Đau thắt ngực khi đang tập thể dục là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Người ưa vận động cần hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong mùa đông lạnh giá

Thiên An | 11-01-2021 - 19:33 PM

(Tổ Quốc) - Đau ngực đột ngột khi chạy là hồi chuông cảnh báo các vấn đề liên quan đến tim mạch không nên bỏ qua.

Bác sĩ Eugene Chung- Giám đốc khoa tim mạch thể thao tại Michigan Medicine cho biết: “Không phải tất cả các cơn đau tức ngực đều có liên quan đến bệnh tim, nhưng những người chạy bộ nên lắng nghe cơ thể và nếu có điều gì không ổn, họ cần đến bệnh viện để kiểm tra”.

Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ được công bố vào năm 2018 trên tạp chí Circulation, tình trạng ngừng tim đột ngột ở những người có thói quen chạy bộ là không phổ biến. Khoảng 0,54 trên 100.000 người tham gia chạy bán marathon và marathon bị ngừng tim đột ngột. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống điện tim gặp trục trặc, làm gián đoạn hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể. Mặc dù đó là một con số nhỏ, nhưng có đến 71% tử vong do ngừng tim đột ngột, chủ yếu là nam giới khi tham gia chạy marathon so với bán marathon. Vậy nên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể bỏ qua cơn đau ngực trong khi chạy bộ.

Các nguyên nhân gây ra các cơn đau tức ngực khi chạy có liên quan đến vấn đề tim mạch:

Đau thắt ngực ổn định

Các cơn đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện ở vùng sau của xương ức, nó là hậu quả của sự hẹp cố định động mạch vành và các mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì khi mạch vành bị hẹp sẽ khiến cho lưu lượng máu đến nuôi cơ tim bị giảm và dẫn đến triệu chứng đau ngực.

Đau và có cảm giác khó chịu là những triệu chứng ban đầu của bệnh đau thắt ngực. Cơn đau có thể bắt đầu ở ngực và thỉnh thoảng lan đến lưng, cổ, vai trái và xuống cả cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái). Đôi lúc người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ nóng hoặc khó tiêu. Cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng đổ mồ hôi, buồn nôn, ngất xỉu, kiệt sức, choáng váng và khó thở.

Rối loạn nhịp tim nhanh trên thất

Đau thắt ngực khi đang tập thể dục là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Người ưa vận động cần hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong mùa đông lạnh giá - Ảnh 1.

Nhịp tim nhanh trên thất (supraventricular tachycardia-  SVT) là một loại rối loạn nhịp tim thường gặp, gây nên tình trạng tim đập với tần số nhanh bất thường. Các triệu chứng biểu hiện ra ngoài thường gặp bao gồm cảm giác đánh trống ngực, tim đập nhanh (có thể lên tới 140 - 200 nhịp/phút hoặc thậm chí nhanh hơn), chóng mặt và khó thở.

Một cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất có thể xuất hiện đột ngột, có hoặc không có yếu tố kích thích khởi phát. Các cơn này có thể kéo dài từ vài giây, vài phút, thậm chí kéo dài tới vài giờ, sau đó đột ngột tự biến mất hoặc sau khi được can thiệp (bằng thuốc hoặc không bằng thuốc).

Bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là tình trạng rối loạn cơ tim, khiến tim giảm khả năng co bóp lưu thông máu, ảnh hưởng nhịp tim gây rối loạn nhịp tim. Khi bị bệnh cơ tim phì đại, các sợi cơ tim phát triển bất thường khiến thành tim dày lên, đặc biệt ở khoang bơm máu chính (tâm thất trái), khoang bên trong tâm thất trái bị thu nhỏ, tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập khiến tâm thất bơm máu ra khỏi tim ít hơn. Cơ chế gây bệnh khiến người bệnh đau thắt ngực, khó thở, tim đập nhanh và có thể dẫn đến đột tử.

Bệnh này đặc biệt nguy hiểm vì thường không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh có thể sống cuộc sống như những người bình thường. Cũng bởi lý do này mà bệnh thường được phát hiện và điều trị muộn, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh. Đây cũng được biết đến là nguyên nhân chính gây đột tử ở những người trẻ tuổi và các vận động viên.

Các nguyên nhân gây ra các cơn đau tức ngực khi chạy không liên quan đến vấn đề tim mạch:

Mất nước

Đau thắt ngực khi đang tập thể dục là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Người ưa vận động cần hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong mùa đông lạnh giá - Ảnh 2.


Nước chiếm đến 50% thành phần của máu trong cơ thể. Mất nước có thể cản trở khả năng bơm máu hiệu quả của tim, gây ra các hiện tượng tim đập nhanh, thở nhanh, nhịp tim không đều, đau tức ngực hoặc khó chịu.

Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, chúng ta nên uống nước và ăn các thực phẩm giàu nước, đặc biệt là trước, trong và sau khi chạy. Theo Viện Y học, nam giới nên cố gắng nạp ít nhất 100 ounce (khoảng 13 cốc) và phụ nữ ít nhất 75 ounce (khoảng 9 cốc) tổng chất lỏng mỗi ngày.

Rối loạn chức năng dây thanh âm

Dây thanh âm đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng mở ra khi chúng ta thở và đóng lại khi chúng ta nói, nuốt hoặc nâng vật nặng. Sự cố xảy ra khi chúng ta cần các dây thanh âm mở để thở, nhưng chúng vẫn đóng.

Điều này khiến thanh quản bị thu hẹp và ít chỗ cho không khí lưu thông qua dây thanh âm, dẫn đến đường thở có phản ứng hoặc nhạy cảm cao, khiến bạn không nhận được đủ không khí từ phổi. Bác sĩ Chung cho biết đây là thủ phạm gây ra các cơn đau khó chịu ở ngực khi bạn đang chạy, vì một trong những tác nhân gây rối loạn chức năng dây thanh âm là tập thể dục.

Hen suyễn do tập thể dục

Hen suyễn do tập thể dục là do các cơ vân quanh đường thở rất nhạy cảm với những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm khi đó nó sẽ phản ứng lại bằng cách co thắt, làm hẹp đường thở. Nó gây ra tình trạng khó thở, thở khò khè, ho và các triệu chứng khác trong hoặc sau khi tập thể dục. Thuật ngữ chính xác cho tình trạng này là co thắt phế quản do tập thể dục.

Ợ nóng

Khi bạn chạy, tất cả các cử động của chân và tay có thể gây ra áp lực lên vùng bụng, dẫn đến một số axit trong dạ dày trào ngược lên kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu như đau ngực.

Để tránh bị ợ nóng, không nên nhịn đói và chạy ngay sau bữa ăn, cũng như hạn chế đồ ăn cay và chua, đồ uống có ga và cà phê nếu bạn gặp phải tình trạng ợ nóng trong khi chạy.

Viêm phổi

Theo bác sĩ Chung cho biết, đau ngực có thể liên quan đến một đợt viêm phổi gần đây. Tình trạng viêm phổi kéo dài có thể gây ra một số cơn đau hoặc khó chịu ở ngực, đặc biệt là khi bạn phải hít thở sâu hơn.

Đôi khi, viêm phổi có thể gây ra rắc rối ở vùng màng phổi - một lớp màng mỏng bao gồm 2 lớp (một lớp lót bên trong của thành ngực và một lớp bao phủ lá phổi). Viêm màng phổi là tình trạng lớp màng bao quanh phổi bị viêm và gây ra các cơn đau nhói ở ngực với tần suất nhanh đối với người bệnh. Cơn đau thường tăng lên khi bệnh nhân hít thở sâu hoặc ho, làm cho hai lá màng phổi vốn bị viêm lại bị cọ xát lên nhau.

Đau cơ xương khớp

Đau thắt ngực khi đang tập thể dục là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Người ưa vận động cần hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong mùa đông lạnh giá - Ảnh 3.


Tiến sĩ Horwich cho biết những cơn đau tức ngực xuất hiện đột ngột và biến mất nhanh chóng có nhiều khả năng là do đau cơ, khớp hoặc xương, chẳng hạn như viêm sụn sườn. Viêm sụn sườn (còn gọi là viêm khớp sụn sườn) là hiện tượng đau và căng tức thành ngực do tình trạng viêm các khớp nối giữa sụn xương sườn với xương ức. Bệnh có thể gây nên tình trạng đau ngực dữ dội và trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân tạo áp lực lên khu vực đó hoặc di chuyển đột ngột (chạy bộ).

Bất cứ ai trải qua cơn đau ngực lúc đang tập thể dục đều nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về quá trình điều trị tốt nhất để phối hợp điều trị và tập luyện hợp lý. Một số nguyên nhân gây đau ngực có thể rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào bất thường, bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để xử lý triệu chứng kịp thời.

Theo Thehealthy


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.