Doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón bùng nổ quý 1, lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ 2021

Mẫn Nhi | 25-04-2022 - 17:34 PM

(Tổ Quốc) - Điển hình nhóm cổ phiếu Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Hà Bắc (DHB), Hóa chất Đức Giang (DGC), Hóa chất Việt Trì (HVT).... đã công bố kết quả BCTC quý 1/2022 ghi nhận lợi nhuận cực "hấp dẫn".

Thời điểm tháng 4, các doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC với nhiều kết quả gây ấn tượng. Trong số đó, không thể không kể đến ngành phân bón, hóa chất với doanh thu tích cực, LNST gia tăng bằng lần lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cổ phiếu phân bón của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ giá bán Ure cao hơn do nhu cầu tăng đột biến. Giá phân bón phục vụ trong nông nghiệp đang bị đẩy cao do thiếu hụt nguồn cung.

Điển hình nhóm cổ phiếu Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Hà Bắc (DHB), Hóa chất Đức Giang (DGC), Hóa chất Việt Trì (HVT).... đã công bố kết quả BCTC quý 1/2022 ghi nhận lợi nhuận cực "hấp dẫn".

Hưởng lợi từ việc Nga chính thức dừng xuất khẩu phân bón

Theo báo cáo phân tích gần đây của Mirae Asset, Nga đã chính thức dừng xuất khẩu phân bón. Năm 2021, Nga đang là quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn. Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón với kỳ vọng cả sản lượng và giá bán đều có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ trên thế giới.

Các chuyên gia Mirae Asset đánh giá tích cực cho DGC khi là doanh nghiệp dẫn đầu ngành hóa chất. Trong quý 1/2022 giá phốt pho vàng trên thế giới có sự giằng co nhưng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao. Việc Trung Quốc giảm dần các sản phẩm công nghiệp nặng, cũng như đóng cửa một phần dưới ảnh hưởng của Covid đã làm giảm nguồn cung dài hạn cho nhiều mặt hàng.

DCM và DPM là 2 doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực phân bón và hóa chất. Trong đó, nhà máy Đạm Cà Mau công suất đạt 800 ngàn tấn/ năm, doanh thu Ure tiêu thụ chiếm đến 72% doanh thu DCM năm 2021. DPM là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất (NH3, UFC 85, CO2) phục vụ mảng dầu khí. Trong đó, nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất đạt 800 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 40% nhu cầu đạm cả nước.

Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 474.268 tấn (tăng 42,6% so với cùng kỳ), thu về gần 307 triệu USD.

Các doanh nghiệp phân bón, hóa chất báo lãi tăng vọt, tính bằng lần so với cùng kỳ

Là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu photpho vàng, giá photpho tăng cao giúp DGC tăng nhanh lợi nhuận, Hóa chất Đức Giang (DGC) báo lãi quý 1 đạt 1.507 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử, tăng 418% so với cùng kỳ. Năm 2022, Hóa chất Đức Giang lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 39% so với thực hiện năm trước. Như vậy, tính hết quý 1 doanh nghiệp Hóa chất đã thực hiện được lần lượt 30% và 43% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón bùng nổ quý 1, lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ 2021 - Ảnh 1.

Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) báo lãi quý 1/2022 cao gấp 3 lần cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán tăng mạnh, hoàn thành 56% kế hoạch năm. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt gần 483 tỷ đồng, tăng trưởng gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái (37 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của CSV đạt 1.553 tỷ đồng, trong đó hơn 244 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; hơn 370 tỷ đồng hàng tồn kho. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối quý 1 đạt hơn 282 tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã công bố, HĐQT CSV dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 1.742 tỷ và LNTT hơn 251 tỷ đồng Như vậy chỉ sau 1 quý đầu năm, Hóa chất Cơ bản miền Nam đã hoàn thành 28% mục tiêu doanh thu và gần 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đồng thời, Hóa chất Việt Trì (HVT) quý 1 báo lãi 36 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ 2021. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 297 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng cao nhưng nhờ lãi gộp lớn nên kết quả, LNST đạt 36 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2021. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá bán và sản lượng tiêu thụ tăng mạnh.

Được biết, năm 2022 Hóa chất Việt Trì (HVT) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm 2021. Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1 HVT đã hoàn thành được 56% chỉ tiêu lợi nhuận.

Mới đây, TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2022. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.829 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với kết quả cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Đạm Phú Mỹ lãi trước thuế 2.522 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng – gấp 12 lần so với số lãi 179 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2021; trong đó LNST của công ty mẹ đạt 2.114 tỷ đồng.

Theo giải trình, DPM cho biết giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh trong quý 1/2022 dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng.

Doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón bùng nổ quý 1, lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ 2021 - Ảnh 2.

Trong một báo cáo ước tính KQKD Quý 1/2022 của SSI Research, DPM ước tính LNST đạt 1.800 tỷ đồng (tăng 10 lần so với cùng kỳ) trong quý 1/2022. Như vậy với KQKD được DPM công bố, thực tế những gì DPM làm được là vượt dự báo của SSI nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tăng cao.

Không ngoại lệ, CTCP DAP – Vinachem (mã chứng khoán DDV) công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với nhiều thông tin khá bất ngờ về kết quả kinh doanh. Doanh thu thuần trong quý đạt 863 tỷ đồng, tăng 36,5% so với quý 1/2021. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn chỉ 24% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 183 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Trừ thêm các chi phí phát sinh, quý 1/2022 DAP Vinachem báo lãi trước thuế gần 146 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với số lãi 35,5 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2021. DAP Vinachem cho biết nguyên nhân chính dẫn tới doanh thu và lợi nhuận tăng do giá bán tăng mạnh.

Một cổ phiếu phân đạm khác gia tăng lợi nhuận với đơn vị hàng nghìn tỷ phải kể đến Phân Đạm và Hóa Chất Hà Bắc (DHB). Cụ thể, DHB đã công bố BCTC riêng Quý 1/2022 với doanh thu thuần BH và CCDV tăng 98% đạt 1.946 tỷ đồng so với thực hiện quý 1/2021 (981 tỷ đồng). Đáng chú ý, mặc dù doanh thu tăng trưởng cao nhưng giá vốn hàng bán lại đi lùi 11%, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng kỷ lục đạt 1.089 tỷ đồng, gấp hơn 54 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Giảm trừ các chi phí, lãi sau thuế của DHB ghi nhận mức cao nhất từ khi hoạt động 868 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 249 tỷ đồng. Như vậy quý 1/2021, lãi ròng của DHB đã bùng nổ khi tăng hơn 1.117 tỷ đồng. 

Theo giải trình của Đạm Hà Bắc, giá bán và doanh thu bán hàng tăng trưởng mạnh do diễn biến thị trường thuận lợi. Giá Ure, NH3 thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, SSI Research cũng công bố ước tính KQKD quý 1/2022 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã CK: DCM) tăng trưởng mạnh. Cụ thể, SSI ước tính LNST quý 1/2022 của DCM đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 6,6 lần so với cùng kỳ) nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Hiện, DCM chưa công bố BCTC Quý 1, công ty đang trình kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng cho cuộc họp ĐHCĐ diễn ra vào ngày 26/04 tới đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.