Trường Tiểu học, THCS Maya nằm trong quần thể Làng Maya rộng hơn 10 héc-ta ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội. Thông tin này để trả lời cho bạn câu hỏi trường Maya ở đâu. Còn nếu câu hỏi tiếp theo của bạn là "trường Maya như thế nào?", thì bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở trong bài viết này - nói đúng hơn, đây là một câu chuyện, mà với tư cách là người kể chuyện, tôi nghĩ rằng, bạn sẽ tìm thấy ít nhiều khai mở thú vị cho hành trình lớn lên cùng con của mình.
Cuộc sống của những đứa trẻ Maya
Maya là một Farm School song ngữ hoạt động theo triết lý Montessori với niềm tin rằng mỗi trẻ em đều có thiên hướng cá nhân riêng. Vì thế, hoạt động giáo dục của nhà trường được xây dựng trên nền tảng của nguyên tắc "nương theo trẻ", để mỗi em đều có cơ hội phát triển tối ưu và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Tôi đến thăm trường Maya vào khoảng 1 giờ chiều, khi học sinh vừa hoàn thành xong bữa trưa. Khác với không khí tĩnh lặng vào giờ nghỉ trưa tôi vẫn gặp ở các trường học khác, giờ nghỉ trưa của học sinh Maya có những âm thanh rất lạ. Âm thanh của những cuộc trò chuyện, tiếng cười sảng khoái của một nhóm bạn sau khi ủn được nhau trèo lên một vách đất cao, lời nựng nịu chú cún nhỏ của một bé gái, tiếng reo lên chào nhau khi gặp người quen… Những âm thanh vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm khiến tôi phải mất một lúc thật lâu để nhận ra "À, đây chính là những âm thanh của cuộc sống!"
Bà Maria Montessori là nhà giáo dục đầu tiên cho đóng các bàn ghế nhỏ, vừa vặn với trẻ ở từng độ tuổi để trẻ ngồi học thoải mái, bởi bà tin tưởng rằng môi trường giáo dục cũng quan trọng như chính giáo dục vậy.
Trường Maya được thiết kế như một ngôi làng, nơi mà mọi không gian đều được xây dựng hài hoà, kết nối với thiên nhiên để tạo nên một môi trường giáo dục ngăn nắp, bình an, tràn đầy cảm hứng và sự gắn kết, một nơi khiến cho mọi học sinh đều thích thú, yêu mến và đủ riêng tư để mọi học sinh đều có cho mình một thế giới riêng để suy nghĩ và học hỏi.
Theo chân các nhóm học sinh di chuyển đến sân vận động, nông trại Lá Mây, xưởng mộc và xưởng gốm…, đi bộ dưới những vòm lá, trên những con đường dốc uốn quanh đồi, tôi mới hiểu vì sao tụi nhỏ ở Maya luôn mỉm cười và tràn đầy năng lượng.
Có lẽ là bởi vì trên những cung đường mà lũ trẻ đi lại mỗi ngày đó, chúng được lắng nghe những âm thanh trong trẻo, được ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ và được hít hà biết bao nhiêu mùi hương. Là tiếng đá lạo xạo dưới chân, là tiếng gió luồn qua rừng tre; là màu của bầu trời và muôn sắc hoa lá; là mùi thơm của cây cỏ, hoa trái mỗi mùa.
Học sinh trường Maya dành buổi sáng để học các chương trình học thuật và có cả một buổi chiều cho chương trình giáo dục thực hành được dẫn dắt bởi các chuyên gia thực thụ của mỗi ngành nghề, cùng các hoạt động giáo dục thể chất và nghệ thuật.
Các bạn nhỏ sẽ làm việc trên những cánh đồng và xưởng chế biến nông sản của nông trại Lá Mây; làm việc trong xưởng Mỹ thuật Lea, xưởng gốm, may, thêu, đan Mỡ hay xưởng mộc và tự động hoá Mira; dành thời gian để học kĩ năng sinh tồn trong cánh rừng, chơi các môn thể thao hay tham gia các hoạt động để thoả sức trang hoàng và làm phong phú đời sống tinh thần của mình thông qua âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật ngôn ngữ.
Những đứa trẻ không phải bó chân một chỗ suốt 6 tiếng một ngày để nghe thầy cô giảng bài và để lại mọi mơ mộng, tò mò phía sau cánh cửa lớp học để tập trung nghe giảng, ở Maya, trẻ được lắng nghe để giải đáp những câu hỏi có sẵn trong đầu trẻ, được tự tin nói ra những điều mình nghĩ trong đầu, được khích lệ chia sẻ những điều thôi thúc từ bên trong và được trang bị đầy đủ nhất để thử nghiệm một cách sáng tạo những điều khiến mình tò mò.
Đặc biệt, trường Maya cũng không chấm điểm học sinh mà ghi nhận mọi nỗ lực dù là nhỏ nhất của mỗi trẻ để giúp trẻ không bị mất đi năng lực tự đánh giá chính mình, và luôn tìm kiếm được niềm vui tự thân ở trong mọi công việc. Ở Maya, trẻ không chỉ học mà còn làm việc, một cách thực sự nghiêm túc, trách nhiệm và say mê.
Những bàn tay nhỏ lấm lem thoảng mùi hương thì là
Phương pháp Montessori nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập và sự tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ dựa trên nền tảng câu nói nổi tiếng "Đừng bao giờ giúp trẻ việc mà trẻ có thể tự làm được" của bà Maria Montessori.
Trường Maya được tính toán thiết kế từ những chi tiết nhỏ nhất (như hệ thống nhà đắp bằng đá ong hay sử dụng chất liệu tre nứa…) để cho phép trẻ trải nghiệm sự tự do và phát huy tính độc lập ở tất cả các lĩnh vực và hoạt động học tập, cũng như đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý bên trong trẻ.
Từ những khu nhà lớp học hoà mình thân thiện với thiên nhiên, những ô cửa kính lớn mở rộng tầm mắt trẻ, khu bếp được bố trí trong tất cả khu nhà để trẻ tự phục vụ các nhu cầu của bản thân và đặc biệt là những bài học sinh tồn giúp trẻ làm chủ sự an toàn trong một không gian rộng lớn.
Tôi vô cùng hào hứng khi quan sát đôi bàn tay của các bạn nhỏ ở Maya, những đôi bàn tay nhỏ bận rộn cả ngày nào vặn dây cột hàng rào, đánh giấy ráp đồ gỗ, vuốt ve các bạn chó, bới đất trồng cây, nặn đồ gốm, thêu thùa, may vá…
Tất cả những công việc đó không phải chỉ đơn giản là "làm cho vui", mỗi công việc đều là một công đoạn của cả một dự án lớn, mỗi học sinh đều là một mắt xích của một dây chuyền tác động ảnh hưởng lẫn nhau, hiệu quả làm việc của người này sẽ dẫn đến kết quả công việc của người khác, chính vì thế, trẻ ở Maya đoàn kết, hỗ trợ, học tập lẫn nhau không phân biệt độ tuổi.
Bạn nhỏ nào cũng ý thức được vai trò của mình, để nỗ lực hay đơn giản là học cách tự chịu trách nhiệm và dám thử sức với một lựa chọn mới. Học sinh trường Maya dùng đôi bàn tay của mình để khám phá, cảm nhận, thực hành cuộc sống liên tục với các hoạt động đa giác quan phong phú và vô cùng thú vị như vậy, bởi vì, "đôi tay làm cái gì thì tâm trí khắc ghi cái đó" và một đôi bàn tay bận rộn cũng chính là hình ảnh của một trí não đang phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện.
Hôm đó, các bạn nhỏ làm việc ở nông trại Lá Mây thu hoạch các luống thì là mà mình đã gieo hạt từ tháng trước. Chân đeo ủng, tay cầm kéo, xách giỏ các bạn được cô hướng dẫn từ cách quan sát, cách cầm kéo, cây cao thì cắt thế này, cây thấp thì cắt thế kia, vì sao lại như thế, cho đến cách giữ cho rau tươi lâu hay dùng rau để nấu món gì sẽ ngon. Buổi chiều, trên chuyến xe từ trường về nhà, có những bạn nhỏ tay ôm chặt bó rau thì là, thiu thiu ngủ trên xe và hẳn là sẽ mơ về món canh chua cá thả rau thì là thơm nức mũi.
Rời Maya, trong tôi ngân nga mãi giai điệu của một bài hát thiếu nhi hồn nhiên, trong trẻo:
"Phép lạ hàng ngày thần tiên giấu trong đôi bàn tay,
Hôm qua là hạt mầm hôm nay đã thành cây,
Phép lạ hàng ngày thần tiên giấu trong đôi bàn tay,
Cho bao niềm mê say cất cánh bay." (*)
… và tôi tin rằng, mỗi ngày đến trường, những đứa trẻ Maya mà tôi đã gặp hôm nay, đã cùng nhau làm nên bao phép lạ từ những đôi bàn tay bận rộn, kiên trì và mạnh mẽ theo cách của riêng chúng.
(*) Lời bài hát "Phép lạ" của nhạc sĩ Lê Tâm.