Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’

| 05-06-2023 - 20:13 PM

Có tận mắt nhìn thấy những căn nhà, những gian bếp mới thực sự cảm thấy sức bền bỉ và ý chí của những người vợ, người mẹ vùng cao.

Trong chuyến công tác cùng tập đoàn TH true MILK và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) tới huyện Bắc Hà vào những ngày cuối tháng 5, nhiều người ngỡ ngàng vì trung tâm một huyện miền núi, cách thành phố Lào Cai khoảng 70km đang được sửa sang hạ tầng. Những chiếc xe cần cẩu ngày đêm thi công, mở rộng đường xá. Một người dân ở đây kể rằng, có một bệnh viện 200 giường đang được xây dựng ở cách thị trấn không xa.

Thế nhưng, chỉ cần chạy xe thêm chừng 4 – 5 km nữa, tới địa phận xã Thải Giàng Phố, những nét nguyên sơ nhất về một vùng núi cao lại hiện ra trước mắt với những con dốc dài và những khúc cua. Theo lời giới thiệu của người dẫn đường, Thải Giàng Phố được đặt tên theo tiếng địa phương, có nghĩa là "mặt trời mọc". Vùng đất này được bao quanh bởi những ngọn núi, quang cảnh thoáng đãng, là nơi đón ánh mặt trời mọc đầu tiên tại Bắc Hà.

Thải Giàng Phố là một xã khó khăn ở huyện Bắc Hà, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 73,82% và đa phần là dân tộc thiểu số. Những năm vừa qua, bà con nơi đây đã nhận được sự quan tâm của ngành, các cấp, chính quyền địa phương, với nhiều chương trình hỗ trợ theo Nghị định 20, trẻ em dưới 3 tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng (với các hộ nghèo, cận nghèo), người cao tuổi trên 75; Quyết định 861 hỗ trợ về khám, chữa bệnh, các chính sách về học tập và còn rất nhiều nội dung khác cho hộ nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đến nay, cuộc sống của nhiều người vẫn gặp khó khăn, nhất là phụ nữ và trẻ em.

"Em muốn các con sẽ được đi học đến đại học"

Sùng Thị Pua thu hút mọi ánh nhìn trên sân khấu nhà văn hóa xã Thải Giàng Phố, cô tô son, đeo chiếc vòng bạc lấp lánh, hòa mình vào điệu nhảy truyền thống. Nhưng chỉ một tiếng sau đó, cô trở về căn nhà cách nơi biểu diễn chỉ vài bước chân. Hai đứa con ngồi trên giường, lộ rõ gương mặt háo hức khi được mẹ bóc cho hộp sữa mà cô bác vừa tặng.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 1.

Ngôi nhà của mẹ con Pua

Nhìn hai đứa trẻ, một 7 tuổi, một 9 tuổi với đôi mắt tròn vo, thơ ngây, không ai nghĩ chúng là con của cô gái mới chỉ vừa bước sang tuổi 25. Pua không ngại ngần kể, cô là một trường hợp tảo hôn ở xã Thải Giàng Phố. "Chồng bằng tuổi em. Năm em 15 tuổi, nhà chồng đến hỏi thế là bố mẹ cho em đi, lúc đó được gả đi, em chưa hiểu chuyện gì. Sau đó chúng em liên tiếp sinh 2 cháu và chung sống với nhau từ đó đến nay".

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 2.

Ngôi nhà gỗ nhìn xuống thung lũng được hỗ trợ dựng cách đây vài năm. Nhà chia làm 2 gian, một bên kê giường, một gian là chỗ nấu nướng và nhà tắm. Mỗi tháng, mẹ con Pua chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền điện và số tiền đó cũng được tài trợ.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 3.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 4.

Bên trong ngôi nhà của mẹ con Pua

Từ 3-4 năm nay, khi những khu công nghiệp nổi lên ở các tỉnh, thành khác, vợ chồng Pua theo xuống đó làm ăn. Cả một năm trời đi làm xa, vợ chồng Pua tích cóp mua được một chiếc xe máy. Và đây cũng chính là tài sản giá trị nhất của cặp vợ chồng. "Có xe máy, chúng em đèo nhau đi từ nhà xuống Vĩnh Phúc. Em chưa từng tính quãng đường, chỉ nhớ rằng, hai vợ chồng đi từ giữa trưa thì trời vừa tối là sẽ tới nơi".

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 5.

Tuy nhiên, con cái nheo nhóc, ông bà và các cô giáo ở trường không lo được hết. Chẳng còn cách nào khác, Pua đã quyết định về hẳn từ 2 tháng nay, trở lại với công việc đồng áng, chăn nuôi, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. "Công việc tay chân tuy vất vả nhưng em muốn có thêm nhiều thời gian chăm sóc cho các con. Để các con đi học về có bữa cơm no. Em cũng muốn 2 đứa có thể đi học đại học, không như em ngày trước", Pua nói.

"Con ước năm nào cũng được học sinh giỏi, được lên sân khấu biểu diễn"

Trong buổi diễn văn nghệ chào mừng đoàn đại biểu, có một cô bé da trắng, môi đỏ, theo mẹ lên sân khấu thể hiện bài dân vũ. Hỏi ra, đó là cô con gái lớn của Vừ Thị Mủa. Khi biết người ngồi cạnh bằng tuổi mình, Mủa hỏi: "Mày có chồng chưa?" – "Mình chưa cưới nữa" – "Bằng tuổi mày tao có 3 đứa con rồi đây này".

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 6.

Trước ánh mắt ngạc nhiên của người đối diện, Mủa bảo: "Tao không lấy chồng sớm đâu, năm 18 tuổi tao mới lấy, nhưng khi ấy chồng tao 15 tuổi. Ở đây 18 tuổi như tao là cưới chồng muộn rồi".

Tới thăm nhà vào đầu giờ chiều, lúc mặt trời còn nắng gắt nhưng chỉ có bốn mẹ con và người em chồng ở nhà, chồng Mủa đi chăn trâu từ sáng.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 7.

Con đường dẫn lên nhà Mủa

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 8.

Trước kia, chồng Mủa đi làm ở khu công nghiệp dưới thành phố, song, từ khi dịch bệnh, hai vợ chồng, con cái đều ở nhà và không có thu nhập. Đôi vai của cô gái 27 tuổi không chỉ nuôi 3 con nhỏ mà còn cả 2 người em chồng đang ở tuổi đi học."Vợ chồng mình trồng lúa, trồng rau và nuôi một vài con gà nhưng nhà có tới 6 miệng ăn. Hai đứa lớn đi học mẫu giáo và tiểu học, mỗi năm tốn khoảng 700.000 - 800.000 đồng, được mọi người tạo điều kiện, có thể đóng dần hoặc tiết kiệm tiền rồi đóng vào cuối năm".

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 9.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 10.

Bên trong ngôi nhà nhỏ của Mủa. Chiếc ti vi được bố chồng cho từ vài năm trước đã không còn xem được.

Cô con gái lớn của Mủa khoe với chúng tôi: "Năm nay con được học sinh giỏi, được lên sân khấu nhận thưởng, còn được cô giáo chọn vào đội diễn biểu diễn văn nghệ. Năm học sau con muốn được lên sân khấu nữa".

Dù ra sao cũng phải tự nuôi mình, để các con còn có tương lai

Để lên thăm được nhà của bà Vừ Thị Thào, đoàn tốn chừng 30 phút leo bộ qua những con đường chỉ vừa một người qua lại. Bà Thào kể, bà có 2 con, người con gái đã đi lấy chồng, con trai đi làm.

Phụ nữ vùng cao quanh năm tảo tần, từ khi còn trẻ đến nay, bà Thào vẫn ngày ngày quần quật làm ruộng, chăn gà, nuôi lợn, lo từng bữa ăn.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 11.

Bà Vừ Thị Thào chia sẻ câu chuyện gia đình mình với đại diện Quỹ Vì tầm vóc Việt.

Được biết, căn nhà bà Thào đang ở được dựng lên nhờ sự hỗ trợ từ một chương trình vay vốn, giúp đỡ người dân vùng cao của địa phương từ năm 2009. Khuất ở một góc trong ngôi nhà mái ngói là chiếc tủ lạnh đời cũ mà nếu không có thanh gỗ chặn thì cánh tủ sẽ cứ… tự động mở. Trên chiếc cột gỗ giữa nhà treo một tấm bằng với nội dung chứng nhận học viên có thành tích tốt nhất của lớp dạy nghề xăm. Dường như con trai của bà Thào đã bỏ nhiều công sức để mang về tấm bảng này. Song, ở cái nơi núi cao phủ đầy rêu phong, người con trai sinh năm 2004 tạm lại đam mê để đi làm nhân viên giao hàng ở thành phố Lào Cai.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 12.

Từ căn nhà của bà Thào, chúng tôi nhìn ngước lên trên phía rừng thông, chuồng lợn được bà dựng cao hơn hẳn so với khu vực nhà ở. Để đến nơi đó, còn phải leo thêm chừng 15 bậc đá phủ rêu phong. Một người trong đoàn xém chút là trượt chân nếu không bám kịp vào cây tre bên cạnh. Hai con lợn, một to một nhỏ, dường như được bà Thào đặt cả tâm tư, chăm chút rất kỹ từ mái che, máng nước và chỗ ở sạch sẽ. Cũng đúng thôi, bởi nếu chúng to, khỏe thì bà sẽ bán được giá, bữa cơm sẽ có thịt…

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 13.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 14.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 15.

Chung tay đem nguồn sáng tới "vùng đất mặt trời mọc"

Có lên vùng cao, tận mắt nhìn thấy những căn nhà, những gian bếp của họ, mới thực sự cảm thấy sức bền bỉ và ý chí của những người phụ nữ nơi đây. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, dường như, bóng dáng người đàn ông trong gia đình chỉ xuất hiện qua lời của vợ, của mẹ. Nhưng những người phụ nữ ấy, họ đều kể về hiện tại với giọng điệu lạc quan. Những mong ước giản dị và tốt đẹp nhất của họ đều dành cho con cái, họ muốn chúng sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Mong muốn chung tay cùng các cấp, ngành, chính quyền địa phương, Tập đoàn TH và Quỹ Vì tầm vóc Việt đã lựa chọn xã Thải Giàng Phố để triển khai dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng". Mục tiêu của dự án là từng bước xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và một số vấn đề giới nổi cộm tại địa phương; Cải thiện sinh kế cho các phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng. Dự án cũng nhằm xây dựng nhóm nòng cốt thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em tại địa phương. Trong năm đầu của dự án, 15 hộ gia đình được hỗ trợ vốn vay để cải thiện sinh kế với nguồn quỹ gây được từ chiến dịch "Tô cam cùng TH" diễn ra cuối năm 2022.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 16.

Với thông điệp "Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam", chiến dịch "Tô cam cùng TH" gồm nhiều hoạt động nhằm truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho các nạn nhân, trong đó đáng chú ý là xây dựng Quỹ hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn – mong muốn cải thiện sinh kế và thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong thời gian 1 tháng diễn ra chiến dịch, đã có 238.000 sản phẩm màu cam của TH được bán ra, với mỗi sản phẩm TH màu cam được mua tại một trong 15 cửa hàng trong chương trình, Quỹ Vì tầm vóc Việt đóng góp 630 đồng cho Quỹ hỗ trợ vốn vay ý nghĩa này. 630 là con số nhắc nhớ người tiêu dùng về tỷ lệ đáng báo động 63% phụ nữ Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình của họ trong đời.

Sáng 29/5, sự kiện khởi động dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" đã được tổ chức tại nhà văn hóa xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Có 15 phụ nữ được vay vốn với mỗi khoản vay trị giá 10 triệu đồng được hỗ trợ cho các gia đình chị em phụ nữ với lãi suất 0% và vận hành xoay vòng.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 17.

15 hội viên hội phụ nữ được trao gói vốn vay hỗ trợ sinh kế hộ gia đình.

Chia sẻ khi nhận được số tiền này, Pua muốn nuôi thêm 4 con lợn nữa, là sang kỳ học mới, sẽ có tiền đóng học cho 2 đứa con, để chúng không còn vì nhà nghèo mà không được đi học như mình.

Mủa cũng vậy, cô muốn đứa con gái của mình mỗi khi đi nhảy múa cùng các bạn sẽ được mặc những bộ đồ đẹp, đồ mới, có một đôi giày thật êm, không phải cố nhích chân vào chiếc giày búp bê đã chật, cũng không vì mê đồ đẹp mà "nhỡ đâu bị người ta lừa bán sang biên giới". Mủa chưa nuôi lợn lần nào, nhưng cô muốn học tập chị em trong thôn, để 3 đứa con và cả hai người em đều được học đến lớp 12.

Còn bà Thào mong ước, nhận số tiền 10 triệu đồng, bà sẽ sửa sang cho đàn lợn nhà mình một "ngôi nhà" rộng rãi hơn, cho chúng ăn no hơn để sớm bán được giá, cuộc sống bớt khó khăn, sẽ không là gánh nặng cho con cái.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Bắc Hà đánh giá cao ý nghĩa của dự án và cho biết đây là mô hình thiết thực và hiệu quả để góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Bà Nga cũng cam kết sẽ chỉ đạo cán bộ phụ nữ và các ban ngành địa phương hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình tận dụng hiệu quả nguồn vốn của dự án.

Điều ước của những người phụ nữ nơi ‘vùng đất mặt trời mọc’ - Ảnh 18.

Các lãnh đạo, đại diện hội phụ nữ xã Thải Giàng Phố và huyện Bắc Hà có mặt trong ngày đặc biệt.

Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt cho biết: "Chúng tôi mong số lượng hội viên phụ nữ nhận được sự hỗ trợ của quỹ vốn vay sẽ không dừng lại ở con số này, mà sẽ được nhân lên qua các năm, và trở thành động lực, thành một mô hình hiệu quả và được nhân rộng tại huyện Bắc Hà cũng như tại các địa phương khác trên cả nước".

Ngoài cho phụ nữ vay vốn, dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" của tập đoàn TH và Quỹ Vì tầm vóc Việt sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lào Cai và Hội LHPN huyện Bắc Hà thực hiện các hoạt động tập huấn, hội thảo cho phụ nữ và trẻ em về mô hình cải thiện sinh kế hộ gia đình, về quyền trẻ em và phòng chống tảo hôn, bỏ học, lao động sớm và về bình đẳng giới.

***Tên các nhân vật đã được thay đổi

Thực hiện: Hạnh Mỹ, Ảnh: Việt Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.