Với nhịp sống hiện nay, có rất nhiều người trẻ tuổi ban ngày thường "ngủ bất tỉnh nhân sự" còn ban đêm lại không có cách nào để chợp mắt. Đối với những người này, giấc ngủ ban đêm chẳng khác gì cực hình, cũng bởi vậy nên họ rất dễ mắc nhiều chứng bệnh như cảm xúc không ổn định, đau đầu chóng mặt, chán ăn, sức khỏe suy giảm, đẩy nhanh tốc độ lão hoá, giảm tuổi thọ, dễ mắc bệnh Alzheimer của người già.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đánh giá giấc ngủ có chất lượng hay không? Nếu có những đặc điểm như dưới đây thì tức là bạn chưa có 1 giấc ngủ chất lượng, tuổi thọ và sức khỏe chưa được đảm bảo.
1. Bạn không thể chìm vào giấc ngủ trong vòng nửa giờ
Đến giờ đi ngủ, nếu bạn nằm trên giường đã 30 phút nhưng vẫn chưa thể chợp mắt thì chứng tỏ một điều rằng bạn chưa có sự chuẩn bị về tâm lý và sinh lý cho một giấc ngủ. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn chưa có một giấc ngủ chất lượng. Tình trạng này dễ xảy ra khi bạn suy nghĩ quá nhiều hoặc vận động quá nhiều trước khi ngủ. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất ngủ.
2. Mỗi đêm thức dậy hơn 5 phút
Thức giấc nhiều lần vào ban đêm nhưng nếu thời gian chỉ vào khoảng 2-3 phút là hiện tượng bình thường thì không có gì đáng lo lắng. Đặc biệt với những người độ tuổi 65 trở lên, ban đêm thức giấc 2-3 lần cũng là những hiện tượng rất bình thường.
Thế nhưng, nếu bạn thường xuyên thức giấc vào ban đêm, mỗi đêm tỉnh dậy hơn 5 phút mà rất khó vào lại giấc ngủ thì có nghĩa rằng giấc ngủ của bạn chưa đạt chất lượng.
3. Không thể ngủ lại trong vòng 20 phút sau khi thức giấc vào ban đêm
Nửa đêm sau khi thức giấc 10-15 phút, nếu cơ thể ở trạng thái thư giãn thì sẽ càng dễ chìm vào giấc ngủ mới. Nhưng nếu qua khoảng thời gian này, cơ thể sẽ sinh ra một loạt phản ứng khác làm cho chúng ta càng tỉnh táo hơn. Nếu tình trạng thức giấc và khó vào giấc xảy ra thường xuyên thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn nên chú ý đến sức khỏe của mình.
Chỉ cần không gặp phải 3 biểu hiện bên trên thì chứng tỏ giấc ngủ của bạn khá chất lượng. Tuy nhiên cũng nên chú ý rằng, nếu thời gian nằm trên giường xem điện thoại vượt quá thời gian ngủ thì bạn cần cảnh giác với chứng mất ngủ trong tương lai.
Vậy làm thế nào để có một giấc ngủ sâu?
1. Ngủ trước 23h tối
Khoảng thời gian từ 23h tối đến 3h sáng được coi là khoảng thời gian vàng cho một giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ không sâu thể hiện ở việc thường xuyên mơ ngủ, chỉ cần có âm thanh hoặc tiếng động nhẹ là thức giấc hoặc trở mình liên tục. Ngoài ra khoảng thời gian từ 12h-14h cũng là khoảng thời gian vàng thích hợp nhất cho giấc ngủ trưa từ 30 - 90 phút giúp cơ thể hồi phục năng lượng, tăng cường trí nhớ.
2. Không nên làm cho não quá phấn khích trước giờ đi ngủ
Hầu hết các trường hợp mất ngủ đều có liên quan đến yếu tố tâm lý. Việc điều tiết cảm xúc, tăng cường giao tiếp trong xã hội, trau dồi trí tuệ cảm xúc, tránh lo lắng quá mức không chỉ giúp phòng ngừa nguy cơ trầm cảm mà còn giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
Bạn có thể uống một cốc sữa ấm pha chút mật ong trước khi đi ngủ để giúp thúc đẩy giấc ngủ nhanh hơn và sâu hơn. Đồng thời mật ong có thể duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu vào ban đêm, giúp giảm thiểu tình trạng thức giấc giữa đêm.
3. Điều chỉnh môi trường ngủ
Nên giữ cho phòng ngủ thông thoáng, độ ẩm từ 60-65% sẽ có lợi cho giấc ngủ. Chăn ga gối đệm cần được thay thường xuyên, chọn gối và đệm có kích thước phù hợp, ko nên nằm gối quá cao dễ ảnh hưởng xương cổ, vai gáy. Ngoài ra nằm gối quá cao dễ làm cản trở máu từ tim lên não, tăng thêm gánh nặng cho tim.
4. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Theo ý kiến chuyên gia, trong vòng 3 tiếng trước khi đi ngủ không nên ăn bất cứ thức ăn nào. Các nghiên cứu có liên quan cũng chỉ ra rằng những người hay ăn trước khi ngủ dễ bị tăng cân. Lý do đơn giản là vì các món ăn nhẹ trước khi đi ngủ sẽ thêm calo vào tổng mức nạp hàng ngày. Hơn nữa, buổi tối là thời gian nhiều người cảm thấy đói nhất, do đó bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ sẽ đẩy lượng calo vượt quá nhu cầu hàng ngày.
Bên cạnh 4 yếu tố trên, ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ cũng có thể giúp lưu thông máu lên não, giải tỏa mệt mỏi giúp ngủ ngon hơn. Nên tắt tất cả các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ, kéo rèm và tắt đèn để đảm bảo môi trường tối hoàn toàn sẽ có lợi cho giấc ngủ hơn. Bạn cũng có thể nghe những bản nhạc êm dịu để dễ vào giấc hơn.
Theo Aboluowang, Healthline