Đội đặc nhiệm Mỹ bị bao vây nguy ngập, tiêm kích F-15 lập tức giải cứu: Vô tiền khoáng hậu

N. Tuấn Sơn | 15-07-2022 - 06:00 AM

(Tổ Quốc) - Khi đang trong trạng thái chờ chỉ thị mục tiêu của một chiếc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-3 Sentry (AWACS) thì F-15E đột ngột nhận được một mệnh lệnh lạ lùng.

Tiêm kích F-15 Eagle (Đại Bàng) của Mỹ từ lâu đã được tôn sùng là tượng đài của những tiêm kích tuyệt hảo nhất thế giới nhờ thành tích không chiến "vô tiền khoáng hậu" bắn hạ 104 máy bay đối phương trong khi chưa một chiếc nào bị diệt.

Ban đầu F-15 được thiết kế với nhiệm vụ chính là tiêm kích chiếm ưu thế trên không, tuy nhiên phiên bản F-15E Strike Eagle (Đại bàng thầm lặng), lại hết sức đa năng, tối ưu hóa giữa tốc độ và khả năng mang tải vũ khí để làm thêm nhiệm vụ tấn công mặt đất, biến nó trở thành một trong những tiêm kích đa năng mạnh nhất.

Năm 1991, khi đó Tim Bennett đang là Đại úy phi công, phục vụ trong biên chế Phi đội tiêm kích chiến thuật số 335 thuộc Không quân Mỹ đồn trú tại căn cứ sân bay Al Kharj ở miền Trung Saudi Arabia, nhằm hỗ trợ chiến dịch "Bão táp sa mạc".

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã kích hoạt chiến dịch với đòn đánh phủ đầu bằng tập kích đường không, xuất kích hàng trăm phi xuất mỗi ngày, từ cả trên đất liền lẫn trên tàu sân bay.

Căn cứ Al Kharj, nơi Bennett cất cánh khi đó là đại bản doanh của 5 phi đội chiến đấu cơ F-16 và F-15s, vì thế số lượt máy bay cất hạ cánh vô cùng lớn, liên tục và liên tục.

Trong một bài viết trên Tạp chí Air Force Magazine, Bennett kể lại: "Chúng tôi khi đó hơi thiếu biên chế, và vì vậy, nếu bạn là biên đội trưởng hay một IP [Giáo viên phi công], bạn phải bay rất nhiều”.

Ngày "Lễ tình yêu" đặc biệt

Vào ngày "Lễ tình yêu - Valentine’s Day" năm 1991, Bennett và Bakke được giao nhiệm vụ tiến hành một chuyến bay tuần tiễu sục sạo các bệ phóng tên lửa đạn đạo Scud ở Tây Bắc Iraq.

Họ điều khiển chiếc F-15E của mình bay trên trần mây, khi đang trong trạng thái chờ chỉ thị mục tiêu của một chiếc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-3 Sentry (AWACS) thì đột ngột nhận được một mệnh lệnh lạ lùng:

"Một nhóm biệt kích Mỹ đang hoạt động bí mật tại địa điểm cách khu vực biên giới khoảng hơn 300 dặm (540km) nhằm trinh sát chỉ thị tọa độ các bệ phóng tên lửa Scud. Đây là một nhiệm vụ nguy hiểm và họ đã bị Quân đội Iraq phát hiện".

Bennett nói: "Chúng tôi có 10 tới 15 nhóm biệt kích ở các khu vực nhằm sục sạo phát hiện tên lửa Scud. Nhóm biệt kích nói trên đang ở cách biên giới tới 300 dặm".

Trước đó, chưa từng có chiếc F-15E nào lập công trong không chiến cho dù chúng được thiết kế và trang bị vũ khí khí tài để làm điều đó, nhiệm vụ chính của chúng là tấn công mục tiêu mặt đất. Khi bay nhiệm vụ các máy bay "Đại bàng thầm lặng" thường mang theo một cặp tên lửa không đối không để phòng thân và sẵn sàng không chiến khi cần.

Máy bay AWACS thông báo có 5 chiếc trực thăng Iraq đang bay gần khu vực hoạt động của nhóm biệt kích Mũ nồi xanh, Bennett được lệnh chuyển hướng tới bảo vệ nhóm biệt kích và hướng dẫn đồng đội của anh bọc hậu ở phía sau, cách chừng 4 dặm (hơn 6km) khi anh bắt đầu xuyên mây lao xuống.

Đội đặc nhiệm Mỹ bị bao vây nguy ngập, tiêm kích F-15 lập tức giải cứu: Vô tiền khoáng hậu - Ảnh 3.

Tiêm kích F-15E. Ảnh: Không quân Mỹ.

Khi tiếp cận các trực thăng Iraq ở cự ly 50 dặm (80km), Bakke bật radar trên máy bay và bay từ Tây sang Đông.

Tuy nhiên, cuộc chiến trên vùng trời Iraq rất phức tạp với sự tham gia của tới 2.430 máy bay quân sự của liên quân, tới từ nhiều quốc gia và lực lượng khác nhau.

Phi công F-15 biết Mỹ có các trực thăng thuộc lực lượng đặc nhiệm, chẳng hạn như đơn vị số 160 SOAR, đóng ở Syria. Nếu họ tiến hành vào bốc nhóm biệt kích thì cũng sẽ bay trên khu vực mà các trực thăng Iraq đang có mặt.

Họ cần phải đảm bảo rằng các trực thăng không phải quân nhà. Anh gọi lại cho AWACS để xác nhận được phép tấn công.

“Chúng ta không có bất cứ máy bay quân nhà nào trong khu vực. Phát hiện bất cứ chiếc trực thăng nào, các anh được phép khai hỏa", E-3 Sentry đáp.

Bennett điều khiển chiếc F-15E của mình xuống độ cao cách mặt đất chừng 2.500 ft (762m), xuyên qua bầu trời đêm nhằm thẳng hướng mà anh cho là nhóm biệt kích Mỹ đang có mặt, và cũng là nơi mà các trực thăng đối phương đang bay. Họ xuyên qua các đám mây bay thấp tại khu vực chỉ các mục tiêu chừng 19 hay 20 dặm (xấp xỉ 30km).

Vào lúc đó, ngay phía bên phải, anh và Bakke phát hiện ra các trực thăng Iraq đang bay và có lúc bay treo để đổ quân nhằm bao vây nhóm biệt kích Mỹ. Các trực thăng này và binh sĩ dưới đất đang phối hợp để tìm kiếm nhóm đặc nhiệm "mũ nồi xanh" Mỹ.

Những chiếc trực thăng nói trên hiện giờ có thể xác định rõ chính là dòng Mi-24 Hind, chúng vừa đổ quân xuống những vị trí có lợi và sẵn sàng hỗ trợ hỏa lực cho đòn tấn công quyết định. Tình thế của các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ lúc này hết sức nguy ngập.

Các binh sĩ Iraq trên mặt đất nhận thức rõ rằng những chiếc F-15E đang tiếp cận mình với tốc độ nhanh hơn xe công thức 1 tới 3 lần, họ lập tức khai hỏa.

Đội đặc nhiệm Mỹ bị bao vây nguy ngập, tiêm kích F-15 lập tức giải cứu: Vô tiền khoáng hậu - Ảnh 5.

Một chiếc trực thăng Mi-24 Hind của Không quân Iraq.

Trận không chiến vô tiền khoáng hậu, F-15 lập công

"Vào thời điểm đó, chúng tôi đang bay với vận tốc khoảng 700 dặm/h (1.120km/h). Pháo phòng không đối phương khai hỏa dày đặc. Chúng tôi đang ở ngay phía trên đám binh sĩ Iraq, cách nhóm đặc nhiệm về phía Đông", Bennett nhớ lại.

"Chúng tôi không biết chính xác nhóm biệt kích Mỹ đang ở đâu, nhưng rõ ràng là chúng tôi đang che đầu cho họ".

Bennett quyết định công kích chiếc trực thăng dẫn đầu, nhưng thay vì bằng tên lửa AIM-9 Sidewinder tầm gần chuyên cho không đối không, mà dự định ném một quả bom GBU-10 Paveway II vào nó. Nếu may mắn, quả bom có thể tới mục tiêu khi mà chiếc trực thăng Mi-24 Hind đang đậu trên mặt đất đổ quân, quét sạch tất cả chỉ trong 1 lần.

"Tôi cũng sẽ cho các trực thăng khác buộc phải suy nghĩ mà sợ hãi, điều đó có thể giúp nhóm biệt kích Mỹ cơ hội rút lui".

Bennett nói với đồng đội đang bay phía sau 4 dặm, và bảo anh ta rằng hãy công kích bất cứ chiếc trực thăng nào phát hiện đầu tiền bằng tên lửa AIM-9 Sidewinder.

Đội đặc nhiệm Mỹ bị bao vây nguy ngập, tiêm kích F-15 lập tức giải cứu: Vô tiền khoáng hậu - Ảnh 6.

Tiêm kích F-15E thực hành ném bom. Ảnh: Không quân Mỹ.

Bởi vị họ đang bay rất nhanh trên trời trong khi bom có độ sai lệch lớn hơn rất nhiều so với tên lửa Sidewinder nên Bennett cắt bom ở cự ly 4 dặm (6km) cách chiếc Mi-24 trong khi Bakke rất chăm chú chiếu xạ laser vào nó.

Khi đó chiếc Mi-24 Iraq đột ngột rời mặt đất và bắt đầu tăng tốc bỏ chạy. Bakke kiên quyết chiếu laser vào mục tiêu, tuy nhiên những quả bom không mấy khi được dùng để công kích các mục tiêu chuyển động là các trực thăng đang bay. Bennett chuẩn bị công kích một lần nữa... nhưng trước khi kịp hành động thì quả bom đã lao trúng vào mục tiêu.

"Một chớp lửa lớn bùng lên, tôi có thể nhìn rõ các mảnh văng khắp nơi. Chiếc trực thăng vỡ tan tành".

Tất nhiên, sau khi lập công đầu trong không chiến cho dòng F-15E, Bennett and Bakke vãn còn việc phải làm. Anh yêu cầu số 2 ném 3 quả bom Mk. 82 vào cùng tọa độ nhằm loại bỏ triệt để các binh sĩ Iraq còn sống sót sau vụ nổ.

Đúng lúc đó, máy bay AWACS đã dẫn một tốp máy bay ném bom khác vào giải quyết phần còn lại và một chiếc trực thăng Mi-24 khác đang tháo chạy về phía Bắc. Bennett quyết định truy đuổi nhưng phát hiện ra một vệt bom của tốp cường kích tới hỗ trợ nhóm biệt kích Mỹ ngay ở bên dưới.

Vẫn chưa hết việc, Bennett và Bakke chuyển hướng tới công kích một xe bệ phóng tên lửa Scud cơ động ở gần khu vực đó trước khi rời chiến địa quay về căn cứ.

"Nhóm biệt kích đã rút lui an toàn và trở về đại bản doanh của Bộ chỉ huy Không quân để trịnh trọng cảm ơn và xác nhận thành tích của chúng tôi. Họ đã tận mắt chứng kiến chiếc trực thăng Mi-24 bị xe nát, rơi rụng lả tả. Khi chiếc trực thăng bị diệt, nhóm biệt kích đã rút lui về phía Tây và thoát đi an toàn".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM