Điểm 10 duy nhất, ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên và ca mổ tim khó nhất khiến GS Đặng Hanh Đệ sửng sốt

Ngọc Minh | 27-02-2020 - 09:57 AM

(Tổ Quốc) - Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi xin gửi tới độc giả câu chuyện về 1 nhóm bác sĩ trong lĩnh vực tim – mạch và ghép tạng do chính người thầy của họ - GS. Đặng Hanh Đệ kể.

Điểm 10 hy hữu trong cuộc đời

Gần 50 năm làm công tác đào tạo, GS Đặng Hanh Đệ giảng dạy cho rất nhiều lứa học trò ưu tú. Họ đều là những bác sĩ có tên tuổi và dấu ấn trong ngành y.

Người học trò mà GS. Đệ vẫn luôn ấn tượng trong suốt thời gian gần 50 làm công tác đào tạo bác sĩ là cậu học trò Bùi Đức Phú, Nguyên giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam. Anh được mệnh danh là "Đôi bàn tay vàng" của Hội ngoại khoa Việt Nam, là người trực tiếp thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam do người Việt thực hiện vào năm 2011.

Thời còn là sinh viên cậu học trò Bùi Đức Phú chỉ là một cậu học trò bình thường, không có quá nổi bật nên giáo sư Đệ cũng không chú ý tới. Nhưng anh Phú đã khiến cho thầy mình hết sức "sửng sốt" từ một bài thi tốt nghiệp.

Bài thi năm đó của bác sĩ Bùi Đức Phú đã được GS. Đệ cho 10 điểm. Đây cũng là điểm 10 duy nhất mà GS Đệ đặt bút chấm trong suốt gần 50 giảng dạy của mình. 

GS. Đệ tâm sự: "Khi chấm thi, tôi không biết bài đó của ai vì đã được rọc phách, nhưng thấy bài quá hay nên tôi đã đọc cho toàn bộ hội đồng chấm thi. Quả nhiên, mọi người ai cũng giống suy nghĩ của tôi thấy bài thi đó quá xuất sắc

Tôi cho bài thi đó điểm tuyệt đối. Sau này, khi đã về hưu, tôi nghĩ lại trong cả cuộc đời của mình, chỉ chấm duy nhất một điểm 10 đó".

Điểm 10 duy nhất, ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên và ca mổ tim khó nhất khiến GS Đặng Hanh Đệ sửng sốt - Ảnh 1.

Lần đầu tiên trong gần 50 giảng dạy GS. Đệ mới chấm 1 điểm 10 duy nhất.

Cậu học trò Bùi Đức Phú năm đó đã tốt nghiệp với số điểm cao nhất khoá. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Phú về công tác tại khoa Ngoại, Bệnh viện Trung ương Huế, sau đó lên làm giám đốc bệnh viện.

GS. Đệ rất tự hào vì cậu học trò của mình đã có nhiều đóng góp cho ngành phẫu thuật ghép tim và làm được nhiều việc ông ấp ủ nhưng chưa có đủ điều kiện để thực hiện.

Năm 2011, bác sĩ Phú đã thực hiện ca phẫu thuật ghép tim trên người đầu tiên do chính ê kíp người Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ca phẫu thuật này đã đưa Việt Nam lên bản đồ ghép tim thế giới.

Bác sĩ Phú ngày càng khẳng định được tài năng của mình khi thực hiện ca cấy tim nhân tạo đầu bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam. Ca mổ được thực hiện trong 5 giờ và rất thành công. Quả tim nhân tạo hoạt động rất hiệu quả, bệnh nhân hồi phục tốt.

GS. Đệ chia sẻ: "Nhờ những đóng góp của mình đối với ngành y, anh Phú đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới".

Người học trò khác khiến cho GS. Đệ ấn tượng không kém bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức, nguyên Giám đốc trung tâm Ghép tạng, người chỉ huy trưởng ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Trong trí nhớ của GS Đệ cậu học trò Tiến Quyết là lớp trưởng của lớp Y6, rất trách nhiệm và chu đáo với những công việc thầy giao cho.

Điểm 10 duy nhất, ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên và ca mổ tim khó nhất khiến GS Đặng Hanh Đệ sửng sốt - Ảnh 2.

GS. Đệ đặt niềm tin rất lớn vào cậu học trò Nguyễn Tiến Quyết.

Khi cậu học trò Tiến Quyết ra trường có hỏi thầy mình nên xin về đâu công tác, GS. Đệ đã khuyên học trò xin về Đại học Y Hà Nội nhưng không được.

Sau đó, bác sĩ Quyết đã về làm tại Bệnh viện Việt Đức và được đi học tại Đức. "Tôi đánh giá rất cao anh Quyết vì tôi thấy được anh là một người có tâm với nghề. Cậu học trò đó nổi tiếng là người quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với thử thách. Đúng như những gì tôi kỳ vọng Quyết đã dần tiến bước và thành công, tạo ra những dấu mốc quan trọng cho ngành ghép tạng tại Việt Nam", GS. Đệ nói.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết đã trở thành người đầu tiên đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam với ca ghép gan thành công từ người cho chết não đầu tiên. Trước khi quyết định ca ghép gan này, cậu học trò Tiến Quyết đã được nhiều người gàn đừng đánh đổ danh tiếng, sự nghiệp để gánh trọng trách nặng nề.

"Quyết là một người có tâm và có năng lực nên cậu ấy đã làm được những điều có ý nghĩa lớn cho ngành ghép tạng Việt Nam. Sự thành công của Quyết tôi thấy rất xứng đáng và tự hào", GS. Đệ nói.

Người mổ những ca tim khó nhất Việt Nam khiến thầy phải khâm phục

Với GS. Đệ, những thành công của những học trò ông từng dạy là nhờ sự cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân và tiến xa hơn trong nghề y. Trong những học trò ông từng dạy thì người ông cảm thấy khâm phục là GS.Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức.

Điểm 10 duy nhất, ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên và ca mổ tim khó nhất khiến GS Đặng Hanh Đệ sửng sốt - Ảnh 3.

GS. Đệ chụp ảnh cùng bác sĩ Ước và cán bộ tại Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện việt Đức (Tết 2020, ảnh NVCC).

GS. Đệ ấn tượng mãi bác sĩ Ước là một người rất nghị lực, đi lên từ những khó khăn vất vả. Cậu học trò Hữu Ước khi về khoa tim mạch còn chưa biết mổ tim hở là như thế nào. Nhưng không vì thế mà bác sĩ Ước từ bỏ đam mê chinh phục thử thách. Giờ đây anh trở thành một chuyên gia mổ tim, ghép tạng hàng đầu Việt Nam thực hiện rất nhiều ca khó bạn bè thế giới phải ghi nhận

"Trước đây, tôi và thầy Tôn Thất Tùng rất muốn ghép gan, tim nhưng chưa làm được. Anh Ước đã thực hiện được những giấc mơ của tôi. Các ca ghép tim – phổi của Việt Đức phần lớn từ Trung tâm của anh Ước quản lý", GS. Đệ nói.

Hồi đầu khi mới thực hiện được ca ghép tim đầu tiên, cậu học trò Hữu Ước nửa đêm vẫn gọi điện báo tin mừng cho thầy mình. Trong công việc, anh Ước là người rất đam mê và nhiệt huyết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM