Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học

Vân Trang | 05-07-2020 - 11:42 AM

(Tổ Quốc) - Bất cứ cuộc thi nào cũng quá khắc nghiệt và không đủ chỗ cho bất kỳ ai được xướng tên giải cao nhất.

Bất kỳ cuộc thi chọn Học sinh Giỏi quốc gia nào cũng khốc liệt như việc bạn tham gia một cuộc chiến, vì đôi khi thi không chỉ cho mình, mà còn cho sự tự hào của bố mẹ, niềm hi vọng của thầy cô. Được chọn đi thi đã là niềm vinh dự to lớn nhưng song hành với nó cũng là những áp lực không tên mà học sinh luôn phấn đấu phải được từ ít nhất giải Ba trở lên.

Tại sao lại như vậy? Vì giải Khuyến khích với học trò chỉ được xem như "cái vỗ tay" cho nỗ lực hàng tháng trời, không được tuyển thẳng vào đại học mong ước. Để ôn thi, học trò phải dành rất nhiều thời gian và công sức cho môn chuyên, phải chấp nhận bỏ bê các môn khác. Đây không khác gì màn đánh cược nếu học sinh đó chỉ giành giải Khuyến khích sẽ phải ôn lại các môn khác trong thời gian vỏn vẹn 2-3 tháng. 

Xoay quanh câu chuyện thi cử này, nhà văn Nguyên Kan từng nhận học bổng Tiến sĩ về Giáo dục ở Pháp đã chia sẻ kỷ niệm thời đi học của mình. Chị từng trượt kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và chỉ nhận được giải Khuyến khích năm lớp 12 khiến việc ôn thi đại học chỉ gói gọn trong 2 tháng. Ở ngưỡng tuổi đó, chị cũng từng đặt câu hỏi liệu việc trượt HSG có là nỗi ám ảnh lâu dài và trở thành thước đo cho sự thành bại của cuộc đời sau này?

Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

"Học sinh giỏi - Chuyện bây giờ mới kể".

Ngày xưa, dưới mái trường phổ thông, mình rất đam mê các cuộc thi học sinh giỏi. Sau những ngày đóng vai học sinh tiên tiến, âm thầm đứng dưới nhìn các bạn nhận giải thưởng cuối năm trên sân khấu, mình bỗng vụt lên thành học sinh giỏi vào năm lớp 9.

Đầu tiên là học sinh giỏi trường, rồi thành phố, rồi tỉnh. Kỳ thi nào mình cũng đứng ở vị trí số 1. Mình vượt qua kỳ thi vào trường chuyên một cách dễ dàng. Mình sung sướng, hãnh diện nhận lời khen ngợi của ba mẹ (cả trước mặt và sau lưng). Mình cảm thấy tự hào vì trở thành niềm tự hào của ba mẹ.

Học ở trường chuyên, dĩ nhiên mình học cùng lớp với những bạn giỏi bằng hoặc hơn mình. Mình luôn âm thầm nỗ lực để giành được vị trí đứng đầu trong lớp. Hào quang là thứ áp lực vô hình. Đó là động lực thúc đẩy mình học, mình không biết như thế là tốt hay không tốt nữa.

Mình liên tục gặt hái những giải thưởng.

Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Năm lớp 11, mình được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia. Hồi đó ở các vòng loại, mình đạt điểm cao nhất. Mình rất tự hào. Và có phần chủ quan.

Kết quả là mình trượt.

Khỏi phải nói, mình đã đau khổ đến thế nào. Bên cạnh đau khổ là cảm giác xấu hổ. Cảm giác tự ti, thua kém, là mặc cảm thất bại. Cảm giác có lỗi với cha mẹ. Mình là đứa mang một tư duy cố định (fixed mindset) điển hình.

Năm lớp 12, mình lại thi tiếp. Mình đặt rất nhiều hy vọng vào kỳ thi này. Một mặt là "phục hồi" danh dự, mặt khác, nếu được ít nhất giải 3, mình sẽ không phải thi đại học. Được vào thẳng, là một đặc ân, vì mình sẽ không tham gia vào kỳ thi đại học khốc liệt, ôn toán, ôn văn, với mình là ác mộng.

Nhưng mình vẫn trượt.

À, thực ra không phải là trượt, mà chỉ được giải Khuyến khích, nghĩa là không đủ điều kiện vào thẳng đại học. Giải Khuyến khích là một giải thưởng tàn nhẫn, một kiểu công nhận rằng, ờ thì bạn cũng giỏi, nhưng chưa đủ. 

Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Đó là một cú sốc cực kỳ lớn. Chưa nói đến mặc cảm thất bại trước bạn bè, thì cảm giác sợ hãi còn lớn hơn. Kỳ thi đại học đang đến gần, nguy cơ trượt hiển hiện ngay trước mắt. Tháng 7 thi mà lúc đó là tháng 4, mình chưa ôn một tí gì cho kỳ thi Đại học. Vì mình đã đặt cược tất cả vào kỳ thi HSG Quốc gia lần này.

Ba mẹ mình còn sốc hơn. Vì ba mẹ mình đã cấm mình tham dự cuộc thi này để tập trung cho kỳ thi Đại học. Vì ba mẹ mình là giáo viên gương mẫu điển hình. Vì mình từng là niềm tự hào của ba mẹ. Vì mình từng là một học sinh đúng chuẩn "con nhà người ta". Viễn cảnh mình trượt Đại học là điều mà ba mẹ mình không dám nghĩ tới.

Chẳng bao lâu sau khi nhận tin trượt kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, mẹ mình còn nhận được 1 tin sốc hơn. Ai đó nói với mẹ mình rằng ở lớp mình toàn làm việc riêng, trong khi các bạn chăm chỉ ôn cho kỳ thi đại học, mình chỉ ngồi chơi? 

Quãng thời gian từ khi biết tin trượt kỳ thi HSG Quốc gia cho đến kỳ thi Đại học là một quãng thời gian đen tối mà rất lâu sau đó, mình vẫn bị ám ảnh. Không muốn nhớ lại cũng không muốn nhắc lại. Nếu không đỗ Đại học chắc mình không sống nổi mất.

Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Bây giờ nhìn lại, mình có học được gì từ thất bại đó? Nói thật, mình không học được thứ gì thành hình từ thất bại. Đó chỉ là một kỷ niệm buồn. Nhưng bây giờ mình cũng không còn thấy buồn nữa. Qua được kỳ thi Đại học là mình hết buồn. Mình vẫn tiếp tục thích thú với các giải thưởng trong những năm học Đại học.

Suy cho cùng, với mình mà nói, trượt học sinh giỏi rốt cuộc cũng chỉ là một nỗi buồn vẩn vơ của tuổi học trò. Tất nhiên, đó từng là một nỗi niềm lớn, thậm chí có lúc nỗi niềm đó đã có thể nhấn chìm mình trong đau khổ. Khi qua rồi, sự thất bại năm ấy chỉ là một sự kiện trong rất nhiều sự kiện của cuộc đời mà thôi. 

Sau kỳ thi đó, mình và những bạn đạt giải trong kỳ thi năm đó đều có những con đường, lối rẽ khác nhau. Bạn chỉ mãi mãi ở phía sau khi bạn ngừng cố gắng. Thất bại chẳng định nghĩa điều gì về bạn cả. Cũng như thành công chẳng dự đoán trước điều gì. Đừng để những thất bại nhấn chìm bạn".

Đi thi HSG QG được giải Khuyến khích: Chỉ mang tính công nhận, không được xét thẳng đại học - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Bởi vậy mới nói, chuyện thắng thua trong kỳ thi học sinh giỏi là điều thường tình. Như tên gọi của cuộc thi, nếu bạn không "học giỏi" hơn đối thủ thì bạn trượt. Vấn đề ở đây, nếu bạn là kẻ chiến bại, bạn sẽ làm tiếp theo? Ở nhà đắp chăn tự kỷ không dám gặp ai, khóc sướt mướt hay mạnh mẽ đứng dậy học tiếp?

Không có cuộc thi nào quyết định bạn là ai vì dù có thắng, nó cũng chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Cuộc đời phải có nốt thắng nốt trầm thì mới có cái kể thế hệ sau. Bây giờ bạn chưa bằng "đối thủ" nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả. Và suy cho cùng, thành công là cách bạn chọn lựa giữa việc tiếp tục đứng lên hay nằm đó ủ rũ như kẻ thất bại. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,