Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhà giáo nhiều khuôn khổ nhưng Đức Vĩnh luôn mang khát khao bứt phá. Năm 12 tuổi, cậu bỏ nhà, bỏ học vào miền Nam mong lập nghiệp nhưng không lâu sau bị cha mẹ đưa về.
Năm 2008, khi đang học Đại học Sư phạm Hà Nội năm thứ 3, Vĩnh bỏ học một lần nữa để theo đuổi con đường kinh doanh. Một năm sau, anh quyết liều, sang Angola buôn bán vật liệu. Nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười, chàng trai tay trắng trở về nước chỉ trong ba tháng.
Gia đình mất niềm tin, hàng xóm "lời ra tiếng vào", đến 2010, anh "Nam tiến" lần thứ hai. Vào Sài Gòn, Vĩnh mở một cửa hàng đồ điện cơ, điện gia dụng nhỏ gần chợ và bắt đầu kiếm được chút lời. Vừa lúc ấy, chủ nhà đòi lại mặt bằng. Anh cho rằng mình đang phải đối mặt với bài toán hóc búa nhất trong bán lẻ, đó là làm sao tìm được địa điểm ở trung tâm sầm uất, giá đắt gấp 3 – 4 lần trong khi nguồn lực không cho phép.
Địa điểm – Yếu tố cốt tử trong kinh doanh bán lẻ
Giới kinh doanh hẳn không còn xa lạ với châm ngôn bất hủ trong ngành bán lẻ: Địa điểm, địa điểm và địa điểm. Theo doanh nhân Lý Quý Trung – nhà sáng lập Phở 24, địa điểm phải dễ nhìn, dễ tìm. Đồng thời, phải xác định khách hàng cũng như "hàng xóm" của mình là ai?
Trò chuyện với Đức Vĩnh trong chương trình CEO Chìa khóa thành công, ông Lê Trí Thông – Tổng Giám đốc PNJ chia sẻ: "Đối với ngành bán lẻ, việc phụ thuộc vào chủ nhà là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là mỗi bên lại có quyền thương thuyết khác nhau. Lúc ấy anh Vĩnh đang còn "nhỏ", mới thành lập nên không nắm quyền thương thuyết trong tay."
Ông Lê Trí Thông – Tổng Giám đốc PNJ
Giải pháp được Vĩnh đưa ra, đó là thay vì "cắn răng" chấp nhận thuê mặt bằng đắt đỏ tại các khu trung tâm Sài Gòn, anh chuyển hướng về khu vực vùng ven, nơi chưa phát triển nhưng nằm trong diện quy hoạch dân cư. Đầu tiên là ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Nhờ dịch vụ tốt, tích cực quảng cáo tới khách hàng mới đồng thời liên hệ với khách hàng thân thiết trước kia, đảm bảo chất lượng sản phẩm, trung tâm điện máy Gia Vĩnh nhanh chóng ăn nên làm ra. Đến nay anh đã mở được 17 cửa hàng tại Đồng Nai và có kế hoạch tiến ra các tỉnh khác.
Địa điểm và Dịch vụ khách hàng: Đâu là năng lực lõi?
"Công thức thành công giống như một hàm số, là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố cốt lõi, có cái chỉ là phụ trợ. Thông thường khi thành công, mình lẫn lộn giữa chúng, không biết đâu là điểm cốt lõi", ông Lê Trí Thông nhận định.
Chưa kể với những khu vực tiềm năng, các ông lớn sớm muộn rồi cũng sẽ "đánh hơi" thấy cơ hội và tấn công. Khi đó, liệu lợi thế địa điểm còn phát huy tác dụng?
Tổng Giám đốc PNJ cho rằng dù trong lý thuyết, địa điểm được đánh giá như điều kiện quan trọng bậc nhất trong ngành bán lẻ nhưng chiếu vào trường hợp này, khi mất đi lợi thế mặt bằng anh Vĩnh vẫn "sống tốt". Điều đó cho thấy, không phải mặt bằng, mà dịch vụ khách hàng mới là điểm cốt lõi giúp doanh nhân này chiến thắng.
Và không chỉ riêng chuỗi điện máy của Đức Vĩnh, CTCP Đầu tư Thế giới Di động - gã khổng lồ trên thị trường bán lẻ hiện tại, với khoảng 2.200 cửa hàng phủ sóng khắp cả nước, cũng lớn mạnh nhờ giá trị cốt lõi là Tận tâm với khách hàng.
Chủ tịch HĐQT TGDĐ, ông Nguyễn Đức Tài từng khẳng định: "Niềm tin của Thế giới Di động là mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Khi có niềm tin rằng "Sự hài lòng của khách hàng là số 1" thì chúng tôi sẽ có hành động tương xứng với niềm tin đó. Chúng tôi sẽ không làm bất cứ chuyện gì tổn hại đến quyền lợi của khách hàng."
Suy cho cùng, chọn được địa điểm dễ nhìn, dễ tìm, giao thông thuận lợi, dân cư tập trung,… nhưng dịch vụ khách hàng thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm kém chất lượng thì dù "đốt" bao nhiêu tiền thuê mặt bằng, bất kì nhà bán lẻ nào cũng khó lòng tồn tại.