Đơn vị đặc nhiệm bí ẩn vừa đẩy lùi quân Trung Quốc ở hồ Pangong là ai?

Vy Lam | 03-09-2020 - 12:05 PM

(Tổ Quốc) - Theo truyền thông Ấn Độ, SFF được cho là đã đóng vai trò lớn trong chiến dịch giành cao điểm chiến lược ở hồ Pangong, từ đó đẩy lùi nỗ lực của TQ nhằm thay đổi hiện trạng của LAC.

Lực lượng bí ẩn

Theo tờ EurAsian Times, cuộc đụng độ mới đây giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tại bờ nam hồ Pangong đã diễn ra trong đêm 29/8 vừa qua.

Một số báo cáo truyền thông tiết lộ rằng đơn vị bí mật gọi là Lực lượng đặc nhiệm biên phòng (SFF) của Ấn Độ đã được triển khai để tiến hành chiến dịch ở đông Ladakh, họ đã vượt qua quân đội Trung Quốc (PLA) và giành quyền kiểm soát cao điểm chiến lược ở bờ nam hồ Pangong.

SFF, còn được biết đến với tên gọi Tiểu đoàn Vikas, là một trong những đơn vị vũ trang bí ẩn nhất của Ấn Độ, nằm dưới sự quản lý của Ban thư ký Nội các phụ trách báo cáo cho Thủ tướng.

SFF được thành lập sau cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, với thành phần hiện nay là người Tây Tạng và Gorkha). Ban đầu SFF có tên là Tổ chức 22, do chỉ huy đầu tiên của họ - Thiếu tướng Sujan Singh Uban – là một sĩ quan pháo binh từng chỉ huy Trung đoàn Sơn cước 22. Ông Uban đã đặt tên đơn vị mới theo tên trung đoàn cũ.

Đơn vị đặc nhiệm bí ẩn vừa đẩy lùi quân Trung Quốc ở hồ Pangong là ai? - Ảnh 1.

Bức ảnh được cho là của lực lượng SFF Ấn Độ. Nguồn: jagranjosh.com

Do vào thời điểm đó Ấn Độ đang có mối quan hệ hợp tác quốc phòng ở cấp độ cao với Mỹ nên hai phía đã quyết định sẽ để Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Viện tình báo Ấn Độ tham gia quá trình đạo tạo SFF. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ xấu đi trong những năm 1970, Washington đã rút khỏi chương trình này.

SFF đã tham gia một số chiến dịch bí mật, trong đó có chiến tranh năm 1971, Chiến dịch Blue Star tại Đền Vàng thành phố Amritsar, xung đột Kargil, và các chiến dịch chống quân nổi dậy tại Ấn Độ. Ngoài ra còn một số chiến dịch khác nhưng chi tiết không được công bố.

SFF tại hồ Pangong

Sau cuộc đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay gây thương vong cho cả 2 phía, tiến trình đàm phán rút quân thông qua các kênh ngoại giao và chỉ huy quân đội đang được tiến hành.

Cuộc đụng độ mới nhất lần này có vẻ bớt nghiêm trọng hơn.

Theo báo cáo trước đó của tờ EurAsian Times, quân đội Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các hành động "mang tính khiêu khích" tại khu vực tranh chấp ở hồ Pangong trong đêm 29-30/8.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây của Trung Quốc – Đại tá Zhang Shuili cho rằng quân đội Ấn Độ đang tìm cách khuấy động căng thẳng giữa hai phía. Trong tuyên bố cuối ngày 31/8, ông Zhang cáo buộc binh lính Ấn Độ một lần nữa đã vi phạm Đường kiểm soát thực tế (LAC), băng qua đó để tiến vào bờ nam hồ Pangong và đèo Reqin.

Đơn vị đặc nhiệm bí ẩn vừa đẩy lùi quân Trung Quốc ở hồ Pangong là ai? - Ảnh 2.

Hồ Pangong Tso, nơi diễn ra đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đêm 29 và 30-8 - Ảnh: AP

Mô tả vụ việc lần này, Đại tá Ấn Độ Aman Anand cho biết: "Quân đội Ấn Độ đã đón đầu và ngăn chặn hoạt động của PLA tại bờ nam hồ Pangong Tso, thực hiện một số biện pháp nhằm củng cố vị trí của chúng tôi và chặn đứng ý định của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đối hiện trạng tại đây"

Theo EurAsian Times, một điều đáng chú ý là SFF thường không tham gia vào các hoạt động quân sự thông thường, mà hoạt động một cách bí mật.

Tờ Times Now News cho biết, có những báo cáo hé lộ rằng SFF đã đóng một vai trò lớn trong chiến dịch giành cao điểm chiến lược ở hồ Pangong, từ đó đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng của LAC.

Nhà tư tưởng chiến lược hàng đầu Ấn Độ Brahma Chellaney đánh giá, thành công của Ấn Độ trong việc kiểm soát cao điểm Chushul là một động thái "mang tính phủ đầu" tại phần lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, nhằm đạt được lợi thế chiến thuật và ngăn chặn PLA chiếm giữ các cao điểm trống.

"Có thể chắc chắn rằng những gì xảy ra đêm 30/8 là một chiến dịch được lên kế hoạch và tiến hành cẩn trọng", ông Manoj Joshi – một thành viên tại Tổ chức Nghiên cứu Nhà quan sát nhận định. Theo vị chuyên gia, lực lượng Ấn Độ đã chiếm lĩnh được một số khu vực gần bờ tây hồ Pangong trước khi Trung Quốc có động thái tương tự.

Song, xét tới tình hình hiện nay, ông Joshi cảnh báo rằng Ấn Độ không đủ sức dấn vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc, do quân đội Ấn Độ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu ngân sách 5 năm liên tiếp.

Trong một diễn biến liên quan khác, tờ India.com đưa tin, một sĩ quan SFF đã thiệt mạng và một thành viên khác của đơn vị này bị thương nặng sau khi xảy ra vụ nổ mìn trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ trinh sát tại LAC.

Theo thông tin hiện có, một nhóm đặc biệt của SFF từ Uttarakhand đã được triển khai tới đông Ladakh để thu thập thông tin về các động thái của quân đội Trung Quốc. Vụ việc xảy ra giữa các cao điểm Black Top và Thakung tại bờ nam hồ Pangong – nơi phía Ấn Độ vừa đẩy lùi cái mà họ gọi là "hoạt động xâm phạm" của Trung Quốc.

SFF được cho là đã tới khu vực này sau khi chính phủ Ấn Độ nhận thấy Trung Quốc đang tìm cách tiến hành các nỗ lực khác nhằm chống lại Ấn Độ.

Tuy nhiên hiện tại, phía quân đội, cũng như chính phủ Ấn Độ đều từ chối bình luận về thông tin này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM