tiêu bao gồm: giành quyền tham dự U20 World Cup, U17 World Cup, vào tứ kết U23 châu Á 2018, bán kết Asian Cup 2019, giành vé dự Olympic 2020 và ĐTQG lọt vào top 70 thế giới. Thời điểm năm 2020 sắp khép lại, tất cả 6 mục tiêu trên đều không thành.