Đây là lối thoát của các nhà sản xuất Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đại dịch

Bảo Nam | 09-07-2020 - 11:34 AM

(Tổ Quốc) - Khi việc tiếp cận thị trường quốc tế ngày càng không đáng tin cậy, các nền tảng thương mại điện tử đang hợp tác với các nhà sản xuất để ra mắt các thương hiệu nội địa của riêng mình.

Zhu Kaiyu đã mở một nhà máy sản xuất hàng dệt kim ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2020. Tới nay, tình hình của cơ sở sản xuất này khá ấn tượng: rộng 15.000 mét vuông, 800 nhân viên, 300 máy móc, 5 triệu sản phẩm quần áo được bán mỗi năm. Ông cũng tự hào là đối tác sản xuất đáng tin cậy cho các công ty nước ngoài như Fullbeauty Brand, chủ sở hữu của một loạt thương hiệu Mỹ về quần áo nam và nữ.

"Bình thương mọi năm", ông nói, "30% doanh thu của tôi đến từ nước ngoài."

Nhưng mọi thứ dừng lại từ năm 2018. Trên toàn ngành công nghiệp dệt may, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu gây ra sự căng thẳng cho các nhà sản xuất hàng may mặc, bởi đây là một trong những ngành sản xuất chịu sự phụ thuộc lớn nhất vào xuất khẩu của Trung Quốc. Các đơn đặt hàng bị trì hoãn vận chuyển tới ba tháng, gây ra tổn thất trực tiếp vào doanh thu lợi nhuận của Zhu đồng thời làm tắc nghẽn hệ thống lưu trữ bởi không thể kiểm soát được hàng tồn kho.

Sau đó, trước khi công việc kinh doanh này hoàn toàn hồi phục, Covid-19 xuất hiện và "xé toạc" cả thế giới. Xuất khẩu chao đảo khiến Zhu bị hủy một luồng đơn hàng trị giá ước tính từ 4 đến 5 triệu USD. Doanh số bán hàng trong nước cũng bị ảnh hưởng khi các cửa hàng ở địa phương buộc đóng cửa vì phục vụ mục tiêu kiểm soát đại dịch.

"Ảnh hưởng có thể rất lớn", ông nói. "Nhà máy của tôi rất lớn. Tôi có rất nhiều công nhân cần hỗ trợ."

Nhưng may mắn thay, Zhu đã có một kênh bán hàng khác. Năm 2018, Pinduoduo, một gã khổng lồ thương mại điện tử nhắm vào người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ của Trung Quốc, đã đưa ra sáng kiến ​​kết nối các nhà sản xuất với thị trường nội địa. Theo mô hình được gọi là "mô hình kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nền tảng này bắt đầu sử dụng kho dữ liệu và thuật toán AI khổng lồ của mình để giúp các nhà sản xuất Trung Quốc dự đoán sở thích của người tiêu dùng, từ đó phát triển thương hiệu dành riêng cho khách hàng nội địa.

Đây là lối thoát của các nhà sản xuất Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đại dịch - Ảnh 1.

Cửa hàng của Kaiyu trên Pinduoduo.

Pinduoduo không chỉ nói với các nhà sản xuất cách tùy chỉnh các sản phẩm của họ để phù hợp với xu hướng thị trường, nền tảng này cũng tư vấn cho họ cách thiết kế lại bao bì, cách đặt giá và cách tiếp thị hàng hóa trực tuyến. Bằng cách này, các nhà sản xuất có thể cải thiện hiệu quả sản xuất của họ, từ đó làm cho sản phẩm rẻ hơn cho người tiêu dùng. Còn nền tảng này thì có thể kiếm tiền từ người dùng mới bằng quảng cáo. Điều này đã giúp cả nền tảng và các nhà sản xuất đều tiếp cận được một cơ sở người tiêu dùng trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Bởi trong khi người tiêu dùng thượng lưu quan tâm nhiều hơn đến các thương hiệu quốc tế, thì làn sóng người tiêu dùng mới hơn này quan tâm nhiều đến các sản phẩm chất lượng tốt với giá thấp hơn.

Khi đại dịch ập đến, Pinduoduo nhanh chóng mở rộng sáng kiến ​​của mình. Nó đã thêm các ưu đãi mới cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng khi tham gia nền tảng của mình, chào đón họ bằng cách áp dụng dịch vụ livestream và tổ chức các sự kiện bán hàng khuyến mại.

Vì vậy, Zhu đã tham gia với thương hiệu riêng của mình, mang tên shui zhong Jun. Ông đã làm theo hướng dẫn của nền tảng và thiết lập một kênh phát sóng trực tiếp. Kể từ tháng Năm, anh đã có thể bán tới 25.000 mặt hàng quần áo thông qua việc livestream trong vòng vài giờ, tăng lên từ mức trung bình 1.000 mặt hàng mỗi ngày.

Mô hình C2M (consumer-to-manufacturer) ban đầu xuất hiện như một cách để thúc đẩy và hiện đại hóa ngành công nghiệp sản xuất, thu hút nhiều người tiêu dùng hơn trên nền tảng của Pinduoduo. Nhưng xu hướng đã tăng tốc và mang theo ý nghĩa mới, kể từ cuộc chiến thương mại và đại dịch kéo dài.

Khi sự tiếp cận của Trung Quốc vào các thị trường quốc tế ngày càng không đáng tin cậy, đất nước đã ngày càng tìm cách đẩy mạnh tiêu dùng trong nước trong nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái kinh tế tiềm tàng.

"Vấn đề là Trung Quốc đang đánh mất lượng lớn nhu cầu ở nước ngoài", Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nơi ông nghiên cứu các chính sách thương mại và quan hệ Mỹ-Trung, cho biết. "Họ muốn thay thế nó bằng nhu cầu của chính Trung Quốc".

Đây là lối thoát của các nhà sản xuất Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đại dịch - Ảnh 2.

Biểu đồ xuất khẩu của Trung Quốc từ giữa chiến tranh thương mại cho tới đại dịch Covid-19.

Cũng như Pinduoduo, các đại gia thương mại điện tử khác của Trung Quốc, bao gồm cả Taobao và JD thuộc sở hữu của Alibaba, hiện đang cung cấp dịch vụ C2M. Kể từ đầu năm nay, cả ba đã đặt ra các mục tiêu mới để mở rộng các sáng kiến ​​C2M của họ. Pinduoduo đã giúp ra mắt 106 thương hiệu thuộc sở hữu của nhà sản xuất vào năm 2019, và mục tiêu của họ là thành lập thêm 1.000 thương hiệu mới trong năm nay. Nó cũng đã ký một quan hệ đối tác chiến lược vào tháng Tư với chính phủ Đông Quan, nơi có nhà máy của Zhu, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Trung Quốc.

Taobao, tương tự, đã cam kết mang lại ít nhất 14 triệu USD cho 1.000 nhà sản xuất, được phân phối trên 10 cụm nhà máy, trong vòng ba năm tới. Vào tháng 3, nó đã ra mắt một ứng dụng mới có tên là "Thỏa thuận Taobao" để giới thiệu các sản phẩm giá thấp hơn được thiết kế thông qua quan hệ đối tác C2M.

JD thì cho biết họ sẽ tuyển dụng các đối tác trên hơn 100 vành đai công nghiệp. Vào tháng Tư, họ cũng đã đưa ra một sáng kiến "​Từ xuất khẩu sang nội địa" thông qua ứng dụng mới Jingxi để cho phép các nhà sản xuất mở các cửa hàng mới trên nền tảng của mình miễn phí, sau đó tham gia vào các dịch vụ tiếp thị, hậu cần và giao hàng.

Năm 2018, mô hình C2M đã tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD doanh số ở Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường iReseach. Ước tính nó sẽ tăng lên 5,9 tỷ USD vào năm 2022.

Và khi các mối quan hệ đối tác đã tạo ra kết quả đầy hứa hẹn, các nhà sản xuất cũng đã tăng gấp đôi chiến lược thương hiệu nội địa của họ. Chen Zhuoyue, chủ sở hữu của một công ty sản xuất đồ chơi có trụ sở tại Chenghai, Quảng Đông, đã tham gia chương trình C2M của JD vào năm 2018. Sau khi JD giúp tùy chỉnh các sản phẩm và phát triển một chiến lược giá mới, việc kinh doanh trên nền tảng này đã nhanh chóng tăng trưởng để chiếm tới 50% doanh thu nội địa của Chen. Khi đại dịch ập đến và việc xuất khẩu giảm mạnh từ 30% xuống dưới 5% doanh thu, anh đã coi đó chính là dấu hiệu để mở thêm hai cửa hàng mới trên JD và ra mắt thêm các thương hiệu nội địa.

Tất nhiên, điều đó không phải là Chen sẽ ngừng làm việc với các thương hiệu nước ngoài. Theo anh, đây chỉ là biện pháp để mở rộng ra nhiều thị trường hơn nữa.

"Nếu xuất khẩu trở lại bình thường và các cộng tác viên nước ngoài lâu năm đến gõ cửa, tôi sẽ sẵn sàng tiếp tục thực hiện các đơn đặt hàng của họ", anh cho biết. Còn hiện tại, với việc ra mắt thương hiệu của riêng mình, Chen nhận thấy đây là một nguồn tăng trưởng và ổn định quan trọng. "Kế hoạch của tôi là mở rộng sự hiện diện ở trong nước của mình", anh nói. "Năm nay tôi muốn tăng đầu tư vào lĩnh vực này."

Đây là lối thoát của các nhà sản xuất Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đại dịch - Ảnh 3.

C2M liệu có phải là lối thoát cho khủng hoảng kinh tế?

Theo iReseach, hiện vẫn chưa rõ liệu một mình thị trường nội địa của Trung Quốc có thể bù đắp cho sự biến đổi từ thị trường quốc tế trong thời gian dài hay không. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu của đất nước này đã nhanh chóng gia tăng sức mạnh chi tiêu và dự kiến ​​sẽ giúp tăng lên quy mô thị trường là 141 triệu USD vào năm 2022.

"Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ngành công nghiệp sản xuất nước này cũng đã phải vật lộn với nguồn cung quá nhiều", theo Derek Scissors. "Và họ đã dựa vào Mỹ và các thị trường nước ngoài khác để loại bỏ lượng sản xuất dư thừa của mình".

Tuy nhiên, chuyên gia này không tin rằng một mô hình mới như C2M sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô sâu sắc như vậy. Theo ông, C2M đơn giản chỉ là một "cú hích khôn ngoan" từ những gã khổng lồ thương mại điện tử để tăng lợi nhuận của chính họ.

Tuy nhiên, động thái này đã tiếp tục nhấn mạnh sự tập trung vào thị trường nội địa ngày càng lớn của Trung Quốc, khi nước này đang tìm cách xây dựng sự tự túc về kinh tế và công nghệ. Đối với các nhà sản xuất riêng lẻ như Zhu, mô hình C2M chắc chắn đã mang đến cho anh cảm giác "kiên cường" hơn. Và nếu các yếu tố bên ngoài khó lường hơn nữa xảy ra, như một cuộc chiến thương mại khác, anh sẽ tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ đối tác C2M với Pinduoduo.

"Chúng tôi sẽ cải thiện sản phẩm, nghiên cứu phát triển và sản xuất", anh nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu của chính mình".

Tham khảo technologyreview

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM