Rối loạn tiêu hóa là một nhóm các tình trạng xảy ra khi hệ thống tiêu hóa hoạt động không bình thường. Các chuyên gia tiêu hóa chia nó thành 2 loại: rối loạn GI hữu cơ và rối loạn chức năng. Trong đó, rối loạn GI hữu cơ xảy ra khi có những bất thường về cấu trúc trong hệ thống tiêu hóa, khiến nó không thể hoạt động bình thường. Trong các rối loạn chức năng tiêu hóa, đường tiêu hóa có cấu trúc bình thường nhưng vẫn hoạt động không tốt.
Rối loạn chức năng tiêu hóa chính là vấn đề mà nhiều người gặp phải nhất trong các dịp nghỉ lễ Tết. Giải thích cho điều này, bác sĩ Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát cho biết: "Ngày Tết chúng ta thường gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, ăn không ngon, thậm chí là tiêu chảy hay táo bón. Tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất chính là do thay đổi thói quen ăn uống".
Theo đó, trong những ngày nghỉ Tết, chúng ta thường sẽ ăn nhanh hơn, ăn nhiều hơn, ăn nhiều loại thức ăn hơn. Điều này có thể khiến hệ tiêu hóa của chúng ta bị quá tải và không thể tiêu hóa được một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc uống nhiều rượu bia, cà phê hay nước ngọt cũng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột, dạ dày và dẫn đến các triệu chứng khó chịu.
Mẹo "5 không" để tránh rối loạn tiêu hóa ngày Tết
Để phòng tránh các vấn đề rối loạn tiêu hóa, bác sĩ Hải Đan nhắc nhở mọi người nên ghi nhớ mẹo "5 không" dưới đây.
1. Không ăn quá nhiều đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ
Thức ăn nhiều dầu mỡ ăn với lượng lớn khiến dạ dày tốn nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, đồng thời nó cũng cung cấp lượng lớn năng lượng khiến bạn luôn trong tình trạng khó tiêu, bụng ì ạch.
2. Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng
Bởi nếu bỏ bữa sáng, bữa ăn đầu tiên trong ngày chúng ta sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, ăn mất kiểm soát làm tăng lượng đường, lượng mỡ trong máu và gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, hãy cố gắng thức dậy và ăn đúng giờ ngay cả trong dịp Tết.
3. Không nên ăn quá nhanh, quá no
Sau khi ăn thức ăn, dạ dày tiết ra hormone leptin - hormone này là cách để dạ dày "nói chuyện" với não rằng dạ dày đã no, không nên ăn thêm. Từ đó, não sẽ phát ra tín hiệu khiến chúng ta ngừng cảm giác thèm ăn và không ăn nữa. Khi chúng ta ăn quá nhanh, não sẽ không kịp nhận biết được tín hiệu "báo no" này của dạ dày, khiến chúng ta ăn quá no, gây dư thừa năng lượng. Do đó, hãy nhai chậm và ăn với tốc độ bình thường như mọi ngày.
CLIP 1 Mẹo tránh rối loạn tiêu hóa ngày tết
4. Không ăn đồ tích trữ quá lâu trong tủ lạnh
Chúng ta thường tích trữ những thức ăn còn thừa lại từ các bàn tiệc lớn trong ngày Tết. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tích trữ và ăn hết thức ăn thừa trong ngày hôm đó hoặc tích trữ tối đa 1 ngày để đảm bảo chất lượng. Ví dụ, thức ăn tích trữ từ buổi sáng thì buổi tối cố gắng ăn hết hoặc nên bỏ đi nếu như không thể ăn hết. Nếu nấu quá nhiều, chúng ta nên để nguyên thức ăn trong nồi và ăn đến đâu, lấy đến đó, bởi những chiếc thìa, đũa khi đưa vào miệng của chúng ta mang theo nhiều vi khuẩn trong miệng, nhiễm vào thức ăn khiến thức ăn nhanh hỏng hơn, dễ ôi thiu hơn.
5. Không nên uống quá nhiều bia rượu
Việc uống nhiều rượu bia làm tăng nồng độ cồn trong máu lên đột ngột sẽ gây hại cho gan, khiến gan làm việc nhiều hơn và thậm chí gây rối loạn nhịp tim - trong y khoa, đây được gọi là hội chứng trái tim kỳ nghỉ lễ. Vì vậy, dù vui thế nào chúng ta cũng nên sử dụng rượu bia một cách hợp lý, trong 1 tuần nên giữ 2 ngày không đụng đến rượu bia.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hải Đan cũng gợi ý 5 việc chúng ta cần làm để có ngày Tết khỏe mạnh hơn.
- Ăn thêm rau xanh và trái cây tươi.
- Cần uống đủ nước mỗi ngày.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, nhất là tập thể dục.
- Bổ sung men vi sinh vào bữa ăn.
- Bổ sung thuốc tráng dạ dày và viên xơ chống táo bón vào tủ thuốc gia đình.