Diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp đã và đang gây ảnh hưởng lên tình hình kinh doanh nói chung, trong đó có ngành dệt may nói riêng. Là ngành nghề với lợi thế về cơ sở may mặc… nhiều đơn vị dệt may đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất phụ vụ xã hội trong mùa dịch COVID-19. Đơn cử việc bắt đầu sản xuất may khẩu trang vải, quần áo phòng chống dịch COVID…
Mặt khác, không chỉ doanh nghiệp dệt may mà tất cả các công ty đến nay đã sớm lên phương án ứng phó với tình trạng dịch, cả ngắn và dài hạn.
Chia sẻ với chúng tôi, trước tình hình khó khăn chung, Tổng CTCP Phong Phú cho biết cũng như các doanh nghiệp dệt may khác đã và đang thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Vinatex. Bao gồm:
Chấp hành triển khai triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại Công ty;
Chủ động tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch;
Tổ chức phương án sản xuất luân phiên nhằm đảm bảo hoạt động ổn định;
Tiết giảm chi phí trong thời điểm khó khăn….
Theo ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Công ty, Phong Phú đến nay không bị tác động bởi đa phần hàng của doanh nghiệp xuất đi thị trường Nhật. Tuy nhiên, dịch COVID-19 phức tạp nên bước sang quý 2, doanh nghiệp dệt may sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều thị trường khác sẽ đóng băng. Ngay cả Nhật, đơn hàng của công ty sang đây trong quý 2 này sẽ có nguy cơ giảm mạnh.
Theo đó, ông Trình cho rằng ngành dệt may đang khó bởi cả thị trường nội địa và quốc tế đều giảm sức tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách giảm các chi phí khác và giữ chân người lao động để chờ diễn biến dịch.
Riêng Phong Phú, sắp tới Công ty sẽ giới thiệu sản phẩm khăn kháng khuẩn cao cấp, trước mắt đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe mùa dịch đang tăng cao. Được biết, ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Phong Phú là dệt may, trực thuộc Tập đoàn Vinatex.
Về phía Vinatex, là doanh nghiệp đầu ngành dệt may, HĐQT Công ty đã liên tục có những biện pháp ứng phó với dịch COVID-19. Trong tâm thư mới nhất, Tổng Giám đốc Tập đoàn có đúc kết chia sẻ 3 bài học lớn cần tích cực triển khai và giữ vững trong tình thế khủng hoảng.
(1) Phát huy tinh thần sáng tạo, đừng sợ những ngã rẽ mới, hãy khai phá cả những con đường mà chúng ta chưa từng đi qua: 2 tháng qua, Vinatex đã sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, quần áo phòng dịch, quần áo dành cho bệnh viện và y bác sĩ.
Công ty cũng thử nghiệm làm việc từ xa – hành động trước đây nghĩ rằng không thể thực hiện với 1 ngành "con mọn" như ngành dệt may.
(2) Người lãnh đạo phải tự chấn chỉnh tinh thần trước tiên: mạnh mẽ và không được phép bi quan: Chính khó khăn mới tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp – doanh nhân tầm thường và những doanh nghiệp – doanh nhân có ý chí mạnh mẽ.
(3) Cuối cùng, lấy cái tâm yêu thương chân thành làm gốc: Khủng hoảng chính là lúc doanh nghiệp nhìn lại và củng cố triết lý kinh doanh của mình. Cái tâm sẽ luôn là điều quan trọng nhất trong kinh doanh. Nếu cái tâm trong sạch, công việc kinh doanh sớm muộn cũng sẽ ổn định trở lại.