Đối đầu Trung - Ấn: Tiết lộ những "điểm yếu chí tử" của Quân đội Trung Quốc

Anh Tú | 18-06-2020 - 19:06 PM

(Tổ Quốc) - Được trang bị các máy bay Mirage 2000 và Sukhoi Su-30, KQ Ấn Độ có lợi thế nhất định tại biên giới so với KQ Trung Quốc khi họ chỉ biên chế các chiến đấu cơ J-10, J-11 và Su-27.

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã từng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 ở cùng một khu vực trên dãy Himalaya, nơi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu đẫm máu giữa hai bên hôm thứ Hai vừa qua.

Trung Quốc đã chiến thắng trước Ấn Độ trong cuộc chiến kéo dài một tháng đó và tuyên bố ngừng bắn sau khi giành được quyền kiểm soát trên thực tế địa bàn Aksai Chin, khu vực mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trong trận chiến này, Trung Quốc mất 700 binh sĩ còn con số với phía Ấn Độ là khoảng gấp đôi.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa hai lực lượng quân sự trên dãy Himalaya ngày hôm nay khác xa so với những gì đã diễn ra cách đây 58 năm.

Quan niệm thông thường vẫn cho rằng Trung Quốc đang giữ lợi thế quân sự đáng kể so với Ấn Độ nhưng những nghiên cứu gần đây của Trung tâm Belfer thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington cho thấy, Ấn Độ lại duy trì được lợi thế ở các địa bàn vùng núi cao, chẳng hạn như tại vị trí đang diễn ra cuộc đối đầu hiện nay.

So sánh sức mạnh vũ khí hạt nhân

Không ai mong đợi những căng thẳng mới bùng phát thành cuộc chiến tranh hạt nhân nhưng thực tế cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là những cường quốc hạt nhân sau cuộc xung đột trước đây.

Bắc Kinh trở thành quốc gia hạt nhân vào năm 1964 còn New Delhi là vào năm 1974. Vì vậy, việc đánh giá cán cân sức mạnh giữa hai nước không thể bỏ qua yếu tố này.

Theo số liệu mới nhất được Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố thì Trung Quốc đang có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân, gấp đôi so với con số 150 của Ấn Độ. Năm 2019, cả hai quốc gia này đều đã gia tăng số đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình. Trung Quốc là 40 đầu đạn còn Ấn Độ là 10 đầu đạn.

Cả hai nước đều sở hữu bộ 3 lực lượng hạt nhân chiến lược: tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Tuy nhiên, hai nước cũng áp dụng chính sách “không sử dụng trước tiên”, nghĩa là cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa trong trường hợp đất nước bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Đối đầu Trung - Ấn: Tiết lộ những điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa Agni V của Ấn Độ trong lễ duyệt binh tại New Delhi ngày 26/1/2013. Ảnh: CNN

Sức mạnh không quân

Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 3/2020 của Trung tâm Belfer, Ấn Độ có khoảng 270 máy bay chiến đấu và 68 máy bay tấn công mặt đất mà nước này có thể huy động để chiến đấu với Trung Quốc. New Delhi cũng duy trì một chuỗi các căn cứ không quân nhỏ gần biên giới Trung Quốc và từ đây họ có thể xuất kích tham chiến.

Trong khi đó, Trung Quốc có 157 máy bay chiến đấu và một phi đội nhỏ máy bay không người lái tấn công mặt đất nhỏ trong khu vực. Nghiên cứu cho thấy, Không quân Trung Quốc (PLAAF) đang vận hành 8 căn cứ tại khu vực nhưng hầu hết đều là các sân bay dân sự và gặp khá nhiều vấn đề.

Độ cao của các căn cứ không quân ở Tây Tạng và Tân Cương, cộng với những khó khăn về điều kiện địa lý và thời tiết nên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị hạn chế về tải trọng và nhiên liệu mang theo, chỉ bằng khoảng một nửa so với thiết kế.

Tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp các máy bay Trung Quốc mang thêm được trọng tải và tăng thời gian chiến đấu nhưng PLAAF lại không đủ máy bay tiếp nhiên liệu trên không để làm việc này.

Được trang bị các máy bay phản lực Mirage 2000 và Sukhoi Su-30, Không quân Ấn Độ (IAF) có lợi thế nhất định tại khu vực còn Trung Quốc chỉ biên chế các máy bay chiến đấu J-10, J-11 và Su-27.

Mirage 2000 và Su-30 của Ấn Độ là những dòng máy bay chiến đấu đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trong khi các chiến đấu cơ của Trung Quốc, chỉ J-10 là có những khả năng đó.

Theo một báo cáo hồi tháng 10/2019 của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) thì Ấn Độ đã xây dựng các căn cứ của mình trong khu vực với đối tượng tác chiến rất cụ thể là Trung Quốc.

Để đối phó với một cuộc tấn công tiềm ẩn từ Quân đội Trung Quốc (PLA), Ấn Độ đã rất chú trọng vào việc gia cố cơ sở hạ tầng; khả năng chống chọi tốt, xây dựng các hệ thống chỉ huy, điều khiển và liên lạc dự phòng cũng như nâng cấp các hệ thống phòng không.

Đối đầu Trung - Ấn: Tiết lộ những điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI do Nga phát triển và chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ

Nghiên cứu của Belfer cũng chỉ ra rằng, do phải chú tâm đối phó với các mối đe dọa từ phía Mỹ ở sườn phía đông và phía nam nên Trung Quốc đã tăng cường củng cố các căn cứ của họ ở đây mà xao nhãng mất dãy Himalaya khiến ít nhất 4 căn cứ không quân của PLA rất dễ bị tổn thương.

Nếu Ấn Độ phá hủy được hoặc làm mất khả năng tạm thời của một số trong 4 căn cứ nêu trên trên sẽ làm trầm trọng thêm những điểm yếu và khả năng xử lý trong các hoạt động của PLAAF.

Bên cạnh đó, Báo cáo Belfer còn chỉ ra một lợi thế khác nữa cho Không quân Ấn Độ (IAF), đó chính là kinh nghiệm. Những xung đột gần đây với Pakistan mang lại cho IAF một ưu thế nhất định về kinh nghiệm điều hành tác chiến trên thực tế.

Do không có được kinh nghiệm như vậy nên các phi công Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn khi phải tham chiến thực sự trên chiến trường.

Những cuộc tập trận gần đây của PLAAF với các kịch bản giả định cho thấy phi công Trung Quốc phụ thuộc quá mức vào kiểm soát mặt đất để định hướng chiến thuật. Điều này chứng tỏ trình độ chiến đấu của PLAAF có thể yếu hơn đáng kể so với dự tính.

Sức mạnh lục quân

Theo CNAS, Quân đội Ấn Độ một mặt đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu trên không nhưng mặt khác họ cũng được rèn giũa trên mặt đất khi phải tham chiến ở những nơi như Kashmir và trong các cuộc giao tranh dọc biên giới với Pakistan.

"Ấn Độ cho đến nay vẫn là bên có nhiều kinh nghiệm và va chạm chiến đấu nhiều hơn. Họ đã can dự vào một loạt các cuộc xung đột có giới hạn và ở cường độ thấp trong những năm gần đây", báo cáo của CNAS cho biết.

Trong khi đó, PLA không hề có kinh nghiệm chiến đấu kể từ sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Trong cuộc chiến tranh này Trung Quốc cũng là bên thất bại.

Về mặt quân số, theo ước tính của Belfer thì con số có thể tương đương khi Ấn Độ bố trí tại khu vực khoảng 225.000 binh lính còn phía Trung Quốc là từ 200.000 - 230.000 quân. Tuy nhiên, con số này cũng có thể gây hiểu lầm.

Lực lượng mà PLA triển khai tại đây là các đơn vị được giao nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc nổi dậy tiềm ẩn ở Tân Cương hay Tây Tạng, hoặc để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra dọc biên giới giữa Trung Quốc với Nga.

Đối đầu Trung - Ấn: Tiết lộ những điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 3.

Lính biên phòng Ấn Độ bảo vệ tuyến đường lên địa bàn Leh giáp biên với Trung Quốc ở Gagangir ngày 17/6/2020. Ảnh: CNN

Việc di chuyển các đơn vị này đến mặt trận Ấn Độ trong trường hợp bùng phát xung đột quy mô lớn là một vấn đề hậu cần rất lớn đối với Trung Quốc vì khi đó Ấn Độ có thể tiến hành các cuộc không kích phá hủy những tuyến đường sắt cao tốc trên cao nguyên Tây Tạng hoặc các điểm nghẽn ở địa hình miền núi gần biên giới.

“Ngược lại, Quân đội Ấn Độ đã bố trí tại khu vực một lực lượng lớn”, báo cáo của CNAS nhấn mạnh.

Tất nhiên, theo CNAS, các lực lượng Ấn Độ cũng phải hoạt động ở những địa hình gồ ghề tại các thung lũng dốc và không thể dễ dàng di chuyển ngay đến các vị trí diễn ra xung đột với Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ có thể bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa của Trung Quốc vào các điểm nghẽn trên núi.

Những cuộc tấn công này có thể đến từ lực lượng pháo binh hoặc tên lửa của Trung Quốc bố trí trên cao nguyên Tây Tạng, một số còn nhìn thẳng xuống các đồn biên phòng của Ấn Độ. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn, Trung Quốc có đủ tên lửa để hạ gục tất cả các mục tiêu cần thiết ở Ấn Độ hay không?

Nghiên cứu của Belfer dẫn con số tính toán từ một cựu sĩ quan Không quân Ấn Độ cho biết, Trung Quốc sẽ phải cần tới 220 quả tên lửa đạn đạo mới có thể phá hủy được một sân bay của Ấn Độ trong một ngày. Trong khi đó, chỉ với 1.000 - 1.200 tên lửa có sẵn cho nhiệm vụ này, Trung Quốc sẽ nhanh chóng hết phương tiện để đánh sập các phi trường của Ấn Độ.

Sức mạnh đồng minh

Trong khi Trung Quốc chỉ có thể chủ yếu dựa vào sức mạnh của chính mình nếu xảy ra cuộc chiến chống lại Ấn Độ ở dãy Himalaya thì New Delhi đã xây dựng được mối quan hệ quốc phòng với các nước đối thủ của Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã phát triển được mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Washington coi Ấn Độ là "đối tác quốc phòng lớn" khi không ngừng tăng cường các cuộc tập trận huấn luyện song phương và đa phương với nước này.

Đối đầu Trung - Ấn: Tiết lộ những điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 5.

Lính Ấn Độ giới thiệu súng phóng lựu với một binh sĩ Mỹ ngày 15/9/2016 tại Chaubattia, Ấn Độ. Ảnh: CNN

Trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở dãy Himalaya, các phương tiện tình báo và trinh sát của Mỹ có thể giúp Ấn Độ có được bức tranh rõ ràng hơn về không gian chiến trường.

Báo cáo của Belfer đưa ra một ví dụ về những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc tăng cường quân đội từ nội địa lên các tiền tuyến trên núi: "Một hoạt động gia tăng quân như vậy của Trung Quốc sẽ thu hút sự chú ý của Mỹ và Washington chắc chắn sẽ cảnh báo Ấn Độ để giúp nước này huy động lực lượng bổ sung từ phía nội địa”.

Ấn Độ cũng thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia.

"Quân đội các nước phương Tây khi tham gia các cuộc tập trận như vậy thường bày tỏ ấn tượng tốt đối với khả năng sáng tạo về chiến thuật và mức độ thích ứng cao của đối tác Ấn Độ", báo cáo của CNAS cho biết.

"Trong khi đó, hoạt động huấn luyện chung của Trung Quốc cho đến nay vẫn còn tương đối hạn chế về phạm vi, ngoại trừ một số cuộc tập trận quân sự với Pakistan và Nga”.

Su-30 MKI của không quân Ấn Độ tác chiến

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM