Đối đầu biên giới Ấn - Trung lên đến đỉnh điểm?
Cuộc đối đầu trên biên giới từ đầu tháng 5/2020 giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã lên đỉnh điểm vào ngày 15/6 khi binh sĩ hai nước đã lao vào nhau ẩu đả dữ dội tại thung lũng Galwan, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết và 17 người bị thương. Phía Trung Quốc không tiết lộ số thương vong, nhưng một nguồn tin tình báo Mỹ căn cứ trên quan sát số lượt xe cứu thương và hoạt động của máy bay trực thăng Trung Quốc, đã dự tính thương vong phía Trung Quốc là khoảng 35 người.
Cuộc ẩu đả ngày 15/6 diễn ra chỉ một tuần sau khi đại diện Ngoại giao và Quân sự hai bên đã có cuộc gặp trực tuyến kéo dài 4 tiếng ngày 6/6 và dường như đã đạt thỏa thuận ban đầu về việc binh sĩ hai nước sẽ rời khỏi các khu vực tranh chấp ở thung lũng Galwan và hồ Pagong, để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, theo phía Ấn Độ, trên thực địa Trung Quốc đã không chịu rút khỏi khu vực tranh chấp. Điểu này khiến phía Ấn Độ nhận định rằng của Trung Quốc có ý đồ chiếm toàn bộ thung lũng Galwan.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ trích phía Trung Quốc có ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biên giới. Trong các cuộc thảo luận với phía Ấn Độ, đại diện Trung Quốc công khai đòi chủ quyền đối với toàn bộ thung lũng Galwan, mà trước đó Ấn Độ vẫn kiểm soát và Trung Quốc đã không hề đòi hỏi gì.
Galwan là một vị trí chiến lược vì từ đó có thể theo dõi được các di chuyển trên con đường Darbuk-Shyok-Daulat Beg Oldi nối thủ phủ Leh của Ladakh tới đèo Karakoram. Trong các cuộc gặp với phía Ấn Độ, Trung Quốc liên tục tỏ quan ngại về con đường nói trên.
Đây là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ qua, binh sĩ hai nước ẩu đả lẫn nhau dẫn đến chết chóc cho cả hai bên. Cuộc đối đầu lần này không chỉ khác thường ở mức độ bạo lực giữa binh sĩ hai nước mà còn ở qui mô tập trung quân của cả hai phía.
Trong khi hai bên đang thảo luận để giải tỏa căng thẳng, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa quân lên khu vực tranh chấp ở Ladakh và tổ chức diến tập quân sự.
Trong khi đó, tinh thần dân tộc ở Ấn Độ cũng lên rất cao. Ngày 17/6 biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại nhiều thành phố Ấn Độ, đòi chính phủ phải cứng rắn với Trung Quốc.
Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ muốn hòa bình nhưng nếu bị khiêu khích Ấn Độ có đủ khả năng để giáng trả thích đáng trong bất kỳ tình huống nào. Chính phủ Ấn Độ cũng đã tuyến bố Quân đội được quyền tự do hành động nếu biên giới Ấn Độ tại khu vực Đông Ladakh bị xâm phạm.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng lần này chưa thể dẫn đến chiến tranh. Trong các cuộc ầu đả lần này, binh sĩ hai bên chưa dùng đến vũ khí quân sự chuyên dụng, mà vẫn chỉ dùng gậy gộc và ném đá vào nhau, theo đúng Thỏa thuận biên giới năm 1996 về việc không dùng vũ khí quân sự để chống lại nhau dọc theo đường biên giới tranh chấp.
Điều này cho thấy cả hai bên vẫn muốn tránh một cuộc chiến tranh thực sự giữa hai nước. Hơn nữa, do tương quan lực lượng chênh lệch với Trung Quốc, phía Ấn Độ sẽ không muốn để cuộc đối đầu leo thang thành chiến tranh lớn với Trung Quốc.
Ấn Độ luôn muốn giữ quan hệ hòa bình ổn định với Trung Quốc. Kể từ khi lên cầm quyền năm 2014 đến nay, ông Modi đã gặp ông Tập 18 lần. Hơn nữa, hai nước đang kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm nay. Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như ảnh hưởng còn năng nề bởi dịch Covid, tranh chấp lãnh thổ với Pakistan và những vấn đề biên giới mới nảy sinh với Nepal.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang bị sức ép từ nhiều phía như cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ với Mỹ, bị chỉ trích che dấu nguồn gốc của Covid cũng như việc các công ty đa quốc gia dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Do vậy, Bắc kinh cũng có những dấu hiệu muốn xuống thang căng thẳng với Ấn Độ, nhất là ngay trước thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Mỹ - Trung sắp tới tại Hawaii. Báo chí chính thức của Trung Quốc cũng có vẻ muốn làm nhẹ tính chất của cuộc ẩu đả ngày 15/6.
Đối đầu Ấn - Trung do vậy có khả năng sẽ từng bước dịu đi. Ngày 17-6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm về tình trạng đụng độ gây thương vong tại khu vực biên giới hai nước, đồng thời nhất trí "giải quyết công bằng" các vấn đề tại thung lũng Galwan và duy trì hòa bình ở khu vực biên giới theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước.
Quan hệ Trung - Ấn bước vào giai đoạn mới đầy sóng gió
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ không rút lui một cách dễ dàng khỏi Galwan, một khi đã chiếm được thung lũng có tầm quan trọng chiến lược này. Do vậy, cuộc đối đầu sẽ còn kéo dài và quan hệ hai nước sẽ bước sang một giai đoạn mới đầy sóng gió.
Ấn Độ sẽ phải có thêm những biện pháp để phòng ngừa Trung Quốc. Ấn Độ sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá dọc theo biên giới với Trung Quốc. Ấn Độ kiên quyết hơn trong việc hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ hoặc sát nhập các công ty Ấn Độ. Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là sau vụ đối đầu Doklam năm 2017.
Sau cuộc khủng hoảng lần này, chắc chắn Ấn Độ sẽ còn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Mỹ, nhất là hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ấn Độ đã nhận lời mời của Mỹ về việc tham gia G7 mở rộng. Các cơ chế an ninh có Ấn Độ tham gia như Tam giác Ấn-Mỹ-Nhật, Tứ giác Kim cương Mỹ-Nhật-Ấn-Úc cũng sẽ tích cực hoạt động hơn. Nhìn chung cạnh tranh Trung- Ấn sẽ gia tăng, không chỉ về tranh chấp lãnh thổ mà còn tranh giành ảnh hưởng trên toàn bộ khu vực Ấn Độ dương - Thái bình dương, kể cả Biển Đông.