Thoát vốn bến xe Đà Nẵng sau 10 năm đầu tư không hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này. Sau khi thỏa thuận với Tập đoàn DLGL, mới đây VietinBank ra thông báo xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm của doanh nghiệp này.
Theo đó, tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng.
Giá bán, chuyển nhượng tối thiểu được VietinBank đưa ra là gần 48,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của DLG tại VietinBank. Thời gian thực hiện và thanh toán nợ vay là trong tháng 9/2022.
Tài sản có đảm bảo được VietinBank thông báo là Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng, do Tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa. Bến xe này được khởi công xây dựng vào năm 2008, đến năm 2012 khai trương đi vào hoạt động.
Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân và vướng mắc về quy hoạch phân luồng, phân tuyến vận tải nên 10 năm qua, bến xe này gần như bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng, lãng phí tài sản và đất đai…
DLGL nói gì về tái cấu trúc công ty con?
Nói về việc sắp chia tay Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Tường Cọt- Tổng Giám đốc DLGL cho biết, việc thoái vốn và chuyển nhượng tại các công ty con là bước đi trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của DLG, lần lượt rút lui khỏi các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Đây là việc làm thường thấy ở các công ty, tập đoàn không chỉ ở nước ta mà cả các quốc gia khác trên thế giới, qua đó giúp doanh nghiệp giảm nợ ngân hàng, giảm chi phí tài chính doanh nghiệp. Sau khi cùng với ngân hàng xử lý, tái cấu trúc xong Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng, điều này có lợi cho DLGL.
"Về Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng, mới đây có một tờ báo đưa tin, giật tít "VietinBank siết nợ Đức Long Gia Lai, rao bán dự án rộng 3.800m2 tại Đà Nẵng". Cách giật tít, câu view như vậy là thiếu chính xác, thiếu khách quan, không đúng với bản chất sự việc. Điều này gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ đông, cán bộ- nhân viên- người lao động của công ty, đồng thời gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Rất mong cơ quan báo chí công tâm, khách quan, thông tin đúng sự thật về bản chất sự việc", ông Nguyễn Tường Cọt chia sẻ thêm.
Bức tranh hiện tại của DLG
Mặc dù vẫn còn đó dư âm của đại dịch Covid-19, tình hình xung đột giữa Nga- Ukraina, những tháng gần đây thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nặng nề, thị trường bất động sản có thời điểm gần như tê liệt, nhưng dòng tiền của DLG ngày càng khả quan.
Nguồn thu từ thủy điện, điện mặt trời tăng vượt trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng tiền từ 4 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các khách sạn, đặc biệt khách sạn ở TP. Đà Nẵng từ tháng 5 đến nay vượt bậc.
Về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện tử ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam tuy có sụt giảm doanh thu nhưng lợi nhuận vẫn đảm bảo theo kế hoạch đề ra...
Trong thời gian tới, Tập đoàn của ông Bùi Pháp tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp theo phương châm "làm đến đâu, chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả đến đó"; nhưng cần thêm thời gian chứ không phải một sớm một chiều.
Trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, DLGL kiên định các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mũi nhọn: năng lượng, bất động sản nhà ở, hạ tầng thu phí BOT, sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, khách sạn nhà hàng và khu nghỉ dưỡng.