Là một trong những bộ môn thể thao điện tử lớn và thu hút lượng người xem nhiều nhất từ trước đến này, các tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp, bên cạnh tiền lương, cũng có một phần thu nhập không nhỏ từ tiền thưởng các giải đấu. Đây có thể xem là một khoản đáng kể, nhất là với những đội tuyển đã là "khách quen" của các chức vô địch, điển hình như SKT T1.
SKT T1 2016 - tập thể duy nhất bảo vệ được chức vô địch CKTG cho đến hiện tại
Một số giải đấu khu vực, như LCK của Hàn Quốc, có mức tiền thưởng lên tới 100.000$ cho nhà vô địch. Với MSI tổng giá trị giải thưởng có thể lên đến hàng triệu USD. Chỉ có mùa giải 2021, vì ảnh hưởng của vấn đề dịch bệnh nên giá trị giải thưởng MSI bị sụt giảm nghiêm trọng. Về phần CKTG, tổng giá trị giải thưởng cho giải đấu cấp độ cao nhất làng LMHT luôn ở mức hàng triệu USD và dịch bệnh cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều.
Dịch bệnh khiến MSI 2021 sụt giảm thảm hại về mặt tiền thưởng
Trong số các tuyển thủ và đội tuyển thu lợi nhiều nhất từ tiền thưởng các giải đấu, không cần đoán thì có lẽ cộng đồng LMHT cũng biết, khó ai qua được SKT T1 và Faker. Với 3 chức vô địch CKTG (2013, 2015 và 2016) cùng với 2 danh hiệu MSI (2016 và 2017), kèm theo đó là vô số danh hiệu cá nhân cùng 9 chức vô địch LCK, Lee "Faker" Sang-hyeok là người “kiếm tiền thưởng tốt nhất” từ các giải đấu tính tới thời điểm hiện tại. Trên thực tế, trong số hàng nghìn người chơi LMHT chuyên nghiệp, Faker là người đầu tiên kiếm được hơn 1 triệu USD tiền thưởng và giờ anh đã chạm tới mốc gần 1,5 triệu USD. Dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi mà Faker vẫn đang tiếp tục thi đấu.
Faker dĩ nhiên vẫn là tuyển thủ kiếm tiền thưởng nhiều nhất lịch sử LMHT
Và dĩ nhiên, với việc Faker thành công như vậy, thì tập thể đi cùng anh suốt những năm tháng vinh quang nhất sự nghiệp - SKT T1 cũng không ngoại lệ. 4 vị trí xếp sau Faker đều là 4 cựu thành viên của SKT T1 năm nào đã cùng nhau trở thành đội tuyển đầu tiên và duy nhất cho đến nay bảo vệ được chức vô địch CKTG: Duke, Bang, Wolf, Bengi.
Xếp sau Faker là 4 thành viên của SKT T1 2016
Trong số này, có lẽ trường hợp của "Công tước" Duke là đặc biệt nhất. Sau khi cùng với SK Telecom T1 vô địch CKTG vào năm 2016, anh rời đi và đầu quân cho Invictus Gaming. Tại đây, dù phải thường xuyên làm bạn với băng ghế dự bị do sự xuất sắc của "Top God" TheShy nhưng bù lại, Duke lại có lần thứ 2 lên ngôi tại CKTG. Đó cũng là lý do khiến cho anh kiếm được số tiền thưởng cao hơn so với các đồng đội cũ như Bang, Wolf hay Bengi.
Ngoài ra, liên quan đến giải đấu CKTG, các tuyển thủ còn có thể thu lợi nhuận từ việc kinh doanh skin vinh danh CKTG. Và dĩ nhiên, với tư cách là đội tuyển có nhiều lần vô địch CKTG nhất, SKT T1 2016 cũng đứng đầu về khoản lợi nhuận thu được từ hạng mục này.
Trường hợp của Duke thì vừa hay vừa may khi anh qua IG thì đội tuyển này cũng vô địch CKTG
Là một trong những bộ môn thu hút lượng lớn người theo dõi trên khắp thế giới (đặc biệt là CKTG) nhưng giá trị giải thưởng dành cho các đội tuyển vô địch lại khá khiêm tốn, nếu không nói là thua xa so với các giải đấu mang tính quốc tế khác như The International của DOTA 2 hay các giải Major của CS:GO. Trong tương lai, nếu LMHT được đầu tư một cách nghiêm túc hơn nữa, có lẽ sẽ không khó để thấy sự xáo trộn trên BXH này.