Dòng sông lớn của Mỹ có khả năng cạn kiệt: Điều gì đang diễn ra?

Trang Ly | 04-08-2020 - 11:00 AM

(Tổ Quốc) - Đây là thực trạng mà nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới phải đối mặt.

Được xem là huyết mạch khổng lồ miền Tây nước Mỹ, dòng sông Colorado đang đối mặt với nguy cơ khô hạn vĩnh viễn. Các chuyên gia không còn nói về tình trạng hạn hán tạm thời ở lưu vực con sông này nữa, những mối đe dọa đã nâng lên tầm cao mới, cùng hệ quả khôn lường cho con người và hệ sinh thái dọc hai bên bờ sông.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, dân số tăng nhanh... nhiều con sông lớn trên thế giới đang cùng lâm vào mối đe dọa mới với 'mẫu số chung': Cạn kiệt

Sông Hoàng Hà (5.464 km, con sông dài thứ 2 châu Á), sông Murray (2.375 km, Australia), sông Rio Grande (3.051 km, Bắc Mỹ) là ba trong số những dòng sông đang có nguy cơ dần biến mất do biến đổi khí hậu và tình trạng sử dụng nước quá tải của con người. Riêng dòng Colorado đang chịu những áp lực gì từ con người và tự nhiên?

Gánh nặng từ con người

Sông Colorado thuộc vùng Tây Nam Mỹ và Tây Bắc Mexico, dài 2.330 km, chảy qua 7 tiểu bang Mỹ và 2 bang của Mexico. Từ 2.000 đến 1.000 năm trước, vùng đầu nguồn con sông là nơi cư trú của các nền văn minh nông nghiệp lớn. Người Mỹ bản địa đã sinh sống ở lưu vực sông Colorado trong ít nhất 8.000 năm.

Dòng sông lớn của Mỹ có khả năng cạn kiệt: Điều gì đang diễn ra? - Ảnh 1.

Đoạn sông Colorado chảy qua hẻm Grand Canyon. Photo: Tonda/Getty Images/iStockphoto

Đến thời hiện đại, dòng sông này đã bị tác động và biến đổi sâu sắc: Theo số liệu của các nhà môi trường, sông Colorado là một trong những dòng sông bị khai thác triệt để nhất trên Trái Đất.

Một phần mười dân số nước Mỹ đang sử dụng dòng nước ngọt từ con sông này. Dân số của lưu vực sông cao gấp 9 lần so với năm 1922 và các thành phố phụ thuộc vào dòng sông, bao gồm Los Angeles, Las Vegas, Denver và Phoenix, thậm chí còn phát triển hơn nữa. Năm 1922, dân số của thành phố Las Vegas chỉ là 2.000 người. Ngày nay, thành phố là nơi sinh sống của gần 2 triệu cư dân. Nhu cầu về nước của sông Colorado đã vượt xa nguồn cung trong hai thập kỷ qua.

Chưa hết, dọc theo chiều dài 2.330km của con sông, xuất hiện rất nhiều đập (hơn 20 đập thủy điện) và nhà máy thủy điện phục vụ cho nông nghiệp và thủy điện.

Nhu cầu gia tăng của con người chưa phải là toàn bộ bức tranh xoay quanh con sông này. Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, băng tan... đều tăng nguy cơ hạn hán cho sông.

Hệ quả, dòng chảy trung bình hàng năm của sông Colorado đã giảm 19% so với mức trung bình trong thế kỷ 20 của nó. Các mô hình dự đoán rằng vào năm 2100, dòng chảy của dòng sông có thể giảm tới 55%. Dưới gánh nặng của biến đổi khí hậu, trong gần hai thập kỷ, lưu vực Colorado đã bị hạn hán với lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.

Sự thâm hụt này đe dọa nguồn cung cấp nước ngọt của khoảng 40 triệu người và an ninh lương thực của cả nước Mỹ: Nước từ sông Colorado được sử dụng để trồng 90% rau mùa đông của Mỹ. Lưu vực sông Colorado thúc đẩy nền kinh tế trị giá 1,4 nghìn tỷ đô la, trở thành lưu vực lớn thứ bảy thế giới tính theo sản lượng kinh tế.

Mỹ hành động

Trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa, vào tháng 5 năm 2019, đại diện của bảy tiểu bang và chính phủ liên bang đã ký Kế hoạch phòng chống hạn hán sông Colorado (DCP) với mục tiêu hợp tác làm giảm rủi ro cho nguồn cung cấp nước.

Dòng sông lớn của Mỹ có khả năng cạn kiệt: Điều gì đang diễn ra? - Ảnh 2.

Một con đập trên sông Colorado. Photo: Richard Vogel/AP

Năm 2019, một điều phi thường đã xảy ra: Sau hai thập kỷ hạn hán, bão mạnh, mưa dai dẳng và nhiệt độ lạnh đã phần nào cung cấp nguồn nước dồi dào cho sông Colorado. Tuy nhiên, 'phép màu' này đã không kéo dài ― vào tháng 8 năm 2019, hạn hán đã quay trở lại.

Con người không thể dựa vào Mẹ thiên nhiên để giải quyết vấn đề này; chúng ta phải tự giải quyết nó. Và nếu người Mỹ tham gia để bảo tồn nhiều nước hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp và tại nhà, những nỗ lực này có thể báo hiệu một bước ngoặt cho sông Colorado và các dòng sông khác và những người sống dựa vào chúng.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM