Vài ngày gần đây, hàng nghìn người Việt Nam, trong đó có các du học sinh tại Châu Âu và các nước ASEAN, đã dồn về nước để tránh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên việc nên đi hay ở thực sự vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Nguyễn Minh Trang, du học sinh Anh, cũng là một biên tập viên của VTV6, đã lựa chọn ở lại, tiếp tục học tập và sinh hoạt tại xứ sở sương mù.
Nữ biên tập viên chia sẻ quan điểm tích cực của bản thân mình trong chương trình "Cà phê sáng với VTV3" như sau: "Thời gian đầu, tại đây, mọi người vẫn đi lại bình thường, vui vẻ cười nói, ôm hôn nhau hoàn toàn thỏa mái, không có một chiếc khẩu trang nào ở trên đường cả. Rõ ràng ở đâu bạn sẽ quen với văn hóa ở đó, văn hóa của nước Anh cũng như rất nhiều quốc gia phát triển, họ có nguyên tắc ngầm là ai có bệnh người đó mới đeo khẩu trang".
"Bây giờ nước Anh đã bước sang giai đoạn thứ 2 trong công cuộc chống lại Covid-19, đã hủy các sự kiện lớn, có thông báo hạn chế tụ tập nơi đông người. Bọn mình cũng có niềm tin hơn rằng bọn mình đang được bảo vệ. Như mình, ngày hôm qua là cô bé dễ ốm, dễ hát xì hơi sổ mũi nhưng giờ vì nỗi sợ bệnh, sợ không ai chăm sóc khi ở đây, mình phải tự mạnh mẽ hơn và tự nhiên mình cũng khỏe mạnh hơn. Nếu mà yêu tổ quốc, yêu đồng bào thì ai ở chỗ nào ở yên chỗ đấy, mình sẽ ở yên đây làm tốt nhiệm vụ của mình, làm bài tập, học hành, tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình".
Tương tự Minh Trang, H.V, một sinh viên khác đến từ Đại học Giao thông Vận tải, hiện đang là du học sinh tại Pháp, cũng chọn giải pháp ở lại, không trở về nước ‘trốn dịch’. Tuy nhiên, H.V có quan điểm mạnh mẽ hơn về vấn đề này.
Trên trang cá nhân của mình, cô phản đối gay gắt "làn sóng" rất nhiều du học sinh vội vã trở về Việt Nam khi Covid-19 tấn công châu Âu.
"Tôi thấy việc đi về Việt Nam trong thời điểm này rất phản khoa học, rất nguy hiểm cho chính bản thân các bạn du học sinh. Lấy ví dụ như tôi, tôi ở Rennes, Pháp: Để có thể về Việt Nam tôi phải đi một chuyến tàu điện lên ga tàu/sân bay, sau đó đáp 1 chuyến tàu/chuyến bay lên Paris, rồi từ sân bay bay về nước; chưa kể về nước phải đi cách ly tập trung, ăn uống sinh hoạt với rất đông người. Tính sơ qua cũng tiếp xúc khoảng nghìn người, có nhiều bạn ở yên tại nước sở tại thì chẳng sao, trớ trêu thay đi về không may bị nhiễm Covid-19. Dịch ở đâu cũng là dịch, các bạn lấy đâu ra niềm tin rằng "con virus nó chừa mình ra"?
"Đã là dịch bệnh toàn cầu, bạn ở đâu thì bạn cũng có khả năng nhiễm. Quyết chạy dịch, trốn dịch bằng cách tiếp xúc với cả nghìn người thì thực sự là suy nghĩ nông cạn".
Trước hai luồng ý kiến về việc nên đi hay ở lại nước sở tại khi dịch bệnh bùng phát như hiện nay, Bác sĩ Tạ Tuấn, Trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa, Bệnh Viện Nhi Trung Ương, cho rằng quyết định về hay ở nên tùy thuộc mỗi hoàn cảnh.
Với kinh nghiệm của bản thân đã có con đi du học và hiện hai cháu ruột cũng đang tiếp tục học tập tại Mỹ, bác sĩ Tuấn cho rằng nền giáo dục phương Tây có những ưu điểm về hướng dẫn, dạy học sinh kỹ năng đời sống. Các phụ huynh chỉ nên đưa ra lời khuyên và hãy tin tưởng vào quyết định của chính con mình.
Những học sinh ở lại nên chuẩn bị tâm lý rằng có thể sẽ bị cách ly một thời gian ít nhất đến khi dịch chấm dứt. Bác sĩ Tuấn cho biết thông thường một đợt dịch kéo dài 3 tháng, nên các du học sinh phải xác định tư tưởng trước để giảm bớt stress, sau đó thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh tại nơi cứ trú, cố gắng làm theo hướng dẫn của nước sở tại vì mỗi nước sẽ tùy vào tình hình văn hóa, xã hội riêng mà đưa ra phương án phù hợp. Ngoài ra, nên chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu trong trường hợp cách ly nhưng tránh hốt hoảng đổ xô về siêu thị để tích trữ.
Với những du học sinh định trở về Việt Nam, Bác sĩ Tuấn khuyên họ nên thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, tình hình sân bay sẽ qua, tránh mang vác quá nhiều đồ vật nặng, chủ động chuẩn bị vật dụng bảo vệ cả nhân như khẩu trang, nước rửa tay khô, khăn giấy, khăn ướt tẩm cồn,…
Khách nước ngoài lý giải việc không đeo khẩu trang tại VN: 'Tôi không lo lắng về việc nhiễm Covid vì tôi còn trẻ và khỏe'