Chúng ta thường nghe câu: "Cá đầu nước thì ngon, con đầu lòng thì dại" khi so sánh những đứa trẻ trong một gia đình, hoặc khi trẻ lớn hơn thì lại được so sánh với bạn bè, với con nhà hàng xóm… Đôi lúc chúng ta thích đặt con của mình lên bàn cân để so sánh và thường tập trung vào cái trẻ không có, nhưng lại không nhìn thấy những điều tuyệt vời và khác biệt mà trẻ đang có.
Học thuyết về trí thông minh của con người
Giáo sư Gardner, được biết như cha đẻ của thuyết đa trí tuệ từ năm 1980, từng nói về những loại trí thông minh đa dạng nhiều chiều của con người, không phải chỉ là 1 chỉ số IQ cứng nhắc. Do đó, cha mẹ nên có cái nhìn đa chiều về sự thông minh ở trẻ. Đừng so sánh hay gắng ép trẻ "phải đúng" với những tiêu chuẩn nào đó, cần xem trẻ là một cá thể độc lập để có cơ hội được phát triển tốt nhất.
Cho đến nay, có ít nhất 9 loại thông minh được quan tâm nhiều trong nghiên cứu và giáo dục. Bác sĩ Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh) sẽ chỉ ra cho cha mẹ thấy 9 biểu hiện của một đứa trẻ thông minh, cha mẹ có thể tham khảo để hiểu hơn về trẻ:
1. Trí thông minh ngôn ngữ: Con quan tâm hơn về ngôn ngữ và giao tiếp.
2. Trí thông minh logic toán học: Con quan tâm hơn về cách suy luận và tính toán.
3. Trí thông minh âm nhạc: Con quan tâm hơn về âm nhạc, nhịp điệu.
4. Trí thông minh hình ảnh không gian: Con tập trung, hay chú ý, quan tâm hơn về hội họa, màu sắc, hình học.
5. Trí thông minh vận động thể chất: Con quan tâm hơn về vận động, chạy nhảy, hoạt bát chơi đùa với các bạn,...
6. Trí thông minh giao tiếp xã hội: Con quan tâm hơn về làm người khác vui, động viên, an ủi… (hay cười đùa, tự tin khi giao tiếp,..).
7. Trí thông minh nội tâm: Con quan tâm hơn về việc điều hòa cảm xúc, đánh giá giá trị của bản thân con và của ai đó…
8. Trí thông minh thiên nhiên: Con thích khám phá, quan tâm hơn về động vật, cây cối, thế giới tự nhiên…
9. Trí thông minh hiện sinh: Con hay hỏi, hay so sánh, quan tâm hơn về tại sao điều này tồn tại, tại sao nó như vậy, mà không phải là như thế kia…
Nghiên cứu về sự thông minh trẻ nhỏ là một lĩnh vực phức tạp, chưa ai có thể hiểu tất cả và vẫn đang nghiên cứu. Đây chỉ là một công cụ để cha mẹ tham khảo và nên hiểu rằng mỗi đứa trẻ có thể có mối quan tâm và sự thông minh ở một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại sao phải bắt 2 đứa trẻ phải giống nhau y khuôn mới được?
Những năm đầu đời quan trọng cho sự thông minh của trẻ
Như chúng ta đã biết: 6 năm đầu đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của trẻ và đó là khoảng thời gian não bộ trẻ phát triển mạnh nhất. Do đó, nếu trẻ thiếu tương tác hoặc dinh dưỡng kém đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Đây là một số điều quan trọng trong giai đoạn này mà cha mẹ cần quan tâm:
VỀ TƯƠNG TÁC:
1. Ngay từ giai đoạn mang thai: Mẹ có thể đọc sách về đa dạng chủ đề như cuộc sống hằng ngày, câu chuyện nhân nghĩa và trò chuyện với trẻ về những câu chuyện này, nghe nhạc thư giãn từ tuần thứ 9 vì khi đó thai nhi đã bắt đầu cảm nhận thế giới xung quanh bằng âm thanh và lời nói. Biểu hiện con đạp, phản ứng nhanh, nhận ra mẹ,.. cho thấy con đang phát triển thông minh trong bụng mẹ.
2. Khi trẻ sinh ra đến hết 11 tháng tuổi, những điều cha mẹ nên làm như da kề da với trẻ, nói chuyện khi cho trẻ bú, có thể chơi đùa và trò chuyện với trẻ khi thay tã, sau khi tắm... việc con biết hóng chuyện, lẫy, nói sớm cũng như trẻ lanh lẹ, cười đùa là biểu hiện con đang phát triển thông minh.
Khi trẻ lớn hơn nên dành thời gian đọc sách, chơi với trẻ, hoặc tạo các cơ hội để trẻ tăng tương tác như cùng trẻ xếp hình, đi dạo, hỏi đáp,… đều có ích cho sự phát triển trí thông minh của trẻ. Lúc này, trẻ bộc lộ sự thông minh qua việc có thể nói được nhiều từ và thích kể chuyện. Bên cạnh đó, bé tò mò với thế giới xung quanh nên thường hay hỏi, hay so sánh cũng như biểu hiện được sự hoạt bát, tự tin trong cuộc sống hằng ngày.
3. Khi trò chuyện với trẻ, không nên dùng từ hay thể hiện thái độ hổ báo mà hãy lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của con. Điều này không những giảm các "loại độc hại" từ lời nói, mà còn tạo cơ hội cho bạn hiểu những tiềm năng của con. Hãy quan sát và lắng nghe, khi hiểu trẻ bạn cũng biết cách giúp con phát triển tốt hơn.
4. Giúp trẻ phát triển các mối quan tâm của riêng của bản thân (các loại quan tâm kể trên), không có nghĩa là bỏ qua các mối quan tâm khác. Bạn cần khuyến khích và động viên trẻ làm tốt nó. Đó chính là điều làm con trở nên thông minh hơn.
VỀ DINH DƯỠNG
Khi nói về dinh dưỡng, chúng ta thường nghĩ ngay đến làm sao để trẻ ăn đủ và đa dạng. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, y học lối sống đã nhấn mạnh thêm các vấn đề khác như cách trẻ ăn, hành vi ăn uống phát triển thế nào trong 6 năm đầu rất quan trọng. Nó quyết định bao nhiêu là đủ, là khỏe cho cơ thể trẻ. Do đó:
1. Trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi, tránh dụ dỗ hay ép trẻ ăn, tránh các yếu tố sao nhãng như TV, đồ chơi hay bế rong khi ăn.
2. Bữa ăn cần gia tăng sự đa dạng các nhóm thực phẩm và kiên nhẫn giới thiệu lặp lại cho trẻ.
3. Thói quen ăn vặt, ăn bánh kẹo kém lành mạnh ở trẻ có thể xuất hiện rất sớm, thậm chí khi trẻ chỉ vừa qua 2 tuổi vì khi đó trẻ đã biết đòi ăn có mục đích. Thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như gây sâu răng, tạo năng lượng rỗng cho cơ thể, làm trẻ biếng ăn, thậm chí ảnh hưởng đến phát triển của não bộ.
Do đó, cha mẹ nên hướng trẻ đến các loại thực phẩm lành mạnh, tự làm tại nhà và chứa các thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và não bộ. Một số loại thực phẩm rất tốt cho não bộ trẻ như trứng, trái bơ, cá thu...
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.