Mặc Covid-19, Bamboo Capital vẫn đặt mục tiêu lợi và lợi nhuận tăng trưởng hơn 20% trong năm 2020
Tập đoàn Bamboo Capital vừa có một năm 2019 tương đối tốt, khi doanh thu đạt 1.575,8 tỷ đồng, tăng 41,4% so với năm 2018; còn lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, lên đến 140,5 tỷ đồng trong khi năm 2018 chỉ có 11,3 tỷ đồng, tăng 1.140,7%.
Ở ĐHCĐ năm 2019, kế hoạch kinh doanh mà Ban lãnh đạo Tập đoàn này đề ra khá cao: doanh thu 2.962 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 311 tỷ đồng.
"Trong năm, công ty cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo, sử dụng phần lớn đòn bẩy tài chính khiến chi phí lãi vay tăng lên gần 176 tỷ đồng.
Do các dự án trên đều mang tính chất dài hạn, doanh thu vẫn chưa được ghi nhận trong khi chi phí phát triển dự án và các chi phí liên quan đã được ghi nhận. Vì vậy, mặc dù công ty công ty kiểm soát được giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp năm 2019 có tăng so với năm 2018 ở mức 279 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lãi gộp biên lại giảm từ mức 21% của năm trước xuống 17,8%, nhưng vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 đạt hơn 114 tỷ đồng", tài liệu ĐHCĐ 2020 của BCG diễn giải.
Theo đó, tài sản của họ tăng từ 5.320,6 tỷ đồng năm 2018 lên 7.254,6 tỷ đồng năm 2019 và nợ ngắn hạn từ 2.883,5 tỷ đồng năm 2018 lên 3.118,3 tỷ đồng năm 2019.
Về mảng bất động sản: BCG khởi công và xây dựng các dự án Malibu Hội An và King Crown – Thảo Điền, khu nghỉ dưỡng Casa Marina được chấp thuận đầu tư giai đoạn II đồng thời ký kết hợp đồng vận hành với Tập đoàn Radisson Hotel Group. Ngoài ra, BCG còn lấy về 2 dự án là khu nghỉ dưỡng Amor Garden – Hội An cùng chung cư cao cấp King Crown Infinity – Thủ Đức.
Về mảng năng lượng tái tạo: dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên BCG-CME Long An 1 với công suất 40,5 MW chính thức hòa vào lưới điện quốc gia trước ngày 30/6, kịp hưởng cơ chế giá năng lượng tái tạo ưu đãi 0,0935/kWh của Nhà nước. Nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 2 có công suất 100,5 MW tại Long An đã hoàn thành thi công nhà máy cuối 2019. BCG còn được tỉnh Sóc Trăng phê duyệt triển khai dự án điện gió BCG Wind, quy mô 50 MW tại huyện Vĩnh Châu.
Rút kinh nghiệm của lần đề ra kế hoạch kinh doanh quá lạc quan vào ĐHCĐ năm 2019; tại ĐHCĐ năm nay, BCG đưa ra một kế hoạch khá khiêm tốn cho năm 2020: doanh thu 1.913 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tầm 184,2 tỷ đồng.
"Do đặc thù ngành nghề hoạt động, doanh thu của BCG không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các dự án bị chậm lại và khả năng hoàn thành cũng bị chậm lại. Nếu không có đại dịch, chúng tôi có thể hoàn tất dự án King Crown – Thảo Điền cũng như giao resort Malibu tại Hội An cho Radisson trong năm 2020", ông Phạm Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc BCG cho biết.
Cũng như năm 2019, doanh thu năm 2020 cũng sẽ chủ yếu đến từ 2 mảng bất động sản và năng lượng tái tạo.
Về mảng bất động sản: Malibu đã hoàn thiện phần móng và sẽ bàn giao cho Radisson vào Quý II/2021, lợi nhuận dự kiến trên 350 tỷ - ghi nhận hoàn tất vào 2021, trong đó lợi nhuận ghi nhận ở Tracodi là hơn 100 tỷ đồng; King Crown dự kiến hoàn thành giao nhà thô hoàn thiện ngoài trong giai đoạn I vào cuối năm 2020.
Dự án Amor Garden – Hội An đã hoàn tất các thủ tục, nên BCG đủ điều kiện mở bán hàng cũng như xây dựng xong giai đoạn I với quy mô 72 villa. Amor Garden có diện tích 7.150m2, vốn đầu tư 3.334 tỷ đồng; đây là dự án nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao, bao gồm căn hộ condotel và hơn 90 villa cao cấp.
Một số dự án khác của BCG cũng đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục pháp lý và sẽ triển khai xây dựng – bán hàng trong năm 2020: dự án Casa Marina giai đoạn II gồm 160 căn villa tiêu chuẩn 5 sao, dự án resort và condotel Capri – Phan Thiết với giai đoạn I có quy mô 36 villa, dự án chung cư cao cấp King Crown Infinity – Thủ Đức có diện tích 12.650 m2 cùng tổng mức đầu tư tầm 4.171 tỷ đồng, dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Cồn Bắp – Hội An với quy mô 25 ha có tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng.
Về năng lượng tái tạo: BCG-CME Long An 2 sẽ đóng điện vào Quý II/2020, tập trung công tác hoàn tất phê duyệt và chấp nhận đầu tư để triển khai – thi công dự án BCG Wind Sóc Trăng vào cuối năm 2020, khởi công xây dựng dự án năng lượng mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Định – Phù Mỹ có tổng công suất 330 MW cùng mức đầu tư 6.200 tỷ đồng, thực hiện M&A các dự án mà chủ đầu tư vì Covid-19 không thể triển khai được, phát triển công suất điện mặt trời áp mái lên 50 MW.
Tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp trong 5 năm tiếp theo
Cũng trong ĐHCĐ năm nay, BCG cũng đã điều chỉnh một chút các con số về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2020 – 2024, song vẫn rất cao: doanh thu năm 2021 dự kiến khoảng 7.487 tỷ đồng – lợi nhuận đột biến 917 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 dự kiến khoảng 5.250 tỷ đồng – lợi nhuận 821 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 tương ứng 9.683 tỷ đồng – 949 tỷ đồng và 11.167 tỷ đồng - 1.213 tỷ đồng. Theo kế hoạch này, tức trong 4 năm, doanh số của BCG sẽ tăng hơn gấp 5 lần, lợi nhuận tăng 6 lần.
Ban lãnh đạo BCG tiết lộ rằng, họ dựa vào chu kỳ doanh thu 2 năm của các sự án bất động sản và 10 đến 20 năm của các nhà máy năng lượng tái tạo để tính ra các con số nói trên.
"Mục tiêu chúng tôi trong vài năm tới là trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, tầm cỡ Đông Nam Á và thế giới. Trong 2 năm 2020 – 2021, BCG Energy phải sản xuất trên 1.000 MW, tức mỗi năm sản xuất khoảng 500MW. Để nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2020, chúng tôi đang đàm phán mua lại 2 dự án điện gió và điện mặt trời tại phía Nam. Nếu mọi chuyện thuận lợi, BCG sẽ có thêm 2 dự án nhỏ trong năm 2020", ông Phạm Minh Tuấn cho biết thêm.
Chủ tịch BCG Nguyễn Hồ Nam
Trong 5 năm tới, mảng năng lượng tái tạo và bất động sản vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của BCG. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, họ sẽ mở rộng sang bất động sản công nghiệp, nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất của nhiều nhà máy lớn ở Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, một vài cổ đông vẫn không rõ vì sao BCG lại quyết định "đặt cược" vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như mở rộng danh mục đầu tư sang lĩnh vực bất động sản nông nghiệp. Phải chăng "thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào"?!
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch BCG phân tích: "Để làm tốt mảng năng lượng tái tạo, doanh nghiệp cần thỏa 3 điều: am hiểu chính sách địa phương và trung ương nhằm nhanh chóng hoàn thành phê duyệt dự án, yêu cầu nguồn vốn mạnh vì các dự án năng lượng tái tạo luôn cần một số tiền đầu tư rất lớn trong thời gian ngắn – dự án Phù Mỹ sẽ ngốn của BCG hơn 6.000 tỷ đồng trong 7 tháng xây dựng, khả năng thực thi tốt nhằm hoàn thành nhanh đạt tiến độ nhận các ưu đãi.
Làm trong ngành năng lượng tái tạo này, áp lực luôn cực kỳ lớn. Cũng may, BCG hội đủ cả 3 yếu tố trên cũng như khả năng chịu áp lực cực tốt".
Về nguồn vốn: việc BCG có thể hoàn hành dự án BCG-CME Long An 1 với thời ngắn kỷ lục, kịp đóng điện trước 30/6/2019 đã mang tới niềm tin lớn cho các hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước. Thêm nữa, năng lượng tái tạo là mảng mà các ngân hàng rất thích cho vay, bởi sau 6 tháng, các đối tác đã có thể trả lãi khi nhà máy đóng điện.
Theo đó, tất cả các nhà máy BCG xây dựng trong năm 2020 đều có sự hậu thuẫn từ ngân hàng trong nước và đã được giải ngân. Tuy nhiên, do nguồn vốn trong nước có lãi suất cao khiến khả năng thu hồi vốn lâu, khiến BCG chuyển hướng sang vay của các nhà đầu tư nước ngoài. KPMG Singapore đã đứng ra cam kết sẽ cung cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo của BCG, Tập đoàn này có thể lấy nguồn vốn quốc tế trả cho ngân hàng trong nước nhằm có room tín dụng mới trong nước.
Về mặt thực thi: BCG đã trả giá khá nhiều cho những sai lầm trong khi xây dựng dự án đầu tiên, giờ họ đã có rất nhiều kinh nghiệm và tin rằng những dự án sau sẽ làm tốt và nhanh hơn BCG-CME Long An 1. Bên cạnh đó, BCG cũng đầu tư rất nhiều về nhân sự hay công nghệ, họ mới tuyển 100 nhân sự cho mảng tái tạo đầu năm 2020 cũng như đang xây dựng hệ thống hiển thị real-time tiến độ dự án cũng như thực trạng hoạt động của các nhà máy.
"Chúng tôi không tự dưng nhảy sổ qua bất động sản công nghiệp mà chỉ đi theo xu hướng phát triển chung của thị trường bất động sản. Chúng tôi tham gia vào lĩnh vực này đầu tiên với dự án hạ tầng BOT, sau đó mới qua bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp và giờ mở rộng thư mục sang bất động sản công nghiệp. Đầu tư vào khu công nghiệp đang là xu hướng chung của thị trường, ai triển khai nhanh và an toàn sẽ thắng.
Dù đi theo xu thế, song ngoài lợi nhuận đột biến chúng tôi cũng rất chú trọng lợi nhuận lâ dài và an toàn", ông Nguyễn Hồ Nam khẳng định.
Với BCG, năng lượng tái tạo và bất động sản nghỉ dưỡng chính là 2 lĩnh vực sẽ mang lại doanh thu cùng lợi nhuận lâu dài.
Hiện BCG có 2 dự án khu công nghiệp là Cát Trinh tại Bình Định và khu công nghiệp ở Long An. Năm 2012, tỉnh Bình Định từng giao dự án khu công nghiệp Cát Trinh có diện tích gần 400ha cho công ty Phước Lộc Thọ làm chủ đầu tư, nhưng vì doanh nghiệp này không đủ năng lực triển khai, nên tỉnh đã trao lại dự án cho Bamboo Capital. Còn khu công nghiệp tại Long An có diện tích 270ha, trước đó BCG hợp tác với một đối tác để thực hiện nhưng sau đó đã mua luôn phần đối tác.
BCG tiết lộ họ sẽ không phát triển các khu công nghiệp của mình theo kiểu truyền thống mà sẽ làm theo mô hình như VSIP. Hiện họ đang chào mời một vài đối tác sản xuất điện tử lớn từ Đài Loan – những người đang muốn di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Do Covid-19, cả hai không thể gặp mặt mà chỉ mới liên lạc qua email. Chiến lược của BCG là ký hợp đồng với khách hàng chủ chốt trước khi xây dựng khu công nghiệp, sau đó bán diện tích còn lại cho các nhà cung cấp của các ‘ông lớn’ đó.