'Địch thủ' Covid-19 nay đã khác: 3 nguy cơ, 6 nguyên tắc ai cũng phải luôn nhớ dù mốc 15/4 sắp đến

Ngọc Anh | 13-04-2020 - 10:34 AM

(Tổ Quốc) - Theo BS Trương Hữu Khanh, Việt Nam đang ở thời kỳ nguy hiểm dù số ca mắc Covid-19 đã giảm. Mỗi người vẫn phải tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm túc để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Nguy cơ không thể hình dung

Thời gian gần đây, con số mắc Covid-19 ở Việt Nam đã giảm hơn trước, các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Theo chỉ thị 16 của Chính phủ Việt Nam cách ly xã hội tới 15/4 và sắp hết ngày cách ly, xã hội đã có tâm lý "xả hơi".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP. HCM cho biết trận chiến này tuy ít ca nhưng không hình dung được nguồn lây nằm ở đâu. Một bệnh nhân tai nạn giao thông, 1 người đưa vợ đi khám bệnh, 1 người ở xa BV Bạch Mai... đều là những trường hợp mắc Covid-19 có nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nhất là nếu xã hội chủ quan.

Theo bác sĩ Khanh, có 3 nguy cơ hiện hữu mà chúng ta cần nhìn nhận.

Thứ nhất, hiện nay nguy cơ của Việt Nam là những người F1 xuất viện, người trong khu cách ly về cộng đồng. Theo quy định người cách ly tập trung vẫn cần phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày để cắt hẳn nguy cơ. Những người cách ly này đa số đều là người trẻ nhưng nếu không tuân thủ quy định tự cách ly mà đi thăm người lớn tuổi - đây là nguy cơ rất lớn.

Nguy cơ dịch xâm nhập từ các nước khác như Lào, Campuchia, Châu Âu, Mỹ... Dự đoán phải sang quý 3 tình hình dịch trên thế giới mới tạm ổn và Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng nguy hiểm.

Địch thủ Covid-19 nay đã khác: 3 nguy cơ, 6 nguyên tắc ai cũng phải luôn nhớ dù mốc 15/4 sắp qua - Ảnh 1.

Người dân hết sức cảnh giác vì địch thủ Covid-19 đang ẩn mình trong cộng đồng

Thứ hai, nguy cơ nằm ở thói quen "túm năm, tụm ba" của người dân không kiểm soát được. Đầu tiên là ở bệnh viện, nơi đây nhiều người tụ họp rồi lại tản ra tứ xứ. Bệnh viện là nơi cần phòng thủ chặt chẽ nên phải đề phòng nguy cơ này.

Những quán bar, quán cafe, karaoke... cũng luôn phải kiểm soát được, vì khách tới từ rất nhiều nơi.

Địch thủ Covid-19 nay đã khác: 3 nguy cơ, 6 nguyên tắc ai cũng phải luôn nhớ dù mốc 15/4 sắp qua - Ảnh 2.

Những nơi khó kiểm soát cần tuân thủ khai báo và phòng thủ dịch bệnh

Thứ ba, công ty, cơ quan, công sở cần kiểm soát, khai báo y tế thật tốt. Nếu hết cách ly mà xả ra đi khắp nơi sẽ rất nguy hiểm. Không nên tổ chức ăn uống tập thể gần gũi. Chỉ làm không chặt chẽ một chút là vô cùng nguy hiểm.

Bạn làm gì nếu nới lỏng cách ly?

Theo bác sĩ Khanh nếu không cách ly xã hội tiếp thì mỗi người cũng chỉ nên nới lỏng và vẫn kiên định phòng dịch. Bác sĩ Khanh đưa ra 5 nguyên tắc:

Một là, những người làm công việc nhân viên siêu thị, tiếp tân khách sạn, ngành nghề nào cần phải tiếp xúc với người lạ cần phải phòng thủ rất kỹ vì phải tiếp xúc với nhiều người qua lại.

Hai là, tiếp tục giữ khoảng cách, đến chỗ đông người vẫn phải vẽ ra khoảng cách 2 mét, không thể ùn ùn đứng ngồi gần nhau. Nguyên tắc vẫn đeo khẩu trang. Bởi vì hiện giờ nguy cơ không chỉ ở những người đi nước ngoài về, người nước ngoài, mà dịch đã lan ra ngoài cộng đồng cần coi tất cả những người mình tiếp xúc đều có nguy cơ.

Ba là, khi đi làm, đi có việc xong việc là về không nên "túm năm, tụm ba". Trong cơ quan của mình chỉ thảo luận công việc chứ không "tám chuyện" trực tiếp. Có thể tám chuyện online…

Bốn là, ở ngoài về nhà việc đầu tiên quan trọng nhất là rửa tay trước khi động chạm vào bất cứ đồ vật nào trong nhà. Đeo khẩu trang là vật bất ly thân. Có thể mang thêm kính chắn giọt bắn. Vì hiện nay "địch thủ" đã khác xưa rồi, nên cần kiên quyết tự bảo vệ mình. Hãy chờ đợi khi nước ngoài không có dịch mới có thể trở lại như trước.

Năm là, nếu trong gia đình có 1, 2 người sốt, triệu chứng lạ phải báo cơ quan y tế, lập tức đeo khẩu trang, súc miệng nước muối, không tiếp xúc với ai và cần rà soát lại trong 14 ngày qua mình có tới đâu, có lúc nào không đeo khẩu trang.

Sáu là, bản thân mỗi người phải tự bảo vệ gia đình mình vì nguy cơ "lọt lưới" vào chính gia đình mình hoàn toàn có thể xảy ra. Mỗi người hãy tự trách nhiệm bảo vệ người già trong gia đình. Nếu bạn còn trẻ cứ đi ra ngoài uống cafe, tụ tập thì sẽ mang nguồn lây về chính cho người nhiều tuổi trong nhà.

Rất nhiều bác sỹ, nhân viên y tế họ đều không dám về thăm bố mẹ già. Bác sĩ Khanh hi vọng lớp trẻ cũng cần cố gắng chờ đợi hết dịch mà hãy nghĩ cho cộng đồng, cho gia đình mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM