Chủ đề của hội thảo xoay quanh tiến trình khai thác, tiếp biến di sản và bản địa trong dòng chảy hiện đại. 05 bài tham luận của 05 chuyên gia đã cung cấp cho người nghe những góc nhìn đa chiều về cách ứng xử với di sản, cũng như cách gạn lọc, phát huy tính bản địa trong các kiến trúc hiện đại. Trong đó, phần tham luận của ông Nguyễn Minh Cương – TGĐ Gỗ Minh Long đã nhận được nhiều sự chú ý khi đào sâu về sự tiếp biến nhịp nhàng giữa truyền thống và hiện đại, giữa công năng và tính nghệ thuật, giữa các giá trị bản địa của cộng đồng với việc thể hiện cá tính riêng của từng cá nhân thông qua góc độ vật liệu nội thất; từ đó hướng tới xây dựng một không gian sống giàu tính mỹ học, cổ vũ cho cái tôi tự do, song song với việc tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.
Trong vai trò là một chuyên gia của đơn vị sản xuất vật liệu, đại diện Gỗ Minh Long đã đưa ra những kiến giải mới về tính bản địa trong vật liệu. Cụ thể, qua ví dụ về BST V Số Son – BST bề mặt mới ra mắt của Gỗ Minh Long, tính truyền thống trong mỗi thiết kế được thể hiện qua việc khai thác những vân gỗ quý của Việt Nam là Hoàng đàn và Cẩm lai; từ đó đưa chất liệu gỗ Việt hiện diện trên các thiết kế thương mại và trong không gian nội thất của người Việt thay cho sồi và óc chó của phương Tây.
Trong BST V Số Son, 17 thiết kế là 17 câu chuyện về loài cây Hoàng đàn và Cẩm Lai trên từng vùng đất bản địa, từ miền núi phía Bắc xuôi về phương Nam và Tây Nguyên. Việc nắm bắt được những đặc trưng về sinh thái cũng như văn hóa của từng vùng miền và lấy đó làm nguồn cảm hứng để đưa vào các thiết kế vật liệu đã chứng tỏ niềm trân trọng của Gỗ Minh Long đối với các giá trị truyền thống, cũng như quyết tâm "dài hơi" của đơn vị này trong việc sáng tạo từ chất liệu văn hóa.
Thiết kế ML 2323 với gam nâu đỏ lạ mắt lấy cảm hứng từ cây Hoàng đàn Hà Giang
Một điểm đáng chú ý nữa ở BST V Số Son, đó là sự xuất hiện của gam màu đỏ với nhiều sắc độ khác nhau ở 4 trên 17 thiết kế, tái hiện lại vẻ đẹp của chất gỗ quý tự nhiên trong tông màu "son" – gam màu thường gặp của gỗ ở kiến trúc truyền thống như nhà gỗ kẻ truyền, đình làng, các công trình tôn giáo hay cung điện. Trong cuộc sống hiện đại, sắc màu thân quen đó khi hiện diện trong không gian nội thất sẽ tạo nên sợi dây gắn kết giữa chủ thể và không gian sống, khiến người sử dụng cảm thấy như được tìm về với những gì bình an và gần gũi nhất đối với mình từ trong tiềm thức. Từ đó tạo nên sự gắn kết kì diệu về mặt tâm hồn và cảm xúc.
Kiên định với hướng đi chắt lọc tinh hoa bản địa để làm trù phú thêm về mặt thẩm mỹ và văn hóa cho không gian nội thất hiện đại của người Việt, Gỗ Minh Long cũng đang chuẩn bị cho ra mắt BST Kén – BST bề mặt vân vải trên gỗ với những thiết kế mang đậm dấu ấn Việt Nam, như thiết kế "Tơ đũi" lấy cảm hứng từ lụa tơ tằm, hay "Cói" – gợi nhắc về sự mộc mạc, chân phương của chất liệu cói tự nhiên. Mỗi thiết kế vân vải trong BST Kén là một sự kén chọn tỉ mỉ, phù hợp với nhân sinh quan của người dùng và thể hiện tính bản địa một cách độc đáo. Nhờ đó, không gian sống của mỗi người trở thành một cái "Kén" ôm ấp, nuôi dưỡng và bảo vệ con người không chỉ về mặt vật lý, mà còn cả về tinh thần, tâm hồn và xúc cảm.
Thiết kế ML 9724 – "Cói" trong BST Kén
Với định vị kiến tạo "Thời trang cho nội thất" và là một chuyên gia về vật liệu nội thất gỗ, Gỗ Minh Long cũng không quên cải tiến các tính chất của vật liệu sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng theo nhân trắc hay khí hậu từng vùng miền. Đó cũng là một khía cạnh của việc thích ứng bản địa song song với việc hòa nhập cùng dòng vận động không ngừng của công nghệ và kỹ thuật trong thời buổi hiện đại. Một số sản phẩm của đơn vị này như cốt ván chống ẩm V313 chuyên dùng cho các khu vực có độ ẩm cao, các công trình vùng núi, vùng biển…, hay ván kích thước kịch trần với độ dài hơn 2,7m đều được đánh giá là có sự đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng và có sự phù hợp cao với thói quen sử dụng cũng như đặc điểm riêng của các công trình dân dụng tại Việt Nam.
Với hướng đi sáng tạo từ văn hóa bản địa, Gỗ Minh Long hướng tới xây dựng những không gian sống mang đậm chất Việt
Đưa truyền thống tiếp biến cùng hiện đại là cách để tạo thêm nhiều giá trị lâu bền từ những di sản. Dưới góc độ người sử dụng, những không gian nội thất hiện đại với sự hiện diện của những sắc màu truyền thống sẽ trở nên "giàu" hơn về thẩm mỹ và cảm xúc, tạo ra kết nối sâu sắc với bản thể, nguồn cội và từ đó trở thành nơi an trú đúng nghĩa giữa guồng quay cuộc sống đô thị.