Nghị định số 28 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/4/2020 quy định về xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Cụ thể hơn, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 đến 10 người lao động; phạt 10-20 triệu nếu vi phạm từ 11 đến 50 người; phạt 20-30 triệu nếu vi phạm từ 51 đến 100 người; phạt 30-40 triệu nếu vi phạm từ 101 đến 300 người.
Doanh nghiệp vi phạm việc trả lương cho từ 301 lao động trở lên sẽ bị phạt 40-50 triệu. Mức phạt kể trên áp dụng với người sử dụng lao động là các cá nhân. Bên cạnh đó, nếu người sử dụng lao động là một tổ chức, mức phạt sẽ được gấp đôi.
Nhưng vấn đề được đặt ra, liệu trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ, gặp tình trạng khó khăn trong kinh doanh và không đủ khả năng trả lương đúng hạn thì sẽ xử phạt ra sao? Đặc biệt là thời điểm này, khi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế chung?
Để giải đáp thắc mắc trên, Thạc sĩ - Luật sư Đinh Tiến Hoàng, đang công tác tại Công ty cổ phần Tập đoàn PAN sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định nguyên tắc trả lương cho người lao động quy định:
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì được trả chậm không quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Cụ thể hơn, Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP giải thích:
Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì được trả chậm không quá 01 tháng.
Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP không quy định trường hợp nào được coi là lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động có liệt kê các lý do bất khả kháng bao gồm:
Do địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ngày 01/2/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Đồng thời, mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đều bị thu hẹp lại (hoặc tạm ngưng) theo các quy định, quyết định của chính quyền. Do đó, có thể coi dịch Covid-19 là một lý do bất khả kháng.
Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn, đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn thì được quyền nợ lương nhân viên không quá 01 tháng, đồng thời, phải trả thêm một khoản tiền nếu chậm trả. Việc trả khoản tiền chậm trả lương được quy định như sau:
- Nếu trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.
- Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố hoặc lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản thông báo tại thời điểm trả lương.
Hi vọng sau lời giải đáp trên của luật sư Hoàng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về quy chế xử phạt khi doanh nghiệp không trả lương đúng hạn và bình tĩnh trước mọi vấn đề nhé!