Để không phải "đón bão" ăn vạ của con, bố mẹ cần lưu ý khi những dấu hiệu sau vừa nhen nhóm

H.H | 21-03-2020 - 09:24 AM

(Tổ Quốc) - Ăn vạ là bước tiếp theo sau sự nổi giận. Nó là đỉnh điểm của tức giận, kiệt sức, bị kích thích hoặc phấn khích quá mức mà trẻ đang phải chịu đựng.

Theo các nhà tâm lý học, mặc dù đều là hành vi bộc phát cảm xúc khi trẻ không thể nói ra những gì mà con đang cảm thấy, nhưng sự giận dữ (Tatrums) và sự khủng hoảng (Meltdowns) không hề giống nhau. 

Thực chất đây là hai bước nối tiếp nhau trong quá trình bùng nổ cảm xúc của trẻ. Và dù đang ở bước nào thì chắc chắn hành vi này cũng là một thử thách kiên nhẫn đối với các bố mẹ. Song nếu hiểu rõ con đang ở giai đoạn nào thì bố mẹ vẫn dễ dàng xử trí hơn.

Con nổi giận để đạt được thứ mà mình muốn

Cơn giận dữ của trẻ bắt đầu xuất hiện khi con chập chững biết đi cho đến độ 3 tuổi. Nó thường xảy ra khi trẻ muốn một thứ gì đó mà không được. Những lý do gây nên cơn thịnh nộ đôi khi nhỏ như con kiến, chẳng hạn như muốn chiếc cốc màu xanh mà không được, không được phép ở lại sân chơi thêm vài phút, hoặc không được mua đồ chơi mà con đã chọn. 

Để không phải "đón bão" ăn vạ của con, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau để ngăn khi nó vừa nhen nhóm - Ảnh 1.

Giận dữ là một chiến thuật để trẻ thử xem bố mẹ có cho những gì mà mình muốn hay không (Ảnh minh họa).

Bà Amori Mikami, phó giáo sư Khoa Tâm lý học thuộc Đại học British Columbia (Canada), cho biết: "Giận dữ là một chiến thuật để trẻ thử xem bố mẹ có cho những gì mà mình muốn hay không".

Vì thế, trong cơn giận dữ, con sẽ la, khóc, đánh bố mẹ... nhưng điều quan trọng bố mẹ cần nhận ra là con hoàn toàn có thể kiểm soát được cảm xúc và hành động của mình. Bằng chứng là sau khi đạt được thứ mình muốn, con sẽ vui vẻ ngay, hoặc biến tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi đòi mãi mà không được.

Trong trường hợp này, bà Amori khuyên rằng: "Bố mẹ nên giải thích qua một lần cho con nghe rằng 'Con không được mua (hoặc làm) điều đó, bởi vì…'. Sau đó hãy phớt lờ con. Khi thấy bố mẹ không còn phản ứng nữa thì hầu như trẻ sẽ bỏ cuộc vì mệt mỏi"

Nghĩa là nếu bố mẹ kiên định, con sẽ biết những cơn giận không mang lại hiệu quả và con sẽ ngừng sử dụng chiêu này. Mặt khác, đây cũng là cách để bố mẹ không nuôi tính thao túng người khác bằng những cơn giận dữ của con.

Ăn vạ là kết quả khi sự bùng nổ cảm xúc lên đỉnh điểm

Để không phải "đón bão" ăn vạ của con, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau để ngăn khi nó vừa nhen nhóm - Ảnh 2.

Khi sự tức giận lên đến đỉnh điểm thì trẻ sẽ bước qua giai đoạn khủng hoảng (Ảnh minh họa).

Cơn khủng hoảng là bước tiếp theo sau tức giận. Nó là đỉnh điểm của sự tức giận, kiệt sức, bị kích thích hoặc phấn khích quá mức mà trẻ đang phải chịu đựng. "Lúc này, trẻ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, thậm chí chính trẻ cũng không biết mình muốn gì. Và mọi việc trẻ làm không vì mục đích nào cả", bà Amori nói.

Bố mẹ có thể cảm thấy bất lực khi con ăn vạ, vì dù có làm gì hay nói gì thì cũng vô ích. Con vẫn sẽ cứ la hét, khóc lóc, đánh bố mẹ hoặc bỏ chạy. Cuộc khủng hoảng chỉ kết thúc khi con đã kiệt sức hoặc con được đưa ra khỏi tình huống hay môi trường căng thẳng.

Bà Amori cho biết: "Mỗi đứa trẻ đều có những phản ứng khác nhau trong cuộc khủng hoảng. Một số bố mẹ đã gọi đúng tên cảm xúc của con và biến nó thành lời nói, sau đó ôm con để xoa dịu. Trong khi có nhiều ông bố bà mẹ khác cho rằng nên để con được yên tĩnh một mình là cách làm tốt nhất. Thật ra, cách làm nào cũng tốt. Nếu tâm trí bạn đang quay cuồng trong hỗn độn thì một cái ôm hoặc ở trong không gian yên tĩnh cũng giúp bạn tĩnh tâm lại".

Để không phải "đón bão" ăn vạ của con, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau để ngăn khi nó vừa nhen nhóm - Ảnh 3.

Khi con lớn hơn, bố mẹ có thể dạy con cách tự điều chỉnh cảm xúc như hít thở sâu hoặc nói thầm câu thần chú "Mình đang tức giận nhưng mình sẽ vượt qua". Tuy nhiên, việc bố mẹ cần làm nhất là ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngay từ khi nó mới bắt đầu nhen nhóm bằng cách nhận ra những dấu hiệu sau: 

- Con gặp khó khăn trong việc mô tả nhu cầu của mình.

- Lặp đi lặp lại những câu hỏi.

- Từ chối không làm theo lời hướng dẫn của bố mẹ.

- Bỏ chạy.

- Than mệt, chóng mặt, khó thở tim đập nhanh.

Bà Amanda Morin, chuyên gia tư vấn giáo dục sớm tự do khuyên: "Nếu bố mẹ 'đánh hơi' được cuộc chiến sắp đến thì bạn có thể giúp con bình tĩnh lại trước khi con bị mất kiểm soát"

Và cho dù không hề muốn tiếp nhận những cơn giận dữ cũng như cuộc khủng hoảng của con, thì bố mẹ nên hiểu một điều rằng đây là một phần trong sự phát triển xã hội của con. Thay vì áp lực căng thẳng, bố mẹ hãy thả lỏng mình ra, hít thở thật sâu và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng "đón bão". Đồng thời hãy niệm thần chú rằng "Cơn bão nào rồi cũng sẽ tan".

Nguồn: Parenting 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM