Năm 2008, một cô gái có tên Vicky Swainson sống tại nước Anh vừa chuyển qua nhà mới thì bị lạc mất chú mèo cưng Gucci. Con mèo có lông màu trắng đen đã nhảy vào một khu đất gần đó rồi đi mất. Vicky sau đó in hàng chục tấm áp phích dán ở khắp nơi, mỗi ngày đi bộ hơn 3 cây số từ nhà mới qua nhà cũ và nỗ lực tìm kiếm nhiều tháng dài nhưng không có kết quả. Từ đó đến nay chú mèo đã vắng bóng được tròn 12 năm, cũng không ai còn hi vọng Gucci có thể tìm được đường về hoặc thậm chí có khi cũng chẳng còn sống.
Gucci 3 tuổi khi đi lạc năm 2008
Tuy nhiên, mới đây, một cuộc điện thoại được gọi đến cho số máy của Vicky từ một bác sĩ thú y đã biến điều ước năm nào thành hiện thực. Vicky, nhân viên ngân hàng năm nay đã 31 tuổi hoàn toàn ngỡ ngàng không tin vào những gì mình nghe được khi nhận cuộc gọi đó. Qua điện thoại, bác sĩ thông báo họ tìm thấy Gucci vì quét được đúng tần số và nhận dạng con mèo nhờ vào vi mạch được gắn trên người 12 năm trước.
Không chờ đợi được quá lâu, cô gái này ngay lập tức đến phòng khám thú y đó để xem liệu điều quá vô lý như thế này có thật sự xảy ra và chú mèo đang đợi cô ở đó có thật sự là Gucci của năm nào không. Thế nhưng, ngay khi cô xuất hiện tại cửa, Gucci lập tức nhận ra người chủ cũ dù nhiều năm không gặp. Chú mèo chạy đến âu yếm và tỏ ra vô cùng bịn rịn, nhỏ nhẹ kêu meo meo như rất xúc động.
Ôm Gucci vào lòng chính cô cũng ước đây không phải là giấc mơ. Chuyện kì diệu này chắc chắn đôi khi xảy ra nhưng với xác suất một trên 1 triệu trường hợp, và không thể ngờ một trường hợp hiếm hoi đó lại đến với bản thân cô. Trước khi được đoàn tụ với Vicky, bác sĩ thú y cho biết chú mèo đã lang thang trên đường phố khoảng 8 tháng và được một người phụ nữ địa phương cho ăn. Người phụ nữ này nhận thấy Gucci quá gầy gò nên đã gọi bác sĩ thú y đến để giúp kiểm tra sức khỏe cho con mèo tội nghiệp. Chính vì vậy, vị bác sĩ này đã tìm thấy con chip được gắn dưới da vẫn ở đó và liên lạc với Vicky.
Vi mạch dùng cho thú cưng là một mảnh chip có kích thước nhỏ, thường chỉ bằng một hạt gạo. Đây là công nghệ dùng để nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Một thiết bị như vậy được cấu tạo bởi 2 thành phần chính là thiết bị đọc và thiết bị phát có gắn chip. Thiết bị đọc được gắn anten để thu – phát sóng điện từ. Thiết bị phát được gắn với vật cần nhận dạng và cấy dưới da của thú cưng, thông thường là ở vùng da khu vực giữa bả vai.
Mỗi một vi mạch được mã hóa với một số duy nhất. Mã số này được lưu lại trong cơ sở dữ liệu của nhà sản xuất vi mạch. Mỗi nhà sản xuất sẽ có một trang web. Tại đây, bạn có thể đính kèm thông tin liên hệ cá nhân của mình vào mã số vi mạch, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và email.
(Theo Metro)