4 dấu hiệu cảnh báo huyết áp đang tăng vọt
Cảm thấy bị tê tay chân
Vào sáng sớm, ngay khi vừa ngủ dậy, tình trạng tê bì tay chân thường khiến nhiều người gặp khó khăn khi khởi đầu ngày mới. Nguyên nhân khởi phát của tình trạng này có thể là do thiếu máu cục bộ và thiếu oxy. Quá trình lưu thông máu kém hơn khi cơ thể vừa được đánh thức cũng khiến tình trạng này trở nên rõ rệt hơn.
Bạn thường cho rằng mình hay bị tê chân tay do khi ngủ ban đêm tư thế nằm hoặc bị chăn, gối chèn, song nguyên nhân phần lớn vẫn là do huyết áp cao.
Hoa mắt chóng mặt ngay khi vừa ngủ dậy
Trong khoảng thời gian mới ngủ dậy, huyết áp dao động lớn có thể dẫn tới thiếu oxy lên não, gây chóng mặt cho mọi người. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể dẫn tới đột quỵ bất cứ lúc nào.
Khi cảm thấy chóng mặt, tuyệt đối đừng vội ngồi dậy hay xuống giường ngay mà nên nằm thêm khoảng 3-5 phút để huyết áp điều hòa, trở lại ổn định hơn.
Những người có tiền sử về bệnh huyết áp đều được khuyến nghị thức dậy từ từ vào thời điểm sáng sớm để phòng tránh nguy cơ tăng huyết áp đột ngột.
Thường xuyên bị ù tai
Người bị cao huyết áp rất dễ xuất hiện triệu chứng ù tai do xung quanh vùng tai thường tập trung nhiều mạch máu. Khi huyết áp tăng cao, mạch máu trong tai không được cung cấp đủ máu sẽ gây hiện tượng ù tai.
Ù tai vừa gây khó chịu, mệt mỏi, vừa là cảnh báo cho thấy sức khỏe đang gặp vấn đề, có khả năng phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ tăng cao. Do đó, nếu triệu chứng này kéo dài, bạn nên lập tức đi khám để kiểm tra tình trạng cơ thể.
Thường xuyên bị đau đầu
Khi huyết áp tăng cao, tình trạng mạch máu giãn nở xảy ra, hình thành các cơn co lại bất thường. Dòng máu tạo áp lực liên tục lên thành mạch sẽ dẫn tới các cơn đau đớn, thường xuất hiện ở vùng đầu, gây khó chịu và cản trở sinh hoạt mỗi người.
Nếu tình trạng này diễn ra vào buổi sáng, khi mới thức dậy thì bạn cần hết sức lưu ý. Đây có thể là nguy cơ cho thấy tình trạng huyết áp tăng cao, khiến nguy cơ đột quỵ hiển hiện rõ ràng hơn.
Thay đổi thói quen thường ngày để giúp ổn định huyết áp
Giảm lượng natri nạp vào mỗi ngày
Khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy đi sự cân bằng của natri và kali, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc và gây thêm nhiều áp lực căng thẳng đến các mạch máu dẫn đến thận.
Do đó, cần thay đổi thói quen ăn mặn, giảm lượng natri nạp vào cơ thể hàng ngày để giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Tác động của việc hấp thụ natri đối với mỗi người là khác nhau nhưng ai cũng nên hạn chế tiêu thụ nhiều muối. Chế độ ăn nhạt vừa khuyến nghị chỉ nên sử dụng khoảng 800-1.200mg natri/ngày/người, tương đương khoảng 2-3g muối ăn/ngày.
Tăng lượng kali nạp vào cơ thể
Kali hỗ trợ giảm lượng natri thông qua đường nước tiểu, đồng thời giảm căng thẳng trong thành mạch máu. Nhờ vậy, việc bổ sung kali sẽ giúp kiểm soát huyết áp cao.
Để cân bằng natri - kali, hãy bổ sung thêm các thực phẩm giàu kali như dưa, chuối, bơ, cam, sữa, sữa chua, cá ngừ, cá hồi...
Thường xuyên bổ sung kali và giảm muối sẽ giúp huyết áp ổn định hơn. Ảnh: Internet
Tập thể dục thường xuyên
Theo Express, đảm bảo việc tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Hoạt động thể chất 150 phút một tuần, nghĩa là khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, có thể làm giảm huyết áp khoảng 5 - 8 mmHg nếu bị huyết áp cao.
Vận động hợp lý cũng giúp tim khỏe mạnh hơn, hiệu quả bơm máu tốt hơn nên có thể giảm áp lực lên các động mạch.
Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá
Hút thuốc và uống rượu, bia là những nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp, thúc đẩy nguy cơ bị tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cụ thể, trung bình những người đàn ông uống bốn ly rượu hoặc bia mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 38% so với người bình thường. Người có thói quen hút thuốc lá cũng phải đối mặt với những nguy hại tương tự.
Cắt giảm carbs tinh chế
Các nghiên cứu gần đây cho thấy carbs tinh chế và đường bổ sung trong thực phẩm có thể làm tăng huyết áp. Giảm ăn hai loại thực phẩm này có thể giúp kiểm soát huyết áp một cách tự nhiên.
Một số loại thực phẩm chính có nguồn gốc từ carbs tinh chế mà người có vấn đề huyết áp cần lưu ý là: Bột mì trắng, bánh mì trắng, gạo trắng, nước ngọt, bánh ngọt, mì ống, đồ ăn vặt, ngũ cốc ăn sáng... và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
*Tổng hợp