Smartphone đã ngày càng trở nên bền bỉ hơn khi được nghiên cứu chế tạo với các kiểu dáng và nguyên liệu đột phá. Tuy nhiên, độ cao trong các màn thử nghiệm thả rơi (drop test) thường chỉ là 1 tới 2 mét. Khi rơi từ độ cao lớn hơn, chúng thường không thể giữ nguyên được hình dáng và công năng ban đầu.
Tuy nhiên, một sự việc xảy ra gần đây ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc có thể thay đổi quan niệm này.
Được chia sẻ rầm rộ trên mạng Internet, đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ đã đánh rơi chiếc iPhone 12 Pro của mình từ tầng 26. Chiếc điện thoại của hãng Apple nhanh chóng lao xuống và cắm ngược vào phần bệ chìa ra ở tầng 2 bên dưới, thu hút sự chú ý của những người xung quanh.
Qua những gì thể hiện trên video, người xem có thể thấy 1/3 chiếc điện thoại đã cắm vào "sàn bê tông" nhưng không có dấu hiệu bị vỡ màn hình. Sau khi kêu gọi người hỗ trợ, một nhân viên làm việc tại tòa nhà đã leo lên tầng 2 để giúp cô lấy chiếc điện thoại di động ra. Sau khi nhận lại được chiếc iPhone, người phụ nữ đã thấy cả màn hình và ngoại hình của nó đều không bị hư hại. Thậm chí nó vẫn có thể bật lên để hoạt động bình thường.
Tại sao nó vẫn còn có thể nguyên vẹn sau khi rơi từ tầng 26? Nhiều cư dân mạng cho rằng đây là một video dàn dựng. Tuy nhiên, câu trả lời đã có sau đó không lâu.
Hóa ra, tấm nền ở tầng 2 trông xù xì như bê tông thực chất lại là một lớp xốp cách nhiệt khá dày làm bằng hạt Polystyrene. Tình cờ, chiếc iPhone đã rơi thẳng đứng và cắm ngập vào đó, nên nó đã may mắn "được cứu sống". Cảnh chiếc iPhone được rút ra khỏi lớp “bê tông” dày kèm theo các hạt xốp nhỏ đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Ngoài ra, mặt trước của iPhone 12 Pro sử dụng công nghệ Ceramic Shield, là mặt kính được làm từ tinh thể gốm với kích thước nano. Bên cạnh đó, dòng iPhone 12 Pro cũng sử dụng bộ khung nhôm chuyên dụng cho ngành hàng không vũ trụ. Đây cũng có thể là một trong những yếu tố then chốt dẫn đến việc không bị phá hủy của chiếc điện thoại này.
Tấm cách nhiệt như trong video thường được làm từ hạt polystyrene thô ép lại với nhau. Chúng có sức "đề kháng" tốt trước các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như mưa nắng, với mục đích chính nhằm bảo vệ cấu trúc bên dưới, giúp kéo dài tuổi thọ của tòa nhà.
Tham khảo mydrivers, NetEase