Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: "Phải chăng điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?"

Lê Diệp Kiều Trang | 20-04-2021 - 11:38 AM

(Tổ Quốc) - "Câu chuyện mình thường nghe là, cho đến lúc vào đại học, tất cả các quyết định (bao gồm cả việc chọn ngành) đều đến từ người lớn. Những năm đại học đầy dằn vặt, âu lo, rồi cũng kết thúc. Những con đường vạch sẵn bỗng biến mất, và các bạn bị đẩy vào đời với những quyết định mà không biết bắt đầu từ đâu".

* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) là một nhân vật có tiếng trong giới công nghệ Việt Nam. Cô tốt nghiệp Song Ưu chuyên ngành Kinh tế tại đại học Oxford (bằng Cử nhân và Thạc sỹ nghiên cứu), và thủ khoa chương trình MBA tại MIT, theo học bổng Legatum Fellow.

Ngoài ra, với vai trò là phụ huynh, những quan điểm của doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang về vấn đề giáo dục cũng được nhiều bố mẹ đồng tình và yêu thích.

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: "Phải chăng điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?" - Ảnh 1.

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang.

Dưới đây là bài viết chia sẻ về chủ đề "GIÁO DỤC VÀ SỰ TÔN TRỌNG" nhân một lần chị đưa con đi phỏng vấn tuyển sinh nhận về hàng ngàn lượt like và bình luận:

"Đây là quy định của trường"

Mình có rất nhiều kỷ niệm với trường cấp 3 Lê Hồng Phong, nhưng ấn tượng đầu tiên khó quên là kỷ luật ở trường hầu như chỉ dựa vào sự tự giác của học sinh. Lúc học cấp 2, mặc dù là trường điểm, ở trường ít nhất phải có một thầy giám thị cầm cây "thước bảng" đi hò hét giờ xếp hàng, hoặc các cô sáng nào cũng "điều động" qua loa trường, nhắc nhở tác phong, đi đứng… 

Trường Lê Hồng Phong cũng có giám thị, nhưng toàn là các cô mặc áo dài rất đẹp, chủ yếu đi thu sổ đầu bài và ghi nhận sĩ số, các thầy ban giám hiệu thì ai cũng nhỏ nhẹ, chỉ dùng giờ chào cờ để phát biểu, chia sẻ… Vậy mà, giờ chào cờ, xếp hàng, các lớp tự giác tuần tự xuống sân. Dĩ nhiên học trò không thể đứa nào cũng ngoan, nhưng môi trường tự giác làm mỗi đứa học trò biết suy nghĩ hơn, có trách nhiệm hơn,…

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: "Phải chăng điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?" - Ảnh 2.

Lê Diệp Kiều Trang chụp hình kỷ niệm với thầy hiệu trưởng chuyên Lê Hồng Phong trong ngày tốt nghiệp.

Khi các thầy cô đối xử với học sinh như những đứa trẻ con, không biết gì, thầy cô sẽ phải mang gánh nặng của một "thầy cai". Còn khi thầy cô xem học sinh là những con người có ý thức, đám học trò bỗng nhiên trưởng thành hơn, tự giác hơn.

Cách đây 1 tháng, mình dẫn Mary đi dự phỏng vấn tuyển sinh đầu vào của một trường có tiếng trong thành phố. Cuộc phỏng vấn đầu tiên với một thầy giáo nước ngoài, trường dứt khoát không cho phụ huynh ngồi cùng, mặc dù bé mới 5-6 tuổi, và lần đầu tiên đến với một ngôi trường to gấp nhiều lần trường mẫu giáo. Mình cũng lịch sự bước ra ngoài, đứng bên cạnh cửa kính để Mary biết mẹ không đi đâu. Thầy giáo đối thoại với bé, đặt câu hỏi, và nàng vui vẻ hoàn thành buổi phỏng vấn.

Cuộc phỏng vấn thứ hai là bằng tiếng Việt, bộ phận tuyển sinh kiên quyết phải dẫn bé đi qua một cái sân rất to, đến phòng cô hiệu phó. Mary trả lời "Con không đi với người lạ". Mình phải năn nỉ cho mình đi với bé đến cửa phòng. Khi đến nơi, hoá ra đây không phải là phỏng vấn, mà có nhiều bé (với nhiều khối lớp khác nhau đang tuyển sinh vào trường) được phát một bài test tự ngồi làm xung quanh bàn cô giáo.

Lê Diệp Kiều Trang

Khi các thầy cô đối xử với học sinh như những đứa trẻ con, không biết gì, thầy cô sẽ phải mang gánh nặng của một "thầy cai". Còn khi thầy cô xem học sinh là những con người có ý thức, đám học trò bỗng nhiên trưởng thành hơn, tự giác hơn.

Căn phòng này không có cửa sổ, và các cô kiên quyết phải đóng cửa ra vào, nên Mary không còn thấy mẹ nữa. Mary bắt đầu khóc, nhưng cô bảo nín, lo tập trung làm cho xong. Một lát sau thì bạn nghĩ, cái cửa đó không có khoá, Mary tự động đẩy cửa đi ra với mẹ, và nói với mình "Cô không được ép con".

Mình đặt câu hỏi với ban tuyển sinh, tại sao không cho phụ huynh vào ngồi với bé, trong khi trường hoàn toàn có thể kiểm soát là bố mẹ không thể nhắc bài, và việc nhốt đứa bé 5-6 tuổi, còn lạ lẫm với môi trường mới để làm bài test trong một cái phòng không có cửa sổ, là không thể hiểu được theo bất kỳ trường phái sư phạm nào. Ban tuyển sinh trả lời gọn lỏn: "Đây là quy định của trường".

Điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?

Mình điểm lại những trải nghiệm đã qua trong thời học sinh, không khó để tìm thấy những kỷ niệm mà trường đưa ra những quy định để dễ dàng trong việc quản lý, cho dù nó có bất tiện, nhiều khi là ảnh hưởng đến đa số học sinh. Và có thể nhắm mắt mà kể ra không biết bao nhiêu trường hợp các thầy cô chỉ đưa ra quy định, luật lệ, mà bỏ qua bước quan trọng nhất, giải thích cho học sinh điều đúng/sai… Phải chăng điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?

Nhất nút "fast forward" đến môi trường công sở nhiều năm sau đó, với các bạn trẻ kiến thức chuyên môn vững, ngoại ngữ tốt, có cơ hội du học hoặc du lịch ra nước ngoài. Mình đã gặp rất nhiều các bạn trẻ rất có năng lực, khả năng học hỏi dồi dào, có thể giao cho bạn đảm nhiệm một lĩnh vực mới và bạn tự tìm tòi để nắm bắt vấn đề nhanh chóng. Nhưng, các bạn hoàn toàn không hào hứng với bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn đang làm và làm rất giỏi. 

Mình khuyến khích, hay em có một đam mê nào khác muốn theo đuổi. Bạn trả lời: "Điều bi kịch là em không thấy đam mê hay động lực trong một lĩnh vực nào hết". Câu chuyện mình thường nghe là, cho đến lúc vào đại học, tất cả các quyết định (bao gồm cả việc chọn ngành) đều đến từ người lớn. Những năm đại học đầy dằn vặt, âu lo, rồi cũng kết thúc. Những con đường vạch sẵn bỗng biến mất, và các bạn bị đẩy vào đời với những quyết định mà không biết bắt đầu từ đâu.

Lê Diệp Kiều Trang

Những năm đại học đầy dằn vặt, âu lo, rồi cũng kết thúc. Những con đường vạch sẵn bỗng biến mất, và các bạn bị đẩy vào đời với những quyết định mà không biết bắt đầu từ đâu.

Lia ống kính qua phòng họp của công ty với những buổi brainstorming (tranh luận). Có một nhóm hầu như lúc nào cũng im lặng, đôi khi gật gù, và chỉ chờ khi team "chốt" được định hướng sắp tới, các bạn sẽ tỉnh ngủ và nhận nhiệm vụ đi làm. Thật buồn và lãng phí, vì chính những người trực chiến như các bạn, lẽ ra có thể đóng góp bao nhiêu thông tin, ý kiến hay cho công ty, lại vô tình không biết (hoặc thường xuyên coi thấp) giá trị của mình. 

Có một nhóm khác, mạnh dạn phát biểu, đưa ra nhiều ý tưởng hay, nhưng lắm lúc "cướp diễn đàn". Nhóm này 5 ăn 5 thua, hoặc là rất hào hứng khi ý tưởng của mình được chấp nhận, hoặc vô cùng bất mãn khi ý tưởng của ai đó được chốt. Không thể trách các bạn, vì các bạn đã không lớn lên trong môi trường tranh luận, lắng nghe ý kiến của nhau, và hiểu sức mạnh tập thể phải đến từ nhiều ý kiến đa chiều. Các bạn xem "leadership" là áp đặt được ý kiến của mình với tập thể, chứ không phải tìm ra ý kiến hay nhất.

"Tua" ống kính qua sân chơi giờ tan học của các trường cấp 1, cấp 2, không khó để tìm thấy những cô bé câu bé sẵn sàng hét vào mặt người lớn khi không đồng ý, luôn "có quyền" làm những gì mình muốn và không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Mình quan sát, phần nhiều các cháu này có cha mẹ là những người có học, thậm chí Tây học. Ở một thái cực khác, có lẽ các cháu đã lớn lên trong môi trường tôn trọng tính cá nhân, tuy nhiên lại thiếu sự hướng dẫn của người lớn về điều hay và lẽ phải.

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: "Phải chăng điều chúng ta cần là một đứa học trò nghe lời, chứ không phải là một con người biết suy nghĩ và hiểu lẽ phải?" - Ảnh 4.

Xin kết lại bằng một kỷ niệm của gia đình mình. Năm 1993, khi Việt Nam vẫn còn đóng cửa với thế giới, Pepsi có tổ chức một kỳ thi tuyển chọn 5 thiếu nhi Việt Nam đi hát với Michael Jackson tại Thái Lan. Cả hai anh em mình đều rất hào hứng tham gia vì giỏi tiếng Anh. Nhưng khi đến điểm tuyển sinh, anh Thông nói với bố: "Con không thi đâu, con rất ghét hát và không thích lên sân khấu". 

Mặc dù các cô giáo ở nhà Văn Hoá Thiếu Nhi hết sức thuyết phục vì cơ hội được ra nước ngoài năm 1993 là vô cùng quý giá, nhưng bố mình chỉ cười, và cho anh Thông trốn thi. Trong khi đó, kỳ tuyển chọn khép lại với không ít nước mắt của các bạn không trúng tuyển, không phải vì các bạn buồn, mà vì các bạn chịu áp lực khi để bố mẹ mình thất vọng. 

Còn anh Thông, nguyên 1 năm sau đó, rất vui vẻ, hạnh phúc đi làm khán giả cho không biết bao nhiêu buổi trình diễn báo cáo của mình. Và cứ thế, hai anh em lớn lên, giống và khác nhau… nhưng điều quan trọng là, hai anh em mình biết bố mẹ luôn lắng nghe, luôn tôn trọng và có lý lẽ...

Để một đứa trẻ nghe theo, khuất phục người lớn thật ra không khó, vì nó vẫn còn là một thực thể lệ thuộc. Nhưng đó chắc chắn không phải là Giáo dục. Giáo dục là ươm mầm cho một tâm hồn, một con người, có tình cảm, có suy nghĩ, biết giá trị của bản thân và tôn trọng thế giới quanh mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.