Trong tác phẩm "Kình thảo hành" của Vương Miện có câu:
"Thê thê bất đáo vương tôn môn, thanh thanh bất cái sàm nịnh phần.
Du cân trực hạ thổ bách xích, khô vinh ám bão trung thần hồn.
Ngã vấn trung thần vi hà tử? Nguyên thị Hán gia bất giáng sĩ."
Dịch nghĩa:
"Ngọn cỏ cứng cáp xanh tươi chẳng mọc nơi cửa vương tôn quý tộc, cũng chẳng mọc trên phần mộ những kẻ gian thần xu nịnh.
Rễ cỏ ăn sâu trong đất cả trăm thước, dù đất khô cằn hay màu mỡ vẫn sẽ mãi bảo bọc linh hồn người trung thần.
Ta hỏi, cớ sao trung thần lại chết? Thì ra vì họ là chí sĩ Hán gia một lòng trung trinh không khuất phục."
Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, đã từng có những vương triều phồn vinh, thịnh vượng, nhưng cũng có cả những vương triều chỉ vừa mới lập đã nhanh chóng diệt vong. Vương triều phồn vinh sẽ được người người ca tụng, còn suy vong sẽ bị người đời mau chóng lãng quên.
Sự cai trị của người cầm quyền, cùng với thực trạng quốc gia dưới sự trị vì đó đều sẽ tác động đến sự phát triển về sau của triều đại ấy.
Mặc dù người thống trị là người có địa vị tối cao, nắm quyền lực tuyệt đối, nhưng nếu bên cạnh Hoàng đế không có các vị trung thần mà chỉ toàn bè lũ tiểu nhân xu nịnh, vậy thì quốc gia đó rồi cũng sẽ rơi vào kết cục diệt vong.
Khi Tần Nhị Thế chấp chính, thái giám Triệu Cao chính là người được vua tin sủng nhất, bất kể là chuyện gì, Tần Nhị Thế đều nghe theo lời của Triệu Cao, kết cục khiến nhà Tần rơi vào cảnh diệt vong.
Hình ảnh nhân vật Triệu Cao trên phim.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân tuy đã phát động biến Huyền Vũ môn nhằm giành ngôi vị Hoàng đế, nhưng trong thời gian ông trị vì, trọng dụng hiền tài Ngụy Trưng, tích cực lắng nghe lời can gián, nhờ thế đã mở ra thời kỳ phồn vinh Trinh Quán chi trị.
CÁI CHẾT CỦA TRUNG THẦN TRONG LỊCH SỬ
Từ xưa đến nay, một quốc gia hay một xã hội không thể được xây dựng nên bằng sức của một mình người đứng đầu, mà cần phải có sự trợ giúp của tất cả mọi người; phải có ý kiến đóng góp từ mọi người thì quốc gia đó mới có thể phát triển lâu dài.
Chính bởi như thế, dù là quốc gia có Hoàng đế - người nắm quyền tối cao, hay khi Hoàng đế thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo chế độ quân chủ tập quyền của mình thì trong triều đình vẫn cần có sự góp mặt của rất nhiều bá quan văn võ, đặc biệt cần nhất là những người trung thành, tài giỏi.
Sự có mặt của những trung thần hiền tài ấy chính là để đưa ra những góp ý, khuyên can khi Hoàng đế đưa ra những chính sách, quyết định sai lầm, không hợp lý, đưa đất nước phát triển ngày một tốt đẹp hơn.
Dù là với Hoàng đế nói riêng hay một quốc gia nói chung, trung thần hiền tài vẫn luôn mang ý nghĩa to lớn và quan trọng.
Song, trong lịch sử Trung Quốc lại thường xảy ra việc trung thần hiền tại đến cuối cùng không có được kết cục tốt đẹp, bởi vì họ là những người sẽ khiến Hoàng đế e dè, khiến tiểu nhân đố kỵ.
Đến cuối cùng, những kẻ thực sự sống sót và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả vương triều lại thường là những kẻ tiểu nhân gian nịnh.
Bởi vì nịnh bợ, biết chiều theo sở thích và mong muốn của Hoàng đế nên họ sẽ được Hoàng đế vô cùng tin sủng. Từ việc được tin tưởng này, họ sẽ tác oai tác quái, không ngừng thỏa mãn dục vọng của bản thân.
Trong lịch sử Trung Quốc, câu chuyện về trung thần chết oan không phải là hiếm. Vào thời nhà Minh, có một người được đánh giá là đệ nhất trung thần vì hàm oan mà chết.
Cẩm Y Vệ đến lục soát nhà ông cũng cảm thấy khó tin trước kết quả tìm kiếm và không kìm được nước mắt, Thái hậu đương triều hay tin thì không màng ăn uống, điều đó đã đủ để thấy sức ảnh hưởng của vị trung thần này lớn như thế nào.
VU KHIÊM – VÀO TRIỀU LÀM QUAN
Vị trung thần nhà Minh ấy chính là Vu Khiêm. Trong lịch sử Trung Quốc, Vu Khiêm là nhân vật nổi tiếng lẫy lừng, không chỉ bởi những việc tốt ông làm suốt thời gian ông làm quan mà còn bởi vì ông là một trung thần hàm oan mà chết trong triều đại ấy.
Vu Khiêm sinh ra trong một gia đình gia thế tốt, sinh ra trong gia đình như vậy đã định trước tương lai ông chắc chắn sẽ cống hiến vì nước nhà.
Hơn thế, từ nhỏ Vu Khiêm đã có chí hướng cao xa, ông không muốn chỉ làm thầy người khác mà mong sẽ dùng chính năng lực của bản thân để trở thành quan viên trong triều, vì triều đình vì quốc gia cống hiến một phần sức lực.
Bởi vì ước mơ từ thuở bé, nên Vu Khiêm luôn phấn đấu học tập, ông không bao giờ có thái độ hời hợt, qua loa chiếu lệ trong việc học, ngược lại còn rất cần cù khắt khe với chính mình. Lớn lên trong môi trường như vậy, cho nên dù tuổi còn trẻ, Vu Khiêm đã học thành tài, sau này ông thi đỗ các kỳ thi rồi thuận lợi vào triều làm quan.
Lúc mới đầu, Vu Khiêm vẫn chưa được chính thức là quan trên triều đình, thay vào đó, ông được điều đến địa phương để trau dồi, rèn giũa thêm.
Song, chính nhờ lần rèn luyện này, mà Vu Khiêm có được kinh nghiệm, khả năng trao đổi cùng nhân dân, ông làm việc gì cũng sẽ suy xét đến lợi ích của dân, hi vọng bản thân sẽ làm được những việc thiết thực vì dân chúng.
Nhờ vào tài năng và tính cách làm việc cẩn trọng, nghiêm chỉnh, không qua loa chiếu lệ của mình, Vu Khiêm dần được Hoàng đế coi trọng, từ đó, ông từng bước thăng quan tiến chức, cuối cùng trở thành một trong các quan viên được Hoàng đế tin sủng nhất bấy giờ.
KẾT CỤC BI THẢM CỦA MỘT TRUNG THẦN
Từ thời Minh Tuyên Tông đến Minh Đại Tông, Vu Khiêm vẫn luôn là mệnh quan triều đình được Hoàng đế trọng dụng. Ông cương trực, ngay thẳng, không a dua nịnh hót, làm việc tuy cẩn thận chi tiết, song không chỉ có nề nếp trật tự mà còn có quy tắc và cách thức riêng của bản thân.
Cũng bởi vì như vậy, nên trong triều đình Vu Khiêm giống như quan phái thanh liêm, chỉ trung thành với Hoàng đế, không câu kết qua lại với quyền quý, bởi vậy nên ông rất được Hoàng đế trọng dụng.
Xét cho cùng, tuy rằng ở thời Trung Quốc cổ đại, Hoàng đế là người có quyền lực cao nhất, nhưng cũng có đôi khi phải chịu sự hạn chế của tầng lớp thế gia quyền lực, bởi vậy, những quan viên hết lòng tận trung với vua sẽ luôn được Hoàng đế trọng dụng.
Càng không cần nói đến Vu Khiêm, một người luôn làm việc luôn dứt khoát, được dân chúng hết lòng ca ngợi.
Song, dù có là trung thần một đời thì đến cuối cùng, Vu Khiêm cũng không có được kết cục tốt đẹp. Bởi vì sự tồn tại của ông khiến cho nhiều kẻ tiểu nhân đố kỵ.
Vốn dĩ việc Vu Khiêm được Hoàng đế công nhận, trọng dụng đã khiến bọn chúng ghen ghét, lại thêm việc từ trước đến nay, Vu Khiêm không chịu qua lại, chung thuyền với chúng, cho nên những người này hận đến mức luôn muốn loại bỏ ông.
Sau này, khi Tân Đế kế vị, những kẻ gian thần xu nịnh ấy ngày ngày thổi gió, gièm pha bên tai Hoàng đế, cuối cùng Hoàng đế nghe theo lời bọn chúng, bắt Vu Khiêm hạ lệnh chém đầu, cuộc đời của vị trung thần ấy cứ vậy mà chấm dứt.
Sự chính trực, liêm khiết của Vu Khiêm, không chỉ bách tính bấy giờ biết rõ, mà ngay cả nhiều vị quan viên, quý tộc trong triều cũng biết.
Ngay cả Cẩm Y Vệ đến lục soát nhà cũng cảm thấy khó tin, bởi dù đã lục hết mọi chỗ, họ vẫn chẳng thể tìm ra vật gì đáng giá. Theo ghi chép, có thể dùng từ nghèo khó, tồi tàn để hình dung cuộc sống của ông.
Ngay cả Thái hậu Minh triều khi đó khi hay tin kết cục của Vu Khiêm cũng đã buồn đau không dứt, chẳng màng ăn uống trong suốt nhiều ngày.
Nhưng dẫu có như vậy, thì cũng chẳng thể thay đổi được gì, chỉ đành xót xa tiếc thương một người trung nghĩa với dân với nước.