Ngoài sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, sức khỏe tài chính cũng là một khái niệm mà nhiều người trong chúng ta chưa quan tâm đủ để đầu tư đúng mực. Tình trạng sức khỏe tài chính cá nhân luôn thay đổi tùy thuộc vào các biến động khách quan và chủ quan. Nếu bạn là lao động chính trong gia đình, sức khỏe tài chính của bạn lại càng cần được đặc biệt quan tâm.
Sức khỏe tài chính rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở hai từ như “ổn định” hoặc “đủ sống”. Hiểu về sức khỏe tài chính cá nhân giúp ứng dụng nguyên tắc tài chính vào việc quản lý tiền bạc của cá nhân hoặc gia đình, bao gồm các vấn đề tài chính thường gặp như thu nhập, chi tiêu, đầu tư, tiết kiệm, dự phòng rủi ro, tự do tài chính… Sức khỏe tài chính đặt nền tảng cho sự phát triển tài sản, có sức khỏe tốt thì sẽ hạnh phúc. Và điều đó sẽ dẫn chúng ta đến tự do tài chính.
Trong chương trình MONEYTalk số 45 với chủ đề “SỨC KHỎE TÀI CHÍNH CÁ NHÂN: CHECK-UP!”, anh Nguyễn Thanh Hoàng - Quản lý cấp cao Phát triển đối tác tại một công ty đa quốc gia tại Việt Nam, cho rằng: “Điều quan trọng là mục tiêu của từng giai đoạn.”
“Có những giai đoạn chúng ta phải làm việc chăm chỉ, có những giai đoạn tận hưởng cuộc sống. Giai đoạn đó mình cần xác định bản thân muốn đạt điều gì, theo ngắn hạn - trung hạn - dài hạn. Có một câu nói nước ngoài miêu tả trạng thái này là ‘Work hard, play hard’. Khi bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ được nhận thành quả đền đáp cho công sức bỏ ra. Đó có thể chính là tự do tài chính và đến khi đó, bạn mới tiếp tục cân bằng cuộc sống. Khi đã cân bằng thì bạn mới dành nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống đó”, anh lý giải thêm.
Host Dương Ngọc Trinh cũng đồng tình với điều này và cho rằng: “Bên cạnh sức khỏe tài chính, đúng là sức khỏe tinh thần cũng quan trọng không kém. Khi làm việc nhiều quá, quên đi bản thân thì điều đó cũng không còn ý nghĩa.”
Chuyên gia Trần Khánh - Giám đốc kinh doanh môi giới - Vùng Hà Nội, CTCP Chứng khoán Tp. HCM (HSC), cho rằng: “Khi sức khỏe nền kinh tế ổn định phát triển thì tất cả hình thức đầu tư tài chính đều phát triển. Theo hiệu ứng domino, sức khỏe tài chính cá nhân của mỗi người cũng sẽ tốt lên.”
Chia sẻ về bí quyết theo dõi sức khỏe tài chính của mình, hai chuyên gia đều bất ngờ tiết lộ rằng, mình không thường xuyên ghi chép các khoản thu mỗi ngày.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng lý giải điều này rằng, “Ban đầu tôi cũng ghi chép các khoản thu chi hàng ngày bằng một app trên điện thoại, nhưng chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng. Thay vào đó, tôi bắt đầu nhìn nhận ở góc độ những khoản đầu tư lớn hơn, chứ không quá lưu ý tới các khoản chi tiêu lặt vặt nữa.”
Anh Trần Khánh cũng sử dụng cách riêng của mình để theo dõi sức khỏe tài chính cá nhân.
“Tôi thường tự đặt cho mình những mục tiêu thực tế, rõ ràng và cụ thể. Chẳng hạn như, trong vòng 1 năm tới phải mua một xe máy mới hoặc ô tô mới. Như vậy, với dòng tiền đều đặn hàng tháng tới từ thu nhập, tôi lập ra kế hoạch rằng mỗi tháng sẽ tiêu bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu để đạt được mục tiêu đó. Như vậy, tôi vẫn kiểm soát được thu chi của mình chứ không ghi chép quá nhiều hàng ngày.”
“Hãy thường xuyên kiểm tra trạng thái tài chính của mình, liệu tình trạng đó có khớp với mục tiêu tài chính đã đặt ra hay không, có tiệm cận với nhau hay không. Đôi khi mình không thể đạt được 100% mục tiêu, nhưng tiệm cận ở mức độ 80% là khá hài lòng”, chuyên gia cho biết.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng cũng nhận định: “Lúc nào cũng phải biết tài khoản của mình có bao nhiêu tiền. Do đó, tôi mới có thể đưa ra những khoản chi trả, đầu tư, những khoản backup cho quyết định đầu tư đó…”
Như vậy, điều quan trọng với mỗi người là nâng cao nhận thức về sức khỏe tài chính cá nhân ngay từ bây giờ. Điều này sẽ giúp định hướng chúng ta, đảm bảo tài chính ổn định nhờ quản lý tài chính đúng đắn; Dễ dàng lập các mục tiêu tài chính cá nhân; Chủ động tài chính trong mọi trường hợp; Quản lý và hạn chế các khoản nợ; Gia tăng tài sản của bạn; Quản lý sức khỏe tài chính tốt giúp nâng cao chất lượng sống của chính bạn (và những người phụ thuộc khác).
Tại sao nhân viên văn phòng làm việc cho 1 công ty gần cả chục năm lại không nghỉ việc?