Suy thoái thường khởi nguồn từ một sự kiện bất ngờ, và điều đó chắc chắn đúng đối với một sự kiện phải ghi vào lịch sử như "Cuộc suy thoái Toàn cầu do virus Corona".
Tuy nhiên, với Chỉ số niềm tin người tiêu dùng là 126, Việt Nam tiếp tục xếp hạng thứ 4 trên toàn cầu vì có người tiêu dùng tích cực nhất, đứng sau Ấn Độ, Philippines và Indonesia, với chỉ số lần lượt là 140, 128 và 127. Đây là kết quả của Khảo sát Chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu do The Conference Board® phối hợp với Nielsen thực hiện.
So với quý 4/2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam thậm chí còn tăng nhẹ, từ 125 lên 126. Lý do chính của việc tăng nhẹ này là sự lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng về công việc được cải thiện trong khi sự lạc quan về tài chính cá nhân và chi tiêu vẫn ổn định.
Sức khỏe vẫn là mỗi quan tâm hàng đầu của người Việt
Trong quý 1/ 2020, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng Sức khỏe là mối quan tâm số 1 và đây cũng là mối quan tâm hàng đầu trong bốn quý liên tiếp.
Đáng chú ý, trong quý này, có một yếu tố mới xuất hiện trong 6 mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam: đó là Sức khỏe và An khang của phụ mẫu, với 10% số người được hỏi cho biết rằng họ lo lắng về điều đó. "Kể từ sau khi nghỉ Tết, các trường học bị đóng cửa, nhiều phụ huynh không chỉ vật lộn với việc có con nhỏ ở nhà cả ngày mà còn lo lắng về việc học hành của chúng. Trong điều kiện nhiều người cũng làm việc tại nhà, việc quan tâm đến sức khỏe và niềm hạnh phúc của các bậc sinh thành trở thành một điều tự nhiên.", bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết.
Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm chi tiêu tiền nhàn rỗi
Trong quý 1 vừa qua, người tiêu dùng Việt Nam đã có xu hướng giảm đáng kể chi tiêu tiền nhàn rỗi. Người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn cho Tiết kiệm (-4%), Quần áo mới (-9%), Du lịch (-5%), Nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-4%), Giải trí bên ngoài (-9%) và Sản phẩm công nghệ mới (-6%).
"Virus corona đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bao gồm cả người Việt Nam và đang làm thay đổi thái độ, hành vi và mong muốn của người tiêu dùng một cách chóng mặt. Những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này như giảm thiểu liên lạc, hạn chế tương tác xã hội đến cách ly bắt buộc và đóng cửa một số hệ thống cửa hàng nhất định đã cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Họ dành thời gian ở nhà nhiều hơn, đồng nghĩa với tiêu ít tiền và thời gian cho bên ngoài hơn, từ việc tránh các tụ điểm giải trí như rạp phim, quán bar, nhà hàng cho tới bất cứ hình thức du lịch nào", bà Hawley nhấn mạnh.
Vào quý này, Các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp cũng nằm trong top 7 khoản sử dụng tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng. Mặc dù giảm nhẹ so với quý trước, Việt Nam vẫn là quốc gia tỷ lệ người dùng tiền nhàn rỗi để mua các bảo hiểm nhiều nhất toàn thế giới.
"Người Việt Nam vẫn luôn lạc quan. Trong khi chỉ 5% nói rằng họ không lo sợ dịch bệnh, gần một nửa số người được hỏi tin rằng tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài từ 2-3 tháng. Mặc dù có sự lạc quan này, những hành vi được hình thành trong khoảng thời gian cách ly xã hội sẽ có xu hướng còn tiếp diễn, bao gồm việc tự chuẩn bị thức ăn và ăn tại nhà cùng gia đình. Thêm vào đó, những người có thu nhập bị ảnh hưởng sẽ tìm kiếm những phương thức để giảm chi tiêu và thời gian này cùng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp để truyền tải những giá trị hữu ích. Mặc dù vậy, tất cả những điều trên đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng một cách đáng kể", bà Hawley bổ sung.