Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: “Bạn trẻ khởi nghiệp, đừng lơ mơ đậu cành mềm, đừng chỉ tìm kiếm trong sách vở, xắn tay áo lên lội vào đời mà trải nghiệm!”

Phương Nga | 01-04-2020 - 08:48 AM

(Tổ Quốc) - “Đừng ngồi đó mơ màng phải đi đâu về đâu. Đừng chỉ tìm kiếm mọi thứ trong sách vở. Cứ phải lao vào làm thử, làm hết mình không than vãn, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân, đừng vin vào người khác nữa. Người ta chỉ có thể lớn lên khi đã tự lập, tự chịu trách nhiệm về bản thân với bản thân. Nếu vẫn còn dựa dẫm vào ai đó khác, dù là ai, bạn vẫn chưa hề lớn”, doanh nhân Nguyễn Phi Vân dành lời khuyên cho các startup.

Doanh nhân này cũng cho biết, thời gian qua bỗng nhiên lại nhận được rất nhiều tin nhắn vào inbox của các bạn trẻ, nói rằng bản thân mất định hướng, không biết phải làm gì với cuộc đời, sự nghiệp, lười biếng không động lực, vv. Các bạn hỏi tôi, em phải làm sao. Cả một cuộc đời, một câu hỏi lớn như thế chưa bao giờ là dễ dàng, làm sao có thể trả lời bằng vài dòng tin nhắn?

Vị doanh nhân này trích đoạn trong cuốn sách đã từng viết để giúp người trẻ khởi nghiệp bạn có một cái nhìn tổng thể về tương lai, định vị được bản thân trong thế giới và tương lai đó. Theo doanh nhân Nguyễn Phi Vân, khả năng Working life skills & entrepreneurship - Kỹ năng làm việc và khởi nghiệp là rất quan trọng. 

“Học gì, cuối cùng cũng để chuẩn bị cho bạn ra đời, đi làm, hay startup mà thôi. Cho nên, đừng có lơ mơ đậu ở cành mềm. Cứ phải thực tế chút, là học xong có ra đời xài được không cái đã”, doanh nhân này nhấn mạnh.

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: “Bạn trẻ khởi nghiệp, đừng lơ mơ đậu cành mềm, đừng chỉ tìm kiếm trong sách vở, xắn tay áo lên lội vào đời mà trải nghiệm!” - Ảnh 1.

Vị doanh nhân này chỉ ra các yếu tố để bạn trẻ tự startup

Thứ nhất, Readiness for work life – Sẵn sàng hội nhập môi trường làm việc: Đây là sự chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân bằng cách hiểu rằng thế giới thay đổi hàng ngày, những gì mình học có thể lỗi thời và dĩ nhiên cần cập nhật. Vậy thì phải có cách theo dõi và cập nhật như thói quen học cả đời.

Có thiếu chăng, là bổ sung tinh thần tự startup, tự lập dự án, tự kinh doanh. Cái này là điểm son của thế kỷ khi văn hoá startup đỉnh cao, khi kinh tế là sáng tạo, và khi quốc gia khởi nghiệp. Này, tham gia vào các chương trình incubation – ươm tạo ý tưởng của các trung tâm, tổ chức phi lợi nhuận, công ty là học được ngay mà. Trường học, thời này cũng nên có các câu lạc bộ sáng tạo, khởi nghiệp, có chương trình huấn luyện và ươm tạo cho học sinh, sinh viên.

Thứ hai, Social interaction at work – Khả năng tương tác xã hội trong công việc: Này làm tôi nhớ có lần được tập đoàn lớn nọ tại Việt Nam mời về chia sẻ về khả năng tương tác, vì đội đó toàn chuyên gia các kiểu nhưng thảy vào sự kiện networking – kết nối thì đơ ra không biết nói gì, với ai. Làm việc trong thế kỷ xuyên lục địa và đa quốc gia này, không những phải chủ động xây dựng tương tác mà còn phải tương tác đa kênh, đa văn hoá. Đó là chưa nói, hợp tác làm dự án trong làm việc cực kỳ quan trọng. Nếu không biết, hợp tác, đóng góp, tiến thoái cùng đội ngũ thì làm việc nhóm hay hợp tác sao xong.

Thứ ba, Working life in practice – Thực tập: Học bao nhiêu cũng không bằng một ngày trải nghiệm thực tế hết. Nên chuyện internship – thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức là cực kỳ quan trọng. Đừng có lười và khổ sở khi phải đi thực tập. Này là cơ hội ngàn vàng cho bạn tiếp cận thực tế đó. Bản thân phải xông pha đi tìm, đi xin được thực tập, xin đi làm không lương để học hành. Người ta nhận là phước đến ba đời. Đừng chê khen này nọ. Môi trường thực tế mới là môi trường ta chiêm nghiệm và internalize – cá nhân hoá kiến thức đã học cho bản thân mình. Nhớ hay không, áp dụng thế nào vào cuộc sống là nằm ở mấu chốt này hết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM