Có người tiêu dùng thông minh, ắt sẽ có nhiều người bán hàng chuyên nghiệp. Dù bạn đã từng mua biết bao sản phẩm, biết nên chọn món này hay chọn món kia, bạn cũng chỉ coi mua sắm là sở thích hoặc để thoả mãn một nhu cầu gì đó. Riêng đối với người bán hàng, việc tư vấn và bán hàng chính là nghề nghiệp của họ. Vì vậy, họ luôn biết cách tìm ra nhu cầu của bạn là gì, thậm chí liên tục kích sale, mua 1 tặng 1… để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Là một người tiêu dùng, tất nhiên chúng ta sẽ rất khó để có thể thoát khỏi cạm bẫy khuyến mãi. Tuy nhiên, cũng không phải không có cách để kìm hãm đam mê mua sắm trong người bạn lại, nhất là giữa mùa bão giá cần thắt chặt chi tiêu như bây giờ.
Dưới đây sẽ là 3 cách cực kỳ đơn giản giúp bạn hạn chế tối đa cho việc chi tiêu vào những khoản không cần thiết.
1. Đừng bao giờ động đến ứng dụng mua sắm vào đêm khuya
Có một lời khuyên mà những người từng trải đã đúc kết được, chính là: “Đừng bao giờ chốt đơn lúc hai giờ sáng.” Và lý do khiến bạn lượn lờ trên các ứng dụng nền tảng mua sắm vào giờ đấy chính là do bạn không buồn ngủ hoặc do đang đói. Thuyết suy giảm ý chí cho rằng ý chí là một nguồn lực tâm lý có hạn và dễ bị tiêu hao. Trong cuộc sống hàng ngày, con người thường phải đối mặt với những lựa chọn và phải tìm cách kiểm soát ham muốn của bản thân, đưa ra quyết định hợp lý. Ví dụ như nên ăn một bữa cơm healthy hay đi ăn lẩu nướng với đồng nghiệp trong bữa trưa, buổi chiều nên làm một cốc trà hoa cúc hay một ly trà sữa....
Khi phải chống lại sự cám dỗ, chúng ta dễ mất tự chủ do sức lực ý chí bị cạn kiệt tạm thời. Vậy nên, lý do khiến bạn luôn chốt đơn vào buổi đêm chính là khi bản thân bạn đã tự mở khoá cho cơn thèm khát mua sắm. Vì vậy, để có những quyết định mua sắm hợp lý, tốt nhất bạn nên ngủ sớm, dậy sớm và không nên lướt nền tảng mua sắm khi đang đói bụng.
2. Đơn giản hoá lối sống, đưa mọi thứ vào quy củ
Hãy làm rõ những nhu cầu mà bạn ưu tiên và quan tâm nhất, từ đó hình thành nếp sống để không phải lúc nào cũng đối mặt với những quyết định tạm thời. Đồng thời, việc này sẽ giúp công cuộc tiêu dùng trở nên dễ dàng, hợp lý và có kế hoạch hơn.
Ví dụ như tôi sẽ ăn sáng ở nhà, đó có thể là trứng, khoai lang hay một ít hoa quả. Buổi trưa sẽ ăn bắp nướng, bánh xèo chay mua ở siêu thị dưới công ty. Còn buổi tối, tôi sẽ ăn những món mình tự nấu như mì xào hải sản, mì ý hay một bữa cơm rang vét hết tất cả những thứ còn lại trong tủ lạnh. Tôi không cho phép bản thân ăn lẩu, nướng ngoài tiệm, đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga không tốt cho sức khoẻ với lý do những món này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tiêu dùng mà tôi đã tự đặt ra cho bản thân.
3. Đầu tư vào bản thân để thoát hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)
Nhiều người trẻ không ngừng lướt điện thoại mỗi ngày, mỗi giờ để cập nhật các tin tức, xu hướng mới nhất. Đặc biệt là khi nhìn thấy một vài người nổi tiếng cùng mặc hoặc sử dụng một món đồ gì đó, rồi thấy những người bạn của mình cũng đang bàn tán về nó, những người trẻ sẽ lại rơi vào một trạng thái lo lắng có tên gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO). Vì họ sợ nếu mình không mua món này, thì bản thân sẽ là người không thời thượng, không biết cách nắm bắt xu hướng.
Chính vì vậy, thay vì dành nhiều thời gian để nhìn ngắm cuộc đời, soi những món đồ đang cực kỳ được ưa chuộng thì bạn nên chú ý đến việc tự hoàn thiện bản thân bằng cách đầu tư vào việc tự học, tự đọc sách hoặc tham gia các khoá học chứng chỉ ngoại ngữ hoặc kinh tế… tuỳ vào nhu cầu và sở thích. Kết quả của quá trình nâng cao giá trị bản thân sẽ giúp bạn tìm được một môi trường làm việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn… Bản thân trở nên ưu tú về kiến thức sẽ giúp bạn giảm đi sự lo lắng nếu không bắt kịp các xu hướng thời trang hay các trend đang thịnh hành.