ĐHCĐ MBBank: Trả cổ tức tỷ lệ 15% trong năm nay và chia hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông

Tùng Lâm | 24-06-2020 - 08:13 AM

(Tổ Quốc) - MB đặt kế hoạch thận trọng với lợi nhuận giảm 10%, nhưng nếu diễn biến dịch bệnh thuận lợi sẽ phấn đấu bằng năm 2019 và tạo nền tảng, tích luỹ để bứt phá trong năm 2021.

Sáng ngày 24/6/2020, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên.

Năm 2019 đạt lợi nhuận kỷ lục, nằm trong top 3 về ROE

Theo báo cáo tại đại hội của Thượng tướng Lê Hữu Đức, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB, năm 2019 ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực, vượt so với kế hoạch cổ đông giao, chỉ ngoại trừ chỉ tiêu tăng vốn điều lệ là chưa đạt. 

Cụ thể tổng tài sản đạt hơn 411 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2018; huy động vốn tăng 19,8% đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 18,6% với dư nợ gần 265 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,16% so với kế hoạch 2%; Tỷ lệ dự phòng rủi ro trên nợ xấu luôn đạt trên 80%, trong đó tại thời điểm cuối năm 2019 là 128%. Ngân hàng cũng đã đáp ứng chuẩn Basel II trước hạn.

Lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2% trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 9.286 tỷ đồng cùng mức tăng trưởng 32,1%, tiếp tục là ngân hàng có hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) thuộc top 3 của thị trường. Mức lợi nhuận của năm 2019 cũng là cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay.

Các công ty con và công ty thành viên ghi nhận kết quả tích cực và duy trì vị thế cao trên thị trường. Trong đó công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas life là công ty đầu tiên trong ngành bảo hiểm nhân thọ có lợi nhuận sau 3 năm hoạt động với 205 tỷ đồng, ROE đạt 19,6%; công ty chứng khoán MBS đứng top 5 về thị phần môi giới với lợi nhuận hơn 288 tỷ đồng, ROE đạt 14,7%: Công ty tài chính tiêu dùng MCredit duy trì top 4 thị phần, lợi nhuận hơn 180 tỷ đồng, ROE khoảng 12,7%: công ty bảo hiểm Quân đội MIC hoàn tất tăng vốn và xong hồ sơ niêm yết trên HoSE, lợi nhuận hơn 176 tỷ đồng, ROE đạt 11,5%; Côgn ty quản lý quỹ MBC đứng top 2 về lợi nhuận với 73 tỷ đồng, ROE khoảng 12,9%; Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản AMC đạt 190 tỷ đồng lợi nhuận, ROE khoảng 17,3%.

Thận trọng trong năm 2020 do tác động của Covid-19

Về năm 2020, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng thận trọng kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới. Cụ thể kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 10% do tác động của Covid-19. Tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 8%; tín dụng tăng khoảng 12% theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao còn huy động vốn sẽ theo thực tế tình hình sử dụng vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%. Ngân hàng cũng sẽ trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ dao động từ 11 - 15% - là ngân hàng lớn duy nhất trả cổ tức đều đặn hàng năm.

ĐHCĐ MBBank: Trả cổ tức tỷ lệ 15% trong năm nay và chia hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông - Ảnh 1.

Chỉ tiêu kinh doanh của MB năm 2020 trình cổ đông

Định hướng trong năm nay MB vẫn đặt mục tiêu nằm trong top 5 các ngân hàng thương mại về chất lượng hoạt động và hiệu quả; dẫn đầu về ứng dụng số. Phương châm điều hành là củng cố nền tảng, chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu để tăng vốn

Năm 2019, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 7.500 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Lợi nhuận sau thuế để lại của năm 2019 như vậy còn 1.967 tỷ đồng.

Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.617 tỷ đồng. Việc chi trả sẽ thực hiện trong quý 3 đến quý 4, thời gian cụ thể sẽ giao cho HĐQT thực hiện. 

Sau khi hoàn tất trả cổ tức, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên mức 27.987 tỷ đồng, nằm trong top các ngân hàng có vốn cao nhất, chỉ sau BIDV, Vietcombank, VietinBank, Tecchombank và Agribank.

Chia hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông

HĐQT MB còn trình kế hoạch chia cổ phiếu quỹ cho các cổ đông hiện hữu. Tại thời điểm trước ngày đại hội cổ đông, MB có hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ (sau khi đã bán gần 22 triệu cổ phiếu quỹ ở quý 1). Việc chia cổ phiếu này sẽ thực hiện trong quý 4 năm nay hoặc quý 1 năm sau.

Bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024

Tại đại hội lần này, các cổ đông MB bầu bổ sung thêm 1 thành viên chuyên trách Ban kiểm soát, đưa tổng số thành viên BKS lên 5 người. Ứng viên để bầu cử là bà Nguyễn Thị An Bình, hiện là Phó Tổng giám đốc MB. Bà Bình sinh năm 1972, là 1 trong 25 nhân sự đầu tiên của MB, công tác tại nhà băng này từ năm 1994 và làm Phó Tổng giám đốc được hơn 11 năm (từ 2009 tới nay).

ĐHCĐ MBBank: Trả cổ tức tỷ lệ 15% trong năm nay và chia hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông - Ảnh 2.

Ông Lưu Trung Thái, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc báo cáo tại đại hội

Cổ đông hỏi 

- Đề nghị ngân hàng phải xiết chặt chi phí quản lý, chi phí đầu tư (không cần thiết thì giảm, phải tiết kiệm trong đầu tư, đầu tư số tiền nhỏ nhưng hiệu quả…) để vượt qua khó khăn?

- Vì sao nợ xấu quý 1 tăng mạnh? Kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phát triển trong 5 năm tới?

-Thiếu kế quầy giao dịch hiện tại quá cao (ghế ngồi, bàn), chưa phù hợp?

- Tăng vốn có cần không?

-Sơ bộ kết quả của MB 5 tháng đầu năm? Kết quả tái cơ cấu nợ được bao nhiêu? Sẽ cơ cấu bao nhiêu nợ trong năm nay, dự tính lợi nhuận bị ảnh hưởng thế nào?

-Việc xây trụ sở quá lâu gây lãng phí?

- MCredit nợ xấu cao, chi phí tín dụng cao hơn các công ty tài chính tiêu dùng khác, phải chăng chiến lược về sản phẩm, quản trị rủi ro của Mcredit đang chú trọng vào tăng trưởng?

Ông Lưu Trung Thái trả lời:

- Quản lý chi phí với quy mô của ngân hàng (gần 10.000 người) cộng với 6 công ty thành viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngân hàng đã quản lý chi phí rất tốt, là 1 trong những ngân hàng có chi phí hoạt động thấp trên thị trường. Năm 2020, kế hoạch CIR ở mức 35,5 - 36,5% (tức giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm).

- Về đầu tư, quầy giao dịch theo tư duy mới, liên quan đến số hoá, chuyển đổi số. Những giao dịch bình thường nhất là rút tiền, gửi tiền, vay vốn...hiện có thể giải quyết trên điện thoại. Sau này người đến ngân hàng sẽ ít hơn. Quầy cao để phù hợp với người trẻ, nhưng ngân hàng cũng ghi nhận ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp.

- Đầu tư tốn kém cho trụ sở mới: Hiện ngân hàng đã hoạt động tại trụ sở mới, chuyển dần dần và sử dụng các tiện ích của toà nhà. Lẽ ra ĐHCĐ đã tổ chức ở trụ sở mới ở Lê Văn Lương nhưng do Covid-19 bị chậm lại nên chưa hoàn tất. Trụ sở của MB là đẹp và hiện đại, tiết kiệm nhất.

- Việc tăng vốn hàng năm phải cân nhắc kỹ và cân đối theo tăng trưởng quy mô của ngân hàng, nếu không thì ROE sẽ giảm nhanh và sẽ không đáp ứng được mức tăng trưởng. Việc tăng vốn cần tiến hành tuần tự theo từng năm, và mếu không tăng vốn thì sẽ không đủ nguồn kinh doanh tạo ra cổ tức cho cổ đông.

- Doanh thu của ngân hàng riêng lẻ 5 tháng khoảng hơn 8.146 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, so với quý 4 thì có giảm. Lợi nhuận của 5 tháng riêng ngân hàng mẹ là 3.694 tỷ đồng, tăng trưởng 5%.

- Nguyên nhân nợ xấu quý 1 tăng: Tác động của Covid-19, Ngân hàng Nhà nước công bố khoảng 23% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng, còn chúng tôi cho rằng khoảng 25-30%. Trong số khách hàng bị ảnh hưởng có khách hàng phải cơ cấu lại gốc và lãi sẽ không được tính vào doanh thu nên doanh thu giảm, do đó nợ xấu tăng lên, chi phí dự phòng cũng tăng. Chúng tôi đã có dự phòng cẩn trọng cho các vấn đề về nợ xấu.

-Chiến lược 5 năm tới ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân thị trường để duy trì quy mô và chất lượng hoạt động, sẽ nằm trong top 5 ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả nhất.

- Về tái cơ cấu nợ, theo Thông tư 01 của NHNN, từ 23/1/2020, MB đã tái cơ cấu cho hơn 3000 khách hàng doanh nghiệp và tác động đến dư nợ khoảng gần 7000 tỷ (các khách hàng covid-19 ảnh hưởng khoảng 25 - 30% dư nợ của ngân hàng). Từ nay đến cuối năm ngân hàng tiếp tục cơ cấu cho một nhóm khách hàng nữa, ảnh hưởng khoảng 10% doanh thu lãi. 

Chính vì những lý do trên (về dự phòng nợ xấu, ảnh hưởng doanh thu...) nên ngân hàng đã dự tính giảm 10% lợi nhuận trong năm nay.

Bà Vũ Thị Hải Phượng, phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch MCredit trả lời

Công ty tài chính MCredit trong thời gian qua phát triển theo hướng gia tăng thị phần nên có phần "nóng". HĐQT đã yêu cầu tái cơ cấu toàn diện để đưa MCredit lên tầm cao mới, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Công ty cũng xây dựng hệ thống định hình mô hình tài chính tiêu dùng nhân văn.

Về nợ xấu thì Công ty tài chính có đặc thù là kinh doanh tín chấp, nên việc thu hồi nợ và có nợ xấu là hiện hữu. Trong năm nay công ty tài chính đang giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt nên rủi ro sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng củng cố lại mô hình cho vay trả góp, đưa tỷ trọng cho vay trả góp lên 40 - 45%.

Năm nay công ty sẽ kiện toàn lại toàn bộ hoạt động, tăng cường vai trò của các uỷ ban, tăng cường các quy chế để quản trị tốt hơn, ưu tiên xây dựng hệ thống hiện đại để tạo ra năng lực cạnh tranh của công ty. 

Ngoài ra, MCredit đang thực hiện cơ cấu lại nhân sự, cắt giảm trên 500 người...Tất cả các yếu tố này sẽ giúp tiết giảm chi phí, tăng cao hiệu quả hoạt động.

Về kết quả 6 tháng, ước tính nợ xấu kiểm soát dưới 6%, tỷ lệ trôi nợ (đặc thù của công ty tài chính) là dưới 4%, và lợi nhuận khoảng 120 tỷ.

Cổ đông hỏi bằng văn bản - ông Lưu Trung Thái trả lời

-Cổ phiếu quỹ chia chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm? Khoảng 0,92% số cổ phiếu lưu hành.

- Ước tính lợi nhuận 6 tháng? Của tập đoàn sẽ giảm vài ba phần trăm chứ không đến 10%.

-Lợi nhuận giảm do đâu? Do tác động của dịch bệnh nên doanh thu giảm, kéo theo NIM giảm, nợ xấu tăng nên chi phí dự phòng tăng. Về chi phí hoạt động của ngân hàng thì vẫn duy trì kiểm soát tốt, chi phí giảm. Thời gian qua ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng từ 0,5 - 2%/năm.

- Bán cho nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 giá bao nhiêu? 8 nhà đầu tư chuyên nghiệp đã mua, giá khoảng 27.000 đồng (trước đó chia cổ tức 8% nên tính ra giá khoảng 28 - 29).

Cổ đông hỏi trực tiếp

- Vốn của Ngân hàng Quân đội Thái Lan 3 tỷ USD, sao của ngân hàng mình chỉ 1 tỷ USD? sao không tăng mạnh vốn?

- Vì sao kế hoạch kinh doanh thận trọng?

Ông Lưu Trung Thái trả lời

-Về việc tăng vốn lãnh đạo ngân hàng xin tiếp thu ý kiến.

-Về kết quả kinh doanh, các ngân hàng lớn đều khá thận trọng. Chủ trương của NHNN năm nay là phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng, trong đó có 2 việc là tiết giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay. 

3 năm qua MB có tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bình quân 25 - 30%. Năm nay đề xuất cách tiếp cận mới hơn là khi có rủi ro hiện hữu với tất cả khách hàng, thì việc hỗ trợ khách hàng là cần thiết, và ngân hàng cẩn trọng dự trù kinh doanh 6 tháng cuối năm. Tình hình dịch bệnh cũng chưa biết trước được thế nào trong thời gian tới, dù các doanh nghiệp trong nước đã hoạt động ổn định song các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu, dịch vụ sẽ còn bị ảnh hưởng.

Nếu tình hình tốt hơn trong 6 tháng cuối năm thì MB sẽ phấn đấu kết quả kinh doanh bằng năm ngoái. Song những tháng tới cũng là thời gian để ngân hàng chuẩn bị, tích luỹ cho sự bứt phá tốt hơn trong năm sau.

ĐHCĐ MBBank: Trả cổ tức tỷ lệ 15% trong năm nay và chia hơn 25 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông - Ảnh 3.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, chủ tịch HĐQT phát biểu kết thúc phần thảo luận

Đại hội thông qua các tờ trình và công bố kết quả bầu Ban kiểm soát

Đại hội cổ đông MB đã thông qua các tờ trình với tỷ lệ đồng thuận cao. Đại hội cũng đã bầu bà Nguyễn Thị An Bình vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2023./.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.