Tại IFA 2023, Lenovo đã công bố chiếc máy chơi game cầm tay sử dụng Windows đầu tiên của mình mang tên Lenovo Legion Go - có thể coi là câu trả lời của thương hiệu này với sản phẩm cùng loại là ASUS ROG Ally.
'Sinh sau đẻ muộn', Legion Go lại đem tới một vài điểm nâng cấp so với đối thủ trong đó đáng nói nhất là một màn hình kích thước lớn hơn và phần tay cầm có thể tháo rời, mở ra những cách sử dụng linh hoạt.
Lenovo Legion Go sở hữu một màn hình cảm ứng 8.8 inch 'Puresight' độ phân giải 2560 x 1600 với tần số quét 144Hz, độ phủ màu 97% DCI-P3 và có độ sáng 500 nits để sử dụng được cả trong nhà lẫn ngoài trời. Như đã đề cập, đây là một màn hình có kích thước lớn hơn những máy chơi game cầm tay khác và cũng có độ phân giải cao hơn, để so sánh thì ASUS ROG Ally có màn hình 7 inch độ phân giải FullHD.
Cạnh phải máy ta có 4 nút điều khiển được đánh dấu X, Y, B, A; nút bật cửa sổ điều chỉnh nhanh (âm lượng; độ sáng, độ phân giải, tần số làm tươi màn hình; bật tắt Bluetooth, Wifi...), cần điều khiển joystick với đèn RGB và một touchpad nhỏ để điều khiển chuột giống với touchpad của laptop. Joystick sử dụng công nghệ Hall-effect để chống trượt, cùng phần nắp có thể tháo rời để người dùng tự in 3D nắp khác phù hợp với ngón tay của mình.
Cạnh trái có nút bấm để bật Legion Space - giao diện chuyên dành cho game thủ từ Lenovo với thư viện tổng hợp game và các tùy chỉnh liên quan; một joystick khác, D-Pad điều hướng và 2 nút 'Menu', 'View'.
Ở các cạnh bên và mặt sau, Legion Go có tổng cộng 2 cần gạt analog, 1 vòng cuộn chuột và 6 nút bấm có thể tùy chỉnh theo sở thích cũng như tựa game đang chơi.
Cạnh trên máy có thêm nút điều chỉnh âm lượng, cổng nhạc 3.5mm, USB Type-C, khe cắm thẻ microSD, nút nguồn với đèn đổi màu tùy theo chế độ hiệu năng (tiết kiệm pin, cân bằng và hiệu năng cao) cùng lỗ dành cho hệ thống tản nhiệt. Cạnh dưới sẽ có thêm một cổng USB Type-C nữa, cả 2 đều hỗ trợ xuất hình ảnh DisplayPort 1.4.
Bên cạnh màn hình, một điểm nổi bật khác của Legion Go là khả năng tháo rời 2 bên tay cầm, khá giống với chiếc Nintendo Switch.
Những tay cầm này khi tháo rời sẽ kết nối với máy bằng Bluetooth để sử dụng không dây. Lenovo cho biết trên thân máy tích hợp 2 chip Bluetooth - một dành cho việc kết nối với các tay cầm, một để kết nối với các thiết bị khác như chuột, bàn phím, tai nghe nhằm tránh xung đột gây mất kết nối lẫn nhau.
Thân máy tích hợp một chân dựng ở mặt sau, có thể gập mở ở nhiều góc độ để đặt Legion Go đứng lên các bề mặt phẳng.
Kiểu thiết kế này cho phép ta đặt Legion Go lên bàn mà vẫn chơi game được với tay cầm không dây, không giới hạn ở việc phải cầm toàn bộ máy trên tay trong suốt quá trình sử dụng. Nếu cần một màn hình lớn hơn thì ta có thể kết nối máy với TV, màn hình máy tính. Cả 2 cách sử dụng kể trên đều 'mượn' từ chiếc Nintendo Switch nhưng lần đầu xuất hiện trên một chiếc máy chơi game Windows.
Tháo hẳn 2 tay cầm ra, Legion Go vẫn có thể sử dụng như một chiếc máy tính bảng Windows 11. Sử dụng vi xử lý hiệu năng cao để phục vụ việc chơi game chứ không phải chip tiết kiệm điện nên Legion Go khi sử dụng ở chế độ này cũng sẽ dày hơn so với các máy tính bảng Windows khác.
Ở cạnh dưới của tay cầm phải Lenovo cũng tích hợp thêm cảm biến quang học.
Khi lắp với một chiếc đế được tặng kèm thì 'biến' thành một con chuột dạng đứng! Kết hợp thêm một bàn phím Bluetooth máy có cách sử dụng không khác mấy những chiếc laptop thông thường. Lenovo gọi đây là FPS Mode vì có thể tận dụng để chơi những tựa game bắn súng với độ chính xác, tính công thái học cao hơn so với dùng joystick.
Về mặt cấu hình, Legion Go sử dụng vi xử lý AMD Z1 Extreme với GPU AMD RDNA - một dòng chip hiệu năng cao được thiết kế để sử dụng trong các sản phẩm chơi game cầm tay; cùng với 16GB RAM LPDDR5X (7500Mhz), lựa chọn bộ nhớ cao nhất 1TB dạng SSD Gen4 và khe thẻ microSD hỗ trợ tối đa 2TB; viên pin 49.2Wh hỗ tợ sạc nhanh Super Rapid Charge.
Lenovo Legion Go hiện chưa có giá bán chính thức tại Việt Nam, với giá bán quốc tế là 700 USD dành cho phiên bản bộ nhớ 512GB và 750 USD cho phiên bản 1TB.