Hà Nội những ngày cận Tết…
Đường xá đông đúc nhộn nhịp, người người đi sắm Tết. Năm nay kinh tế khó khăn với nhiều ngành nghề, nhưng sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, sự nhộn nhịp của ngày Xuân dường như đang dần trở lại.
Tôi đã bước sang tuổi 31, đang trên chuyến tàu không có vé khứ hồi của thế giới người lớn đầy vội vã... Khi nhìn thấy màu của Tết đang len lỏi trong những nếp nhà, bất chợt ký ức về những ngày Tết thật xa ùa về… Chắc cõ lẽ, bất kỳ ai trong chúng ta, trưởng thành rồi đều chỉ mòng bé lại, để quay về tuổi thơ êm đềm. Nhưng nếu không có vé quay trở lại hiện tại, liệu bạn có dám đặt chân phiêu du?
Khi đó, tôi còn là đứa trẻ 9, 10 tuổi, được phân công rửa lá dong từ chiều hôm trước. Rồi ông nội trải một chiếc chiếu ra giữa nhà, bày biện nào là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong… Tôi ngồi lau lá, cắt là phụ ông gói bánh.
Cái Tết no đủ với tôi khi ấy là nhà gói thật nhiều bánh chưng. Tôi sẽ thức thêm trông nồi bánh cùng ông
Đêm giao thừa sẽ thật hoàn hảo khi tôi thức chờ tới lúc vớt bánh và được thưởng thức trước chiếc bánh chưng nhỏ xinh ông gói dành riêng cho cháu gái.
Những ngày Tết ở trong ký ức là bánh chưng xanh, là cây quất bố mang về khi trở về nhà đúng ngày 30 Tết, là những bánh kẹo, mứt dừa mứt bí mà cả năm chỉ được thưởng thức đúng dịp Tết cổ truyền… Tết là mùi hương mùi già trong chiều 30 mà mẹ pha sẵn nước để cả nhà "thanh lọc" trước thêm năm mới. Chị em tôi háo hức với những bộ quần áo mới, mẹ đánh cho chút son đỏ rồi được đến nhà họ hàng chúc Tết… Và mừng rơn khi nhận những phong bao lì xì may mắn…
Qua từng giai đoạn của đời người, Tết sẽ mang đến những trải nghiệm rất riêng.Ngày bé vô âu vô lo, những đứa trẻ mong ngóng Tết để thỏa niềm vui tuổi nhỏ. Thế nhưng, ai rồi cũng trưởng thành. Bước vào thế giới của người lớn rồi mới hiểu, Tết đến cùng những áp lực, nỗi lo và trách nhiệm.
Tôi xa nhà đi học, rồi đi làm và có gia đình nhỏ của riêng mình. Những lần về nhà bố mẹ thưa thớt dần bởi muôn vàn lí do. Ngày Tết trở thành kỳ nghỉ dài nhất, lâu nhất tôi được trở về cùng bố mẹ.
Còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết, tôi lo chạy đủ KPI cuối năm để đón Tết "ấm" thêm một chút. Dường như với người trưởng thành, Tết không phải là bánh mứt, đoàn viên, mà là lương thưởng, là tiền bạc và một danh sách dài những thứ phải chuẩn bị cho vài ngày nghỉ ngắn ngủi nhưng bận rộn còn hơn đi làm
Vô tình, những ngày nghỉ tưởng là an yên lại cõng thêm những hối hả, căng thẳng. Phấn đấu một năm dài mệt nhoài, mong chờ lương thưởng Tết để rồi lại ráo riết, vội vàng sắm sửa cho năm mới sung túc.
Dù có là một người xuề xòa cỡ nào, thì cũng không hể để căn nhà của mình tăm tối, lạnh lẽo dịp xuân về. Bạn sẽ cần mua thêm cành đào, cây quất, thay thế một số thứ đã hỏng. Chiếc tủ lạnh cần lấp đầy đồ ăn. Những bộ quần áo mới cho cả gia đình… Và rồi bạn nghĩ tới bố mẹ, muốn biếu thêm một chút để ông bà sắm Tết đủ đầy, thoải mái hơn. Sự "đủ đầy" mà bạn muốn trao tặng cho bố mẹ đó dường như là một bằng chứng cho sự nỗ lực làm việc trong suốt 1 năm qua của bạn.
Với những người đã lập gia đình, những lo toan chắc hẳn sẽ còn nối tiếp dài thêm nữa.
Những lo toan, áp lực của tuổi trưởng thành dường như khiến niềm vui ngày Tết phần nào bớt đong đầy. Nhưng nếu đã trở thành những người cha người mẹ, những ông bà lớn tuổi, niềm mong chờ ngày Tết có lẽ sẽ chỉ thu nhỏ lại vừa bằng một bữa cơm đoàn viên.
Những đứa con trưởng thành, xa nhà đem theo bao hoài bão, hy vọng của cha mẹ. Rồi khi chúng có gia đình riêng, những bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình trở nên thưa thớt hơn hẳn.
Bận công việc, cách trở đường xá, mỗi năm bạn có thể gặp cha mẹ mình được thêm bao nhiều lần nữa? Nếu nhẩm tính ra con số ấy, chắc chắn không ít người giật mình trước sự tàn nhẫn của thời gian.
Tết với cha mẹ già của bạn, điều ý nghĩa nhất là sự có mặt của đầy đủ các thành viên trong bữa cơm đoàn viên. Chằng còn gì ấm áp, ý nghĩa hơn khi ông bà, bố mẹ đều mạnh khỏe, con cháu thành đạt, giỏi giang cùng bên nhau đón chào năm mới. Không phải bánh mứt, cây cối trang hoàng hay những món quà to nhỏ, sự sum vầy, đoàn viên mới là món quà thiêng liêng nhất ngày Tết.
Mùi vị của Tết đối với mỗi người đều khác nhau. Đó là mùi, vị, hương, sắc, hơi ấm của mỗi gia đình. Trong đó có mùi trầm hương tĩnh lặng, mùi của mùi già bắc bếp, sắc đào sắc quất hòa quyện trong không gian, mùi của cỏ cây hoa lá len lỏi theo từng bước chân đi. Tết có vị của NHÀ, của những ánh mắt hạnh phúc khi được đoàn viên, xum họp.
Hít một hơi thở sâu, chuẩn bị một tâm hồn thanh thản, và trở về nhà. Nơi ấy yên bình nhất, ấm áp nhất cho một ngày Tết trọn vẹn!
Hải An