Nhà, theo cách hiểu đơn giản nhất, là một công trình có tường vách bao quanh, có cửa ra vào, được sử dụng để ở, để sinh hoạt. Với những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn, nhà là nơi họ khẳng định gu thẩm mỹ cá nhân thông qua việc lựa chọn nội thất, đồ đạc trang trí, thiết kế không gian. Trong khi đó, những người thiên về đời sống tinh thần cho rằng nhà là tổ ấm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Vậy thì nhà thực sự là gì? Để tìm lời giải cho câu hỏi này, WOWMedia đã cùng Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI) phối hợp tổ chức show truyền hình thực tế đầu tiên về chủ đề Thiết kế - Kiến trúc – Lifestyle mang tên Là Nhà, đem đến những góc nhìn đa dạng về "nhà" qua lăng kính của những nhân vật trải nghiệm. Chương trình sẽ được Công ty Cổ phần VCCorp phát hành và bảo trợ truyền thông bởi Admicro, đồng thời đưa tin trên ELLE Decoration và Nghiện Nhà.
Covid-19 giúp chúng ta hiểu "nhà" thực sự là như thế nào
Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống, khái niệm về nhà cũng thay đổi theo thời gian. Nhà từ một nơi che nắng che mưa, nơi thể hiện cái tôi cá nhân trở thành một không gian tràn ngập tình yêu thương gia đình.
Nhưng có lẽ chỉ đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhà mới thực sự được hiểu theo cách trọn vẹn nhất. Việc không thể ra ngoài trong một thời gian dài và phải đối diện với với những bức tường vô cảm vì lý do cách ly, giãn cách xã hội khiến phần lớn mọi người cảm thấy bị cô lập, bị tách biệt ra khỏi thế giới, dẫn đến sự sa sút tinh thần lẫn thể chất.
Lúc này, một vai trò nữa của ngôi nhà lại được khám phá. Nhà giúp chúng ta cải thiện trạng thái tinh thần, mang đến những phút giây bình yên, thư giãn. Nhà là nơi khơi dậy các giác quan, nuôi dưỡng cảm xúc. Nhà là nơi mỗi người có thể kết nối với chính mình, chữa lành những tổn thương sâu bên trong.
Dường như, đại dịch chính là lúc để chúng ta nhìn lại ngôi nhà của mình, nhìn lại những vấn đề đang tồn tại để từ đó muốn kiến tạo một không gian sống mới. Cũng từ đây, khái niệm về "kiến trúc chữa lành" cũng được cộng đồng chú ý nhiều hơn.
Thiết kế chữa lành - Xu hướng kiến trúc hậu Covid-19
"Kiến trúc chữa lành" (Therapeutic Architecture) không phải là một khái niệm quá mới mà đã khá phổ biến ở những quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản... Những người theo đuổi lối kiến trúc chữa lành cho rằng con người bẩm sinh đã có mối quan hệ đa chiều với thiên nhiên. Vì vậy, trong kiến trúc chữa lành, các thiết kế sẽ tập trung vào việc tạo ra không gian đưa con người được trở về với thiên nhiên, hòa mình vào đó, để từ ấy thúc đẩy quá trình phục hồi, bảo vệ sức khỏe; loại bỏ sự căng thẳng từ môi trường (tiếng ồn, chất lượng không khí kém...).
Một điểm đặc biệt nữa là kiến trúc chữa lành tôn trọng văn hóa, kiến trúc bản địa. Kiến trúc sư sẽ tận dụng tối đa vật liệu từ chính địa phương để xây dựng nên những không gian sống thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe con người, thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên (nhiệt độ, ánh sáng, sự thay đổi mùa..), khí hậu, thổ nhưỡng.
Thực tế, xu hướng kiến trúc lấy sự thư thái, cảm xúc của con người làm trung tâm, đưa thiên nhiên vào đời sống sinh hoạt hàng ngày là xu hướng đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước và ngày càng thịnh hành ở những khu đô thị, thành phố lớn. Đầu năm 2021, tập đoàn Trung Nguyên Legend đã ra mắt dự án "Thành phố cà phê" lấy cảm hứng từ trường phái kiến trúc chữa lành.
Mặc dù vậy, ở Việt Nam, những mô hình này còn chưa thực sự phát triển. Có những ngôi nhà được đầu tư thiết kế, xây dựng công phu với số tiền rất lớn, nội thất sang trọng, cao cấp, không gian cây xanh, ánh sáng đủ đầy… nhưng vẫn không khiến gia chủ cảm thấy thực sự thảnh thơi, thoải mái. Nguyên nhân là vì chưa có tiếng nói chung giữa người sử dụng ngôi nhà và kiến trúc sư, người tạo nên nó. Hay nói một cách khác là thiếu điểm chạm cảm xúc - điểm gặp gỡ của những ý tưởng, của sự thấu hiểu sâu sắc văn hóa bản địa, thấu hiểu thói quen sinh hoạt của chủ nhân ngôi nhà và những kỳ vọng của họ về mái ấm.
Là Nhà - Cầu nối kiến trúc sư và gia chủ
Có thể nói, điểm chạm cảm xúc chính là điều kiện cần để định hình ý tưởng thiết kế, không gian cho kiến trúc chữa lành. Đó cũng là lý do mà chương trình truyền hình thực tế Là Nhà được ra đời.
Với ý nghĩa là cầu nối giữa kiến trúc sư và gia chủ, Là Nhà sẽ mang đến đến những góc nhìn chân thực về quá trình làm mới ngôi nhà qua nội dung, hình ảnh, góc quay đảm bảo chất lượng nghệ thuật điện ảnh.
Mỗi tập là mỗi câu chuyện, khán giả sẽ được đồng hành cùng nhân vật trải nghiệm từ giai đoạn lên ý tưởng, nhận lời tư vấn của các chuyên gia đến khâu thi công và cuối cùng là chiêm ngưỡng thành quả khi căn nhà khoác lên mình chiếc áo mới. Bên cạnh đó, khán giả còn có thể tìm thấy điểm chung, những góc nhìn tương đồng với chủ nhân căn nhà, đồng thời được có thêm kiến thức chuyên ngành về thiết kế, không gian, vật liệu… của trường phái kiến trúc chữa lành.
Với Là Nhà, không chỉ nhân vật trải nghiệm mà chính người xem sẽ tìm được đáp án cho câu hỏi với bản thân mình nhà thực sự là gì, một ngôi nhà như thế nào sẽ giúp chữa lành thân, tâm, trí hiệu quả nhất.
Chương trình dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình VTV3, đa nền tảng trực tuyến, Mega livestream và hệ thống truyền thông thuộc hệ sinh thái VCCorp.