Trong buổi ra mắt sản phẩm mới gần đây, ngoài các thiết bị điện tử chủ chốt, Apple cũng công bố một vài món phụ kiện bán kèm. Trong đó, nổi bật nhất là một chiếc dây buộc cho AirPods Pro 2 được làm bằng dây bện đính kèm một chiếc kẹp nhựa ở đầu. Chỉ nặng 4,54 gram nhưng nó được công ty Mỹ bán với giá 13 USD, tương đương 300.000 đồng. Trên thực tế, bạn có thể tìm thấy thứ có thiết kế lẫn chức năng tương tự ở bất kỳ đâu trên thế giới, với giá chỉ khoảng vài ngàn đồng.
Món phụ kiện này nhanh chóng nhận được làn sóng chỉ trích rất lớn từ cộng đồng mạng, với phản ứng tương tự như những lần Apple đã bán với giá trên trời những món hàng như bánh xe cho Mac Pro với giá 799 USD, hay chiếc giẻ lau màn hình iPhone với giá 19 USD.
Nhưng bất chấp sự phản đối, tại thị trường lớn cũng như quan trọng nhất của Apple hiện nay - Trung Quốc - món phụ kiện này đang được đặt mua tới mức “cháy hàng”. Điều này bắt nguồn từ sự quan tâm cực lớn của người tiêu dùng Trung Quốc đối với thiết bị cầm tay iPhone 14 mới cũng như các sản phẩm có liên quan của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Thời gian chờ đợi cho các đơn đặt hàng trực tuyến của chiếc dây buộc theo trang web của Apple hiện đã kéo dài hơn 5 tuần qua. Tức là nếu đặt hàng hôm 13/9, bạn sẽ phải chấp nhận ngày giao hàng sớm nhất là 19/10. Thời gian chờ này hiện tương tự với thời gian chờ để nhận iPhone 14 Pro Max, và vượt cả thời gian chờ để cầm trên tay một chiếc iPhone 14.
Hashtag về chiếc dây buộc đã trở thành chủ đề thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc trong tuần này, thu hút hơn 350 triệu lượt xem và 12.000 lượt thảo luận.
“Tôi thậm chí không dám mua một sợi dây đắt tiền như vậy để treo cổ mình”, một người dùng viết, và bình luận này đã nhận được hơn 16.000 lượt thích. “Có rất nhiều thứ như thế này trong một cửa hàng chuyên bán mấy món đồ 2 nhân dân tệ (khoảng 6.000 đồng)”, một người khác nói.
Một số người dùng lại cho rằng mức giá này “có thể chấp nhận được” đối với những người tiêu dùng đã chi tới 299 USD để mua AirPods Pro 2. Tuy nhiên, những người khác cũng đặt câu hỏi liệu Apple có đang cố tình đưa ra mức giá này như một hình thức tiếp thị.
Tất nhiên, dây buộc hiện vẫn có sẵn tại một số cửa hàng Apple. Và nếu không thể tới đó, người dùng nước này có thể ghé qua bất kỳ khu chợ nào để mua một sản phẩm thay thế với giá rẻ hơn rất nhiều lần. Trong khi đó, Incase, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất dây buộc này cho Apple cho biết trên trang web của mình rằng sản phẩm của họ sở hữu một "thiết kế đơn giản có chủ đích". Tuy nhiên, công ty đã không trả lời bất cứ yêu cầu bình luận nào.
Bất chấp mọi sự chế giễu hay phản đối, Apple vẫn vô cùng nổi tiếng ở Trung Quốc. Và điều này cũng giúp thúc đẩy doanh số bán các phụ kiện chính thức của hãng. Cũng như các sản phẩm khác của mình, các mẫu iPhone mới của Apple đã chứng tỏ được sức hút tại quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Vào thứ Bảy tuần trước, 24 giờ sau khi các đơn đặt hàng trước chính thức được mở, người tiêu dùng Trung Quốc đã đặt hơn 2 triệu thiết bị iPhone 14 thông qua cửa hàng Apple Store chính thức trên nền tảng JD.com. Một phần đáng kể các đơn đặt hàng trước là dành cho hai mẫu Pro cao cấp.
Bất chấp những phàn nàn ban đầu của người tiêu dùng về việc thiếu đổi mới trong thiết kế sản phẩm, các nhà phân tích tin rằng dòng iPhone 14 có thể giúp Apple chống lại các mẫu điện thoại Android ở phân khúc cao cấp, nơi đang bị một loạt nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Huawei nhắm tới. Doanh số bán smartphone nói chung đã giảm ở quốc gia này trong bối cảnh nhu cầu mua sắm suy yếu do ảnh hưởng bởi kinh tế. Nhưng gần một nửa doanh số bán điện thoại thông minh cao cấp trong quý II tại Trung Quốc vẫn dành cho iPhone, theo số liệu từ Counterpoint.
Tham khảo SCMP, Sina