Apple Watch Ultra là chiếc đồng hồ đầu tiên mà nhà Táo muốn đánh sâu vào thị trường thể thao chuyên nghiệp và cũng từ đó sinh ra các loại dây chuyên biệt dành cho nó. Thực tế bạn có thể dùng những sợi dây có sẵn từ bản thường để lắp vào Watch Ultra nhằm tiết kiệm chi phí, nhưng tin tôi đi, tôi đã thử và nó chẳng hề hợp với vẻ ngoài hầm hố của mặt đồng hồ này chút nào.
Mỗi sợi dây chuyên biệt này cho Apple Watch Ultra có giá khoảng 99 USD (khoảng 2,4 triệu VNĐ, chưa thuế) tại Mỹ và hiện tại chưa bán lẻ tại Việt Nam. Mỗi sản phẩm bán kèm đều có lựa chọn 1 loại dây, vậy nên người dùng cần phải lựa chọn đúng thứ mình cần để tránh hối tiếc về sau.
Loay hoay trong vòng 1 tuần lễ đầu tiên sử dụng, cuối cùng tôi cũng đành đi mượn ở Nhật Huy Mobi cho đủ 3 loại dây mới nhất của dòng Ultra này để tìm hiểu đâu mới là thứ thích hợp cho bản thân nhất.
Theo thứ tự từ trái sang phải ở ảnh trên là dây Alpine Loop, Ocean Band và Trail Loop.
Xét về ngoại hình, Alpine Loop là dây đeo tôi thích nhất bởi có sắc cam trùng với màu nút bấm Action trên Apple Watch Ultra và phần chỉ viền ở vòng Digital Crown. Đây cũng là loại dây được dùng cho bộ môn leo núi (hoặc các môn thể thao mạo hiểm) và bạn cũng có thể thấy họ lấy cảm hứng móc cài chữ G giống với các phụ kiện dành cho bộ môn thể thao này.
Cảm nhận cá nhân là Apple hoàn thiện dây này rất chắc chắn, kèm theo đó là móc chữ G cũng giúp cho dây rất khó rơi ra. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là thao tác gài vào và tháo ra sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với 2 loại dây còn lại.
Trong quá trình sử dụng, tôi nhận ra loại dây này có một nhược điểm rất lớn, lại nằm ở chính thiết kế móc gài chữ G của nó. Cụ thể mỗi khi bạn tháo đồng hồ ra khỏi cổ tay, nếu sợi dây đi hết hành trình thì móc cài sẽ chạm vào cạnh viền của đồng hồ.
Vấn đề này có thể tránh khỏi nếu bạn để ý tháo dây chậm rãi và nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên thao tác cài/tháo của loại dây này vốn đã tốn thời gian lại càng khiến cho bạn… tốn thêm chút nữa.
Về khả năng thoát nước, dây được làm từ polyester nên sẽ không khô nhanh như 2 phiên bản còn lại, tuy nhiên vẫn vừa đủ cho các hoạt động thể thao khác.
Chuyển sang sợi dây Ocean Band, đây là loại dây được làm từ silicon và dành riêng cho hoạt động bơi lội, lặn biển. Theo cảm nhận cá nhân, nó được cải tiến từ phiên bản Sport Band vốn từ Apple Watch bản thường, tuy nhiên có thiết kế bắt mắt, bản dây cứng cáp và móc gài chắc chắn hơn.
Thiết kế của dây có vẻ lấy cảm hứng từ những sợi dây xích kẹp vào nhau. Kiểu thiết kế này cũng giúp cố định tốt hơn, tránh bị trượt. Nhược điểm của thiết kế ôm khít này là khiến cho việc thao tác đeo vào-tháo ra cũng hơi tốn thời gian, tất nhiên không tốn bằng Alpine Loop đâu.
Ưu điểm của dây này là khô nhanh, màu sắc cũng bắt mắt, thiết kế trông hầm hố không kém gì Alpine Loop, tuy nhiên nếu nói để đeo hàng ngày thì cá nhân tôi lại không thích.
Do bản dây cao su được làm cứng hơn bản Sport Band thường, kèm theo đó là kết cấu "lồi lõm" hình dây xích nên đeo 1 thời gian dài, nhất là lúc đi ngủ sẽ tạo lại vết hằn trên cổ tay của bạn.
Tựu trung lại, mỗi dây đều có ưu, khuyết điểm khác nhau, độ thời trang cũng được đánh giá là khác biệt lớn. Vậy nên khi mua Apple Watch Ultra bạn nên lựa chọn kỹ loại dây kèm theo, thậm chí là kích thước (nếu cổ tay nhỏ thì nên chọn loại M cho an toàn), bởi nếu không ưng ý thì bạn buộc phải đặt 1 sợi dây khác từ nước ngoài về với giá hơn 2,4 triệu đồng, chưa kể tiền shipping.
Tổng kết đánh giá theo cá nhân người viết:
- Thẩm mỹ: Alpine Loop > Ocean Band > Trail Loop
- Độ thoải mái khi đeo hàng ngày: Trail Loop > Alpine Loop > Ocean Band
- Thao tác đeo/tháo: Trail Loop > Ocean Band > Alpine Loop
- Khuyết điểm cần lưu ý: móc khóa chữ G trên Alpine Loop gây xước cạnh viền đồng hồ; dây đeo Ocean Band tạo vết hằn trên cổ tay khi sử dụng hàng ngày; Trail Loop đeo đi chơi hay đi các buổi hội họp trông không hợp lắm.